Ông Phạm Nhật Vượng giới thiệu Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các quan khách.

Ông Phạm Nhật Vượng giới thiệu Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các quan khách.

Động lực mới từ “Make in Vietnam”

Sáng kiến quốc gia Make in Vietnam đang thổi bùng lên khát vọng mới về một Việt Nam hùng cường, là động lực để các doanh nghiệp vươn cao, vươn xa hơn.

Từ “câu chuyện thần kỳ” của VinFast…

Slogan “Make in Vietnam” lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam tại sự kiện ra mắt xe VinFast chiều 20/11/2018 tại Hà Nội và VinFast cũng chính là câu chuyện điển hình cho một khát vọng Make in Vietnam khi tạo ra một kỷ lục trong lịch sử ngành công nghiệp sản xuất ô tô thế giới, khi hoàn thành việc xây dựng nhà máy sản xuất chỉ sau 21 tháng.

Mới đây, ngày 17/6/2019, hơn 650 chiếc xe ô tô VinFast đã được trao cho khách hàng tại Việt Nam, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất ô tô, hiện thực hóa việc sở hữu thương hiệu ô tô của người Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua. VinFast không chỉ mở ra kỷ nguyên phát triển dựa trên công nghệ và tri thức cho Vingroup, mà còn là lời tuyên bố với thế giới, là dấu mốc khẳng định sản phẩm của người Việt Nam, do người Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam - đúng như tinh thần Make in Vietnam.

Chưa dừng lại ở đó, VinFast còn có khát vọng cao hơn là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á khi xây dựng tổ hợp sản xuất lên đến 500.000 xe ô tô/năm và 1.000.000 xe máy điện/năm vào năm 2025.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup cho biết, ô tô là sản phẩm có khả năng lớn nhất để đạt được mục tiêu xây dựng thương hiệu tầm cỡ quốc tế. 

“Làm được một thương hiệu Việt Nam nổi tiếng, được tôn trọng, được đánh giá cao trên thế giới thì đó là giá trị tinh thần cho cả dân tộc chứ không phải riêng Vingroup”, ông Phạm Nhật Vượng nói.

Đến sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt

Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam ngày 9/5/2019 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khởi động chiến dịch Make in Vietnam, thúc đẩy sản xuất và làm chủ công nghệ tại Việt Nam để giải quyết các vấn đề của đất nước bằng công nghệ mới, tiến tới dẫn dắt thế giới. Trước đó, “Make in Vietnam” là tên triển lãm công nghệ, được tổ chức bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Banner mang dòng chữ “Make in Vietnam” được treo tại sự kiện này.

Cuối tháng 5/2019, Viettel đã thành lập Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, quyết đi đầu trong Make in Vietnam, nhưng thực ra, Viettel đã bắt đầu Make In Vietnam từ 10 năm trước bằng việc tổ chức nghiên cứu, sản xuất các nền tảng, công nghệ lõi, xây dựng quy trình để định hình các dòng sản phẩm và chế tạo,thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp điện tử và quốc phòng.

Đến nay, trong lĩnh vực công nghệ cao, Viettel đã nghiên cứu chế tạo thành công 78 sản phẩm, làm chủ 68 công nghệ lõi với 111 sáng chế. Tổng doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao đến năm 2018 đạt 1,05 tỷ USD. Từ một doanh nghiệp “chuyên kéo dây, trồng cột” và “không sản xuất nổi con ốc vít”, Viettel đã sản xuất thành công những sản phẩm rất khó tin như: Hệ thống tính cước theo thời gian thực (OCS), Hệ thống nhắn tin, Trạm phát sóng BTS 4G, Hệ thống radar cảnh giới phòng không và cảnh giới biển, Hệ thống cảnh giới vùng trời VQ1-M, máy bay không người lái… Trong tương lai rất gần,  khi thương mại hóa mạng 5G vào năm 2020, Viettel sẽ dùng chính những thiết bị 5G tự mình sản xuất. Với nỗ lực Make In Vietnam, Viettel đang đứng vào hàng ngũ một trong 5 nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và lọt top 50 thương hiệu viễn thông đắt giá nhất hành tinh.

“Các kỹ sư của Viettel đang trong quá trình nghiên cứu, làm chủ công nghệ, sáng tạo và phát triển sản phẩm trạm phát sóng 5G Viettel”, ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.

Tháng 6 này, Viettel tròn 30 tuổi. Slogan của Viettel là “Khởi tạo thực tại mới”, cổ vũ nhân viên tiến hành sáng tạo, đổi mới không ngừng. Tại buổi lễ đó, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” Viettel là, “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Viettel phải đứng trong nhóm nhà sản xuất công nghệ cao có quy mô công nghiệp hàng đầu thế giới, có số sản phẩm cốt lõi đi trước và vượt trội, tạo ra tiêu chuẩn quốc tế. Viettel cần vươn lên sánh vai, vượt xa so với Huawei, ZTE, Ericsson, Google, Facebook, thậm chí cả Samsung…”.

Cùng với Viettel, những năm gần đây, VNPT cũng đã Make in Vietnam theo cách của riêng Tập đoàn.

Tại Triển lãm CommunicAsia 2019 ngày 18/6 tại Singapore, các sản phẩm Make in Vietnam của VNPT với những nền tảng công nghệ, giải pháp IoT mới nhất đã được trình diễn như: GPON ONT, Modem ADSL, Wifi router, Smartphone, Set-Top Box, các giải pháp IoT: Quản lý đô thị thông minh, Du lịch thông minh, Y tế thông minh, Giám sát môi trường, Nông nghiệp thông minh, Giao thông thông minh… Hiện VNPT đang nghiên cứu công nghệ AI, Blockchain và tới đây sẽ làm chủ, sản xuất hạ tầng mạng 5G.

