Doanh nghiệp vận tải lại tố bị “chặn cửa” kinh doanh

Doanh nghiệp vận tải lại tố bị “chặn cửa” kinh doanh

(ĐTCK) Hàng loạt doanh nghiệp vận tải tiếp tục lên tiếng về những bất cập của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2018 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ bởi những quy định được cho là cấm đoán, hạn chế, thậm chí là “chặn cửa” kinh doanh của doanh nghiệp lĩnh vực này.

Thẳng thắn đề nghị hủy bỏ quy định “đơn vị kinh doanh vận tải không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều người thuê vận tải khác nhau” được đưa ra tại Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, Công ty TNHH Thành Bưởi (TP.HCM) cho rằng, đây là quy định trái với luật hiện hành.

“Quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo đã được quy định rõ tại Điều 12 - Luật Quảng cáo số 16/2012/QH 13, trong đó cho phép DN có quyền được quảng bá dịch vụ sản phẩm của mình.

Do đó, việc yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải không được ấn định hành trình, lịch trình cố định là vô lý, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp”, đại diện Công ty Thành Bưởi nhấn mạnh.

Ngoài quy định trên, doanh nghiệp này cho rằng, nhiều quy định khác tại Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng thể hiện sự cấm đoán, cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, chẳng hạn như quy định “đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không được đón trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở, chi nhánh văn phòng do đơn vị kinh doanh thuê hợp tác kinh doanh”.

“Nếu trụ sở và chi nhánh của doanh nghiệp có đủ diện tích, đủ điều kiện để xe dừng, đón trả khách mà không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, không vi phạm luật giao thông đường bộ thì sao lại cấm?”, đại diện Công ty Thành Bưởi đặt câu hỏi và cho rằng,

Như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng cần phải có văn phòng, chi nhánh để phục vụ hành khách, nhưng quy định này lại hạn chế quyền kinh doanh, được phục vụ hành khách của doanh nghiệp, trong khi khách hàng đến văn phòng chi nhánh của công ty thì không được xe của chính công ty đón, mà phải là xe của công ty khách đón. Đây là điều vô lý, gây khó cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Công ty Thành Bưởi cũng chỉ ra rằng, quy định “trong thời gian mỗi tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau” tại Dự thảo Nghị định là cố tình “cài cắm” lợi ích, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, có nguy cơ làm cho doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh phá sản.

“Hiện tại, 1 xe ô tô của chúng tôi có thể ký hợp đồng với 1 doanh nghiệp hàng tháng đưa khách từ Sân bay Tân Sơn Nhất về Vũng Tàu với khoảng 15 chuyến/tháng. Tuy nhiên, với quy định mới, chúng tôi phải mua thêm xe và tìm thêm khách hàng, hoặc mua thêm xe để đảm bảo xe của chúng tôi không chạy quá 30% tổng số chuyến của xe đó trong 1 tháng với cùng điểm khởi hành và kết thúc. Như vậy, nếu không đáp ứng được yêu cầu này, chúng tôi sẽ phá sản”, đại diện Công ty Thành Bưởi phân tích.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc CTCP Thương mại và Du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) cho rằng, các quy định trên tại Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi mang tính cảm tính, áp đặt, triệt tiêu cái mới, bảo hộ cho sự thụ động, không chịu đổi mới của các doanh nghiệp xe tuyến cố định, thậm chí là trái với Luật Giao thông đường bộ.

“Nếu các quy định trên được áp dụng trên thực tế, liệu có lợi ích nhóm để bảo hộ cho doanh nghiệp xe tuyến cố định, triệt tiêu xe hợp đồng để không thể vươn lên cạnh tranh với doanh nghiệp xe tuyến cố định?”, ông Hà đặt vấn đề.

Để minh chứng cho nhận định trên, ông Hà đưa ra kết quả khảo sát thực tế của Công ty cho thấy, hành khách đi xe chỉ muốn các hãng xe đón trực tiếp tại các địa điểm khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, trung tâm thương mại, hay trực tiếp tại văn phòng, sân bay, trong khi phần lớn đều từ chối đón tại bến xe.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xe hợp đồng hoạt động hiệu quả, đảm bảo cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp xe tuyến cố định, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những định hướng phát triển rõ ràng, minh bạch đối với loại hình xe vận tải hợp đồng...

 - Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc CTCP Thương mại và Du lịch Hà Lan (Thái Nguyên)

Lý do là bởi phần lớn cơ sở hạ tầng phục vụ việc đón, trả khách của xe hợp đồng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Theo vị này, thực tế là các bến xe lớn như Nước Ngầm, Mỹ Đình, Giáp Bát tại Hà Nội hiện nay đều không đủ sức chứa cho các hãng xe vận tải hợp đồng. Do đó, quy định cấm xe hợp đồng đón trả khách tại chi nhánh, văn phòng doanh nghiệp là không phù hợp với thực tiễn, cũng như nhu cầu của khách hành, đồng thời gây khó cho doanh nghiệp.  

Mặt khác, theo ông Hà, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xe hợp đồng hoạt động hiệu quả, đảm bảo cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp  xe tuyến cố định, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những định hướng phát triển rõ ràng, minh bạch đối với loại hình xe vận tải hợp đồng để có thể giao thẩm quyền cho địa phương trong việc xác định các vị trí dừng, đỗ cho xe hợp đồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của hành khách, phù hợp nhu cầu thị trường, vừa khai thác được lợi thế tiện ích, chất lượng của xe hợp đồng so với xe vận tải theo tuyến cố định...

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, những nội dung thay đổi trong Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi không phải là đổi mới, càng không phải là đột phá, thậm chí còn chưa sửa chữa được những tồn tại, sai sót ở các văn bản trước, cản trở sự phát triển.

Theo đó, ông Đức đề xuất loại bỏ những quy định trên vì mục tiêu không rõ ràng, hạn chế, cấm đoán và gây khó khăn cho dịch vụ đưa đón nhân viên theo hợp đồng, đồng thời hạn chế sự phát triển của loại hình kinh doanh mới, cản trở sự cạnh tranh bình đẳng của thị trường.  

Tin bài liên quan