Ảnh Internet

Ảnh Internet

Doanh nghiệp tìm hướng sớm đẩy mạnh xuất khẩu

(ĐTCK) Nhằm tận dụng tối đa các cơ hội trong năm 2018 để đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đang chủ động tìm kiếm thị trường, cũng như đề xuất các đầu mối cơ quan thương vụ và đại diện thương mại tại nước ngoài tích cực hỗ trợ.

“3 năm trở lại đây tổng cầu dệt may thế giới không tăng, thậm chí nhiều nước xuất khẩu giảm, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 12-13%/năm. Có được kết quả này là do các doanh nghiệp (DN) đã chủ động với thị trường, tích cực tìm kiếm và tận dụng được các cơ hội...”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Trường, trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới đang có xu hướng bão hòa, dư địa tăng cầu không nhiều, trong khi cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng gay gắt, thì bên cạnh sự chủ động của DN, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài trong việc giúp DN nắm bắt các thông tin thị trường, cũng như cập nhật các chính sách mới, các rào cản thương mại... để chủ động ứng phó.

Thông tin Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được ký kết vào tháng 3 tới đang mở ra nhiều cơ hội cho DN xuất khẩu dệt may sang các thị trường mới như Australia, Canada

- Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

“DN dệt may rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan tham tán trong việc cung cấp thông tin mới về cơ chế, rào cản phi thuế quan tại một số thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản..., hay các chính sách mới như tồn trữ bông, bảo vệ môi trường, xu hướng chuyển dịch sản phẩm và đầu tư dệt may của Trung Quốc sang Việt Nam...”, ông Trường đề xuất.

Với kế hoạch đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 33,5 tỷ USD trong năm 2018, tăng 1,5 tỷ USD so với năm 2017, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, mục tiêu này có thể thực hiện được nếu ngành dệt may tận dụng thành công cơ hội từ các hiệp định thương mại (FTA) mới, bên cạnh tiếp tục phát triển những thị trường truyền thống.

"Thông tin Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được ký kết vào tháng 3 tới đang mở ra nhiều cơ hội cho DN xuất khẩu dệt may sang các thị trường mới như Australia, Canada, trong khi các thị trường Nga và Liên minh Kinh tế Á-Âu trong 2 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng tốt nhưng quy mô còn nhỏ, năm 2017 chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 200 triệu USD do trở ngại thanh toán ngân hàng.

Các cơ quan thương vụ cần giúp DN dệt may giải quyết những khó khăn, vướng mắc để sớm tiếp cận được những thị trường này, tận dụng lợi thế để mở rộng đơn hàng vụ Thu đông 2018...", ông Giang nói.

Ở lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ, bà Lưu Kim Anh, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Xuất nhập khẩu Bắc Âu, DN chuyên sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang thị trường Anh, Mỹ, Nhật và một số thị trường châu Âu cho biết, Công ty đang nỗ lực tìm giải pháp kết nối với các đối tác tại thị trường này để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm trong năm nay.

Theo bà Kim Anh, trong thời gian gần đây, các DN trong ngành này đã chủ động tìm kiếm và tiếp cận đối tác, nên tỷ trọng và kim ngạch xuất khẩu đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, một trong những khó khăn chính mà DN hiện vẫn chưa thể giải quyết triệt để, đó là giao dịch qua trung gian. Việc này khiến DN gặp nhiều bất lợi như bị động trong đàm phán, rủi ro về thanh toán, khó tối đa hóa lợi nhuận...

“Nếu có thể trực tiếp làm việc với khách hàng thì sẽ dễ dàng giao thương hơn. Bên nhập hàng sẽ mua được giá hợp lý, mà bên bán hàng cũng bán được giá tốt. Do đó, rất cần có sự hỗ trợ một cách cụ thể, thiết thực của các tham tán thương mại và cơ quan thương vụ trong việc làm cầu nối, giúp DN tiếp cận và mở rộng đối tượng khách hàng, đặc biệt là những thị trường lớn...”, bà Kim Anh đề nghị.

Cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ ra thị trường nước ngoài trong năm 2018, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CT CP Xây dựng Hòa Bình cho biết, ngành xây dựng Việt Nam đang tích cực hướng đến khai thác các thị trường xây dựng nước ngoài vốn có quy mô rất lớn, giàu tiềm năng.

Theo ông Hải, hiện các DN xây dựng trong nước hoàn toàn làm chủ công nghệ và có thế mạnh về năng lực xây dựng nhà ở cao tầng, cơ sở hạ tầng du lịch, nghỉ dưỡng, đập thủy điện... Việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài là nền tảng cho công cuộc thúc đẩy ngành xây dựng nói chung, tạo cơ hội mở rộng phát triển lĩnh vực trang thiết bị xây dựng và nội thất nói riêng.

"Thời gian qua, nhiều DN xây dựng Việt Nam đã khá thành công trong xuất khẩu dịch vụ xây dựng sang thị trường Trung Đông. Tuy nhiên, không dừng ở đó, các DN còn muốn mở rộng xuất khẩu dịch vụ này sang các thị trường mới, nên việc làm cầu nối của các cơ quan tham tán là rất quan trọng", ông Hải nhìn nhận.

Cách mạng 4.0 có thể giúp các DN đón đầu hiệu quả và khai thác tốt các FTA

Doanh nghiệp tìm hướng sớm đẩy mạnh xuất khẩu ảnh 1

 Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương

Năm 2018 dự báo còn nhiều thách thức, song cơ hội cũng rất lớn. Đặc biệt, cuộc cách mạng 4.0 có thể giúp các DN đón đầu hiệu quả và khai thác tốt các FTA, thúc đẩy xuất khẩu. Đây là thách thức đặt ra cho ngành công thương và các cơ quan thương vụ trong tham mưu chính sách cho Nhà nước, cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng khai thác các cơ hội từ thị trường, tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật...

Tin bài liên quan