Doanh nghiệp sản xuất hóa giải thách thức

Doanh nghiệp sản xuất hóa giải thách thức

(ĐTCK) Khảo sát của Nikkei ghi nhận chi phí đầu vào đã tăng nhẹ trong hai tháng đầu năm cùng áp lực gia tăng sản lượng bán hàng đang là gánh nặng đối với doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới nhờ kỳ vọng nhu cầu thị trường cải thiện.

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam (của Nikkei) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam cho biết, trong hai tháng đầu năm 2019, chỉ số công nghiệp của Việt Nam tăng 9,2%, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018. Ngành công nghiệp chủ đạo là sản xuất điện tử chỉ tăng 5,2%, trong khi cùng kỳ tăng tới 38,3%.

Thời gian này, sản lượng điện thoại di động giảm 7,6%, xuống 28,5 triệu chiếc (trong khi cùng kỳ tăng 14,6% lên 33,9 triệu chiếc). Ðiều này đã được dự báo từ trước do Samsung thay đổi kế hoạch và giảm sản lượng sản xuất tại Việt Nam. Bù lại một phần cho sự giảm sút của Samsung là hai nhà máy LG Inotek và LG Display đã đi vào hoạt động tại Hải Phòng từ giữa năm 2018.

Cùng với đó, nông nghiệp Việt Nam từ đầu năm gặp khó khăn, tăng trưởng thấp. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực là gạo, rau quả, cà phê đều giảm so với cùng kỳ. Xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm giảm 17,5% (cùng kỳ tăng 30,5%); rau quả giảm 14,4% (cùng kỳ tăng 54,6%), cà phê giảm 26,9% (cùng kỳ chỉ giảm 0,5%).

Giá hàng hóa cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả của nhiều mặt hàng nông sản khác. Xuất khẩu hạt tiêu tăng 7,8% về lượng, nhưng lại giảm 20,6% về giá trị. Xuất khẩu cao su tăng 16,6% về lượng, nhưng chỉ tăng 1,3% về giá trị, tương tự hạt điều giảm 2,3% về lượng và giảm 21% về giá trị.

Giới quan sát đánh giá tăng trưởng ngành nông nghiệp trong quý I sẽ không khả quan. Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ còn ảnh hưởng đến các quý tiếp theo nếu không có những đột phá về thị trường xuất khẩu.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, ông Andrew Harker, Phó giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát cho rằng: “Nhu cầu trên thị trường quốc tế yếu đi đã làm lĩnh vực sản xuất Việt Nam phát triển chậm lại trong tháng 2. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng với tốc độ chậm nhất trong hơn ba năm và những dấu hiệu giảm nhu cầu đã làm các công ty giảm việc làm. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất vẫn nằm trong vùng tăng trưởng, nếu các nhà sản xuất Việt Nam có thể duy trì số lượng đơn đặt hàng mới tăng”.

Chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán, ông Bùi Như Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Long Việt cho biết, ngay từ đầu năm, doanh nghiệp sản xuất như Long Việt đã nhìn nhận cơ hội và thách thức để có chiến lược tăng trưởng cho riêng mình. Doanh nghiệp đang tiếp tục mở rộng thị trường và tăng chất lượng sản phẩm.

Theo CEO Long Việt, hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ đã liên kết với nhau thành lập trung tâm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài với giá cạnh tranh, đồng thời giảm áp lực về mặt nguyên liệu, chỉ chú tâm thúc đẩy gia tăng đơn hàng.

Theo ông Nguyễn Ðức Hùng Linh, SSI Retail Research, các quý tiếp theo, nếu thị trường xuất khẩu nông sản không cải thiện, tăng trưởng ngành nông nghiệp sẽ vẫn ở mức thấp. Các ngành công nghiệp tăng trưởng cao như thép, sản xuất xe có động cơ có thể bứt phá nhờ một số dự án quy mô lớn đi vào hoạt động.

Chỉ số công nghiệp sản xuất xe có động cơ tăng 20,9%, cao nhất 38 tháng. Sản lượng ô tô sản xuất trong hai tháng đạt 41.200 chiếc, tăng 15,7%. Nhu cầu tiêu thụ ô tô đang tăng trở lại kéo theo sự gia tăng sản xuất trong nước và cả nhập khẩu.

Các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới và mức độ lạc quan có được là nhờ kỳ vọng nhu cầu thị trường cải thiện và số lượng đơn đặt hàng mới tăng.

Tin bài liên quan