Năm 2018 đánh dấu thành công trong lĩnh vực Công nghiệp - CNTT của VNPT với việc sản xuất trên 1,4 triệu sản phẩm GPON ONT phục vụ nhu cầu phát triển thuê bao Internet cáp quang, trên 173.000 sản phẩm thiết bị chuyển đổi Smartbox, cung ứng trên 150.000 sản phẩm đầu thu truyền hình kỹ thuật số DVB-T2 phục vụ lộ trình tắt sóng truyền hình analog, 40.000 sản phẩm Smartbox PC và đầu thu DVB-T2 bán ra thị trường bên ngoài. Trong năm 2018, Công ty Postef đã đưa vào vận hành Nhà máy Sản xuất sợi quang công nghệ cao với tổng sản lượng đạt 3.200.000 km/năm.

“VNPT đã sớm bắt tay vào nghiên cứu các công nghệ cốt lõi. VNPT đã tự thiết lập/hợp tác với các công ty công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng các lab nghiên cứu về AI, Blockchain, IoT, Cyber Security, điện toán đám mây. Hiện VNPT đã làm chủ được công nghệ và đang tập trung phát triển các ứng dụng, giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam, cũng như đưa các công nghệ đó vào các giải pháp sẵn có của mình để đáp ứng một cách thông minh nhất nhu cầu của khách hàng”, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết.

Không chỉ có Vingroup, Viettel, VNPT, mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác đã Make in Vietnam một cách quyết liệt như: Bkav kiên định 10 năm nghiên cứu, sản xuất thành công Bphone và Smarthome; VNG đưa Zalo của người Việt Nam ra thế giới, FastGo, Be phát triển ứng dụng gọi xe thành những siêu ứng dụng và mở rộng ra Asean; Công ty Misa áp dụng hoá đơn điện tử tiết kiệm 10.150 tỷ mỗi năm cho xã hội; Hiện thực hóa “Make in Vietnam”, Got It vừa qua đã ra mắt sản phẩm Querychat - một dịch vụ hướng tới các kho lưu trữ dữ liệu trên nền điện toán đám mây, khởi đầu với Google BigQuery.

Doanh nghiệp kỳ vọng lớn vào Make in Vietnam

Thế giới từng có “Make in” theo từng phiên bản nhất định. Hàn Quốc với “kỳ tích sông Hàn” phát triển rực rỡ nhờ ông lớn Chaebol như Samsung, LG, SK... Trung Quốc 40 năm trước thực hiện chiến lược “biến giả thành thật”, đã đưa Trung Quốc thành “công xưởng của thế giới” và mới đây, năm 2015, lại tiếp tục phát động “Made in China 2025” như là một sáng kiến nhằm biến Trung Quốc thành một “siêu cường sản xuất”. 

Năm 2014, Chính phủ Ấn Độ đã khởi xướng sáng kiến “Make in India” với nỗ lực tạo ra các ngành nghề mới, tư duy mới, quy định mới, cơ sở hạ tầng mới. “Make in India” bao trùm 25 lĩnh vực kinh tế Ấn Độ, cho phép vốn FDI 100% ở 22 lĩnh vực. Năm 2016, sáng kiến này đã giúp Ấn Độ thu hút được 230 tỷ USD cam kết đầu tư.

“Tuyên bố Make in Vietnam chính là một tuyên bố quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ, được đưa ra đúng thời điểm, khi mà Việt Nam đang trở thành một cơ hội và là điểm thu hút đầu tư lớn”, ông Nguyễn Thành Nam, Thành viên Sáng lập FPT bình luận.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC đã kiến nghị, để Make in Vietnam, Nhà nước cần có lộ trình và chiến lược để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột nền kinh tế quốc dân, vươn tầm thế giới.

“Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh, xuất khẩu”, ông Chính nhìn nhận.

Make in Vietnam sẽ mãi chỉ là một giấc mơ kỳ vĩ nếu chúng ta không quyết tâm cao độ, nỗ lực, kiên nhẫn dựa trên một hiểu biết sâu sắc về thực tiễn và những sự thay đổi lớn lao do tác động công nghệ đang diễn ra trên toàn cầu.

Ý kiến – Nhận định

Chiếc nỏ thần Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra.

- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Make in Vietnam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng, mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Chiếc nỏ thần Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra.

Cần xóa bỏ định kiến về sự kém cỏi của sản phẩm Việt.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav

Cần xóa bỏ định kiến là người Việt Nam không thể làm ra những sản phẩm cạnh tranh với những nước hàng đầu trên thế giới. Nếu thay đổi định kiến đó, trong 10 năm tới Việt Nam có thể phát triển bùng nổ và trong 15 năm tiếp theo, có thể trở thành cường quốc về công nghệ.

Phải giải quyết thấu đáo các câu hỏi của thị trường.

Ông Nguyễn Thành Nam, Đồng sáng lập FPT

Không phải cứ danh xưng công nghệ hoặc cứ “make” được công nghệ là sẽ thành công, tức là vẫn phải giải quyết thấu đáo các câu hỏi như thị trường của mình ở đâu, có những nhu cầu gì đặc biệt, đối thủ mình là ai, mình có gì hơn họ... Không ảo tưởng cho rằng vì mình ở Việt Nam nên mình sẽ hiểu nhu cầu Việt Nam hơn đối thủ nước ngoài.

Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp

Nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm và đây là lĩnh vực Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài. Cần coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế (không phải outsourcing - thuê ngoài)”.

Tin bài liên quan