Dự án khách sạn thương mại Sài Gòn tại 80 Lý Thường Kiệt: Sẽ là dấu chấm hết?

Dự án khách sạn thương mại Sài Gòn tại 80 Lý Thường Kiệt: Sẽ là dấu chấm hết?

Tiến trình triển khai dự án khách sạn 4 sao trên 2 lô đất vàng tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) có vốn góp của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang trước nguy cơ đổ vỡ.

“Đóng băng” đất vàng

Sau 3 tháng bị Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội thông báo tạm dừng mọi giao dịch liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với lô đất số BS 762611 cấp cho Công ty TNHH Khách sạn Thương mại Sài Gòn (Công ty Khách sạn), Dự án xây dựng khách sạn 4 sao vẫn chưa có dấu hiệu “tan băng”. 

Theo thông tin của chúng tôi, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa phát văn bản “thúc” VNR và Công ty TNHH Hà Thành - 2 cổ đông chính tại Công ty Khách sạn báo cáo, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất của đơn vị tại lô đất nói trên để báo cáo UBND TP. Hà Nội. 

Lý giải về quyết định tạm “đóng băng” lô đất vàng hồi tháng 9/2015, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Sở được Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) cung cấp một số tài liệu, văn bản cho thấy, việc góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu của VNR với đối tác để thành lập Công ty Khách sạn chưa đúng với yêu cầu và chỉ đạo của Bộ GTVT, cần phải được kiểm tra, xem xét lại.

“Vì vậy Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo, tạm dừng mọi giao dịch có liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với lô đất số BS762611 đã cấp cho đến khi có kết luận của cơ quan điều tra”, ông Nghĩa cho biết.

Được biết, thông báo này được gửi tới Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Sở Tư pháp (để thông báo cho các cơ quan công chứng); Ngân hàng Nhà nước TP. Hà Nội (để thông báo cho các tổ chức tín dụng); Bộ GTVT; Cục Cảnh sát kinh tế và 2 cổ đông trong Công ty Khách sạn.

Trước đó, vào đầu tháng 9/2014, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định số 4823/QĐ - UBND thu hồi 1.005 m2 đất bao gồm 774 m2 tại số 80, phố Lý Thường Kiệt và 261 m2 tại số 22, phố Phan Bội Châu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm lúc đó do VNR quản lý, sử dụng để cho Công ty Khách sạn (doanh nghiệp được thành lập khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam góp vốn bằng tài sản gắn liền đất) thuê để sử dụng cùng công trình đã xây dựng làm cơ sở kinh doanh.

Thừa ủy quyền UBND TP. Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với lô đất số BS762611 ngày 13/2/2015 cho Công ty Khách sạn.

Cần phải nói thêm rằng, Công ty TNHH Khách sạn Thương mại Sài Gòn hoạt động từ tháng 7/2013. Doanh nghiệp này có số vốn điều lệ 60 tỷ đồng, VNR giữ 50% vốn điều lệ bằng việc góp giá trị tài sản trên đất, trang thiết bị và quyền sử dụng lô đất số 80, phố Lý Thường Kiệt và số 22, phố Phan Bội Châu để đầu tư một khách sạn 4 sao 19 tầng trên nền khách sạn cũ.

Hiện chưa rõ đây có phải là động thái dẫn tới việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - điều mà các cổ đông trong Công ty Khách sạn lo ngại nhất hay không? Tuy nhiên, quyết định mang tính “chấm hết” cho Dự án khách sạn 4 sao này của UBND TP. Hà Nội sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra cũng như Kết luận của Thanh tra Chính phủ - đơn vị vừa hoàn tất dự thảo kết luận thanh tra toàn diện VNR, trong đó có việc góp vốn bằng quyền thuê đất và lợi thế thương mại tại lô đất vàng.

Thua lỗ liên tục

Theo ông Ngô Cao Vân – một trong hai người đại diện phần vốn của VNR tại Công ty Khách sạn, tiến độ triển khai Dự án đã rất chậm so với biên bản thỏa thuận hợp tác được ký hồi tháng 5/2013. Cho đến tháng 6/2015, chủ Dự án mới gửi phương án thiết kế quy hoạch và kiến trúc cho Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội xin chấp thuận quy mô xây dựng khách sạn.

“Tuy nhiên với Thông báo tạm dừng mọi giao dịch liên quan đến lô đất số BS762611, Dự án không thể xin được giấy phép xây dựng và chưa biết đến khi nào mới tiếp tục trở lại”, ông Vân cho biết.

Trong khi đó, mục tiêu khiêm tốn hơn mà VNR được Bộ GTVT yêu cầu là bảo toàn vốn góp tại Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn cũng bị vỡ như “bong bóng xà phòng”.

Cụ thể, trong hơn 2 năm hoạt động, tổng lỗ lũy kế kể từ khi được chuyển giao cho đối tác là hơn 4 tỷ đồng. Trong văn bản giải trình HĐTV Công ty vào tháng 8/2015, ông Nguyễn Văn Toàn, Tổng giám đốc Công ty cho biết, nguyên nhân thua lỗ là do công suất phòng chỉ đạt 21%. 

Dù nắm 50% cổ phần, nhưng tiếng nói của VNR tại Công ty TNHH Khách sạn Thương mại Sài Gòn không có nhiều giá trị. Các ý kiến của người đại diện đưa ra tại HĐQT Công ty (theo chỉ đạo của VNR) hầu như không được chấp thuận. Trong cơ cấu tổ chức của Công ty, hai chức danh chủ chốt là Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc đều thuộc về Công ty Hà Thành, nên việc kiểm tra, giám sát hoạt động có nhiều hạn chế.

“Cơ quan cảnh sát điều tra và Thanh tra Chính phủ cần sớm có kết luận về những nghi vấn sai phạm trong quá trình hợp tác đầu tư của VNR, để  hạn chế được những thiệt hại về tài chính cho chính VNR”, một chuyên gia đề xuất.

Tin bài liên quan