Nhiều doanh nghiệp nhỏ muốn mở rộng đầu ra cho sản phẩm và xuất khẩu, nhưng lại “đói” thông tin thị trường.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ muốn mở rộng đầu ra cho sản phẩm và xuất khẩu, nhưng lại “đói” thông tin thị trường.

“Đói” thông tin, doanh nghiệp khó xuất khẩu

Đứng trước các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn lúng túng trong nắm bắt thông tin thị trường, chưa tận dụng được những lợi thế từ FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

“Đói” thông tin thị trường

Tại một hội thảo do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức mới đây, các doanh nghiệp tham gia đều cho rằng, thông tin thị trường là nhu cầu đầu tiên và rất quan trọng mà doanh nghiệp cần được hỗ trợ để có thể đưa hàng vào các kênh phân phối tốt hơn, nhất là khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực và sắp tới là FTA Việt Nam - EU (EVFTA).

Chia sẻ tình hình thực tế, ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản ở TP.HCM cho biết, vấn đề nhiều doanh nghiệp nhỏ trong nước đang gặp phải là muốn mở rộng đầu ra cho sản phẩm và xuất khẩu, nhưng lại “đói” thông tin thị trường. Ông Hoàng chia sẻ, ngay trong khu vực ASEAN, dù muốn thâm nhập thị trường gần này, nhưng doanh nghiệp cũng không nắm được danh sách khách hàng tiềm năng cũng như các đối thủ cạnh tranh, hoặc những thông tin về thị trường dành cho người Hồi giáo trong khu vực. 

Đồng quan điểm, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc CTCP Gỗ An Cường cho rằng, yếu tố đầu tiên giúp doanh nghiệp có cơ sở định hướng đúng sản phẩm và thị trường phù hợp để phát triển và mở rộng xuất khẩu chính là thông tin thị trường, nhưng việc chủ động nắm bắt thông tin thị trường các nước tham gia FTA cũng không dễ.

Khảo sát Navigator 2018 do HSBC thực hiện cũng cho thấy, đa số doanh nghiệp Việt thiếu thông tin về chính sách và các FTA; thường tập trung vào các thị trường gần mà thiếu chú trọng các thị trường xa. Điều này có thể khiến họ đánh mất lợi thế cạnh tranh. 

Hướng tới kênh phân phối ngoại 

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. CPTPP và EVFTA (dự kiến có hiệu lực trong năm 2019) sẽ tạo ra lực đẩy mới, giúp các doanh nghiệp có thêm cơ sở tăng năng lực sản xuất để xuất khẩu. 

Trước cơ hội lớn, ITPC đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, thâm nhập thị trường nước ngoài bằng những phương thức truyền thống như hội chợ triển lãm, kết nối đối tác...

Một trong những mục tiêu mà ITPC xác định là đưa được hàng Việt vào hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ lớn để phát triển thị phần, quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, cần đẩy mạnh phân phối, tiêu thụ hàng hóa qua hệ thống siêu thị trong nước của các tập đoàn nước ngoài, vì các hệ thống này không chỉ phân phối tại Việt Nam mà còn giúp xuất khẩu hàng Việt đi nhiều nước qua mạng lưới của họ. Cụ thể, năm 2018, IPTC đã kết nối nhiều doanh nghiệp với hệ thống siêu thị Aeon, Big C, E-mart, Lotte Mart…

Cùng với hoạt động kết nối, từ đầu năm 2019, ITPC triển khai thực hiện ấn phẩm “Thông tin thị trường” nhằm cập nhật  về các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. Ngoài ra, cổng thông tin điện tử của ITPC cũng thường xuyên cung cấp các báo cáo chuyên sâu, cập nhật về thị trường, ngành hàng xuất khẩu trọng điểm. 

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, vấn đề cung cấp thông tin không chỉ đơn thuần là đi tìm người mua, mà còn là thông tin đánh giá người mua, tiềm năng thị trường, những tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các nước...

Xuất khẩu hàng Việt qua các kênh phân phối ngoại

Theo đánh giá của Bộ Công thương, hàng hóa của Việt Nam tuy đã xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, song thường phải thông qua trung gian hoặc các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp; tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp cho các mạng lưới phân phối rất thấp cả về số lượng và giá trị kim ngạch.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua con đường thâm nhập vào mạng lưới của các tập đoàn phân phối nước ngoài đã được xem như một phương thức hữu hiệu, bền vững mà ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam theo đuổi.

Tin bài liên quan