Doanh nghiệp xã hội là như thế nào và câu chuyện ở Việt Nam

(ĐTCK) Khái niệm phát triển bền vững, rất tích cực là nhiều doanh nghiệp đã đưa vào sứ mệnh của mình. Nhưng để nâng cấp hơn nữa là một "Doanh nghiệp xã hội" thì thực tế mới chỉ manh nha những tiêu chí cụ thể.
Doanh nghiệp xã hội là như thế nào và câu chuyện ở Việt Nam

Tại Tọa đàm “ Tạo dựng môi trường phát triển bền vững cho DN xã hội: kinh nghiệm của Việt Nam và Vương quốc Anh” do Hội đồng Anh phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều ngày hôm qua (20/2), ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng CIEM cho rằng, doanh nghiệp xã hội không thay thế được Chính phủ, mà đồng hành cùng Chính phủ giải quyết các vấn đề xã hội. Vì vậy, việc đưa ra một khái niệm cụ thể về DN xã hội cũng như tạo dựng khung pháp lý cho khối này phát triển là việc rất cần thiết.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 200 DN xã hội đang hoạt động ở 40 tỉnh, thành. Trong số đó, nhiều DN đã gặt hái được thành công, chứng minh tầm ảnh hưởng tới cộng đồng. Tuy nhiên, phạm vi ảnh hưởng của các doanh nghiệp này còn hạn chế do gặp phải nhiều khó khăn nhất định, như việc chưa có địa vị pháp lý rõ ràng và sự công nhận chính thức từ Nhà nước, dẫn tới không có khả năng tiếp cận nguồn tài chính và hỗ trợ đào tạo.

Theo một báo cáo điều tra về cấu trúc tài sản của DN xã hội cho thấy, phần lớn nguồn vốn của xã hội là vốn tự có (chiếm 20,3%) và vốn tích lũy từ các hoạt động sản xuất kinh doanh (chiếm 45,5%), một phần nhỏ là từ vốn tài trợ (5,3%). Vốn vay thương mại chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các nguồn vốn khác (gồm vốn vay ngân hàng, vốn vay gia đình bạn bè…) với tổng số 28,8%, trong khi đối với một doanh nghiệp thương mại, vốn vay thương mại là nguồn vốn lưu động quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh. Điều này đã phản ảnh sự quan tâm của xã hội đối với doanh nghiệp xã hội chưa đúng mức.

Ông lan Robinson, Phó giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam cho biết, tại Anh, loại hình doanh nghiệp xã hội được phát triển trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, như giáo dục, sức khỏe và chăm sóc xã hội, năng lượng tái chế, thực phẩm, nhà ở, bán lẻ và giao thông. Tính tới năm 2013, tại Anh đã có 70.000 DN xã hội, chiếm 5% tổng số đơn vị kinh tế và đóng góp 24 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế, mang lại việc làm cho 1 triệu người.

“Việt Nam cần sớm có giải pháp tạo môi trường thuận lợi hơn để DN xã hội phát triển”, ông lan Robinson nói và cho rằng, nếu có khái niệm và tiêu chí cụ thể hơn, sẽ có khoảng 165.000 DN có tiềm năng trở thành DN xã hội tại Việt Nam.