Doanh nghiệp than lo huy động vốn cho sản xuất

Doanh nghiệp than lo huy động vốn cho sản xuất

(ĐTCK) Theo ước tính, năm 2020, nhu cầu vốn ngắn hạn thường xuyên, trong đó có vốn lưu động của toàn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cần huy động khoảng 18.600 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh. 

Để có được nguồn vốn này, TKV cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng để ký kết các hạn mức ngắn hạn nhằm đảm bảo cho nhu cầu giải ngân vốn trên cơ sở giá trị hạn mức ngắn hạn đã xác lập năm 2019.

Đối với nguồn vốn ngoại tệ cho nhập khẩu, theo kế hoạch kinh doanh năm 2020 và nhiệm vụ được giao, TKV cần đảm bảo sản lượng than nhập khẩu kinh doanh xấp xỉ 10,5 triệu tấn để có thể cung ứng cho nhu cầu sản xuất của nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn trong nước tại nhiều lĩnh vực công nghiệp nặng chủ chốt như điện…

“Cần huy động khoảng 800 triệu USD để nhập khẩu lượng than trên. Trong bối cảnh sách quản lý và cho vay ngoại tệ ngày càng siết chặt, đây là một khó khăn rất lớn”, đại diện TKV nói và cho biết, theo Thông tư 42/2018 quy định về cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chỉ doanh nghiệp cân đối được ngoại tệ từ xuất khẩu mới được phép nhập khẩu.

Với quy định này, các đơn vị trong ngành than như Coalimex, Than Miền Bắc và thậm chí ngay cả TKV cũng sẽ gặp khó khăn lớn trong việc thu xếp nguồn ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu than.

“Đó là chưa kể tới các yếu tố đặc thù của ngành khiến việc cân đối ngoại tệ trở nên khó khăn hơn.

Trong khi đó, các thủ tục xin phép phê duyệt vay nước ngoài đối với các doanh nghiệp nhà nước phải báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước mất khá nhiều thời gian cũng khiến doanh nghiệp gặp khó”, vị đại diện trên nói.

Trong bối cảnh khó khăn, để đảm bảo cân đối được nguồn vốn vay ngoại tệ, ngoài việc làm việc với các ngân hàng lớn trong nước, TKV cho biết đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và các cơ quan liên quan phê duyệt việc hợp tác với một số ngân hàng nước ngoài có uy tín, trong đó có ngân hàng của Nhật Bản để thống nhất khoản vay trị giá 100 triệu USD.

Ngoài ra, trong năm 2020, để cân đối nhu cầu vay ngoại tệ nhập khẩu than, một số doanh nghiệp than cũng như TKV sẽ tiếp tục dùng các công cụ tài chính như L/C Upas cho thanh toán than nhập khẩu và đang nghiên cứu khả năng áp dụng các công cụ bảo hiểm tỷ giá để hạn chế rủi ro biến động tỷ giá khi nguồn thu từ than nhập khẩu là bằng tiền đồng.

Đồng thời, sẽ làm việc với các ngân hàng lớn trong nước như Vietcombank, VietinBank để xây dựng các gói tài trợ chung cho hoạt động nhập khẩu than nhằm đa dạng hóa hình thức huy động ngoại tệ.

Liên quan đến nguồn vốn dài hạn cho nhu cầu đầu tư, theo kế hoạch đầu tư năm 2020 của TKV và các công ty trực thuộc, vốn chủ sở hữu tài trợ cho các dự án dự kiến lên tới gần 4.120 tỷ đồng, trong đó vốn khấu hao là hơn 1.810 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng giá trị đầu tư.

Về nguồn vốn tín dụng, theo kế hoạch đầu tư năm 2020 đã được phê duyệt của TKV, tổng giá trị đầu tư là 15.686 tỷ đồng,

Trong đó nhu cầu vốn tín dụng dài hạn là trên 10.000 tỷ đồng cho các dự án lớn, trong đó có các dự án của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn như dự án Khe chàm I-IV của Công ty Than Hạ Long, dự án Hầm lò mỏ than Mạo Khê của Công ty Than Mạo Khê, dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương của Tổng công ty Điện lực TKV, dự án Nhiệt điện Quỳnh lập I do TKV trực tiếp đầu tư.

Nhằm cân đối nguồn tín dụng cho các dự án, TKV cho biết sẽ đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục pháp lý về giấy phép khai thác, xây dựng để hoàn thiện điều kiện tiếp tục giải ngân cho các dự án.

Bên cạnh đó, phương án phát hành trái phiếu với các kỳ hạn 3-5 năm cũng được tính tới nhằm tạo thêm kênh huy động vốn thường xuyên và tận dụng các nguồn vốn phi tín dụng dài hạn.

Tin bài liên quan