Doanh nghiệp ô tô tìm kế len chân vào thị trường hẹp

Doanh nghiệp ô tô tìm kế len chân vào thị trường hẹp

(ĐTCK) Liên tục các mẫu xe mới, nhất là xe cỡ nhỏ, được tung ra với giá cả cạnh tranh nhằm đón sóng cuối năm. 

Dồn dập xe nhập khẩu

Theo thông tin từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), từ đầu năm đến nay, người Việt đã mua gần 215.000 xe ô tô. Tổng doanh số bán hàng toàn thị trường tính đến hết tháng 10/2018 tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xe ô tô du lịch tăng 13%, xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 44%.

Cũng theo VAMA, tính đến hết tháng 10/2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 11%, trong khi xe nhập khẩu giảm 22% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng xe nhập khẩu được dự báo sẽ tăng vào cuối năm khi các hãng liên tục tung ra các sản phẩm ô tô nhập khẩu mới với giá cả cạnh tranh.

Chẳng hạn, Toyota Việt Nam mới trình làng bộ 3 sản phẩm mới gồm Toyota Wigo, Avanza và Rush với tham vọng đóng góp 1.300 xe/tháng vào doanh số chung.

Trong đó, Toyota Wigo có giá bán khoảng 345 triệu đồng, cạnh tranh với các sản phẩm cùng phân khúc như Huyndai Gran i10, Chervolet Spark, Suzuki Celerio. Mới nhất, ngày 1/12 vừa qua, Suzuki Swift 2018 chính thức ra mắt thị trường Việt Nam với 2 phiên bản GLX giá 549 triệu đồng và GL giá 499 triệu đồng (đã bao gồm VAT)...

Ông Shozo Ono, Tổng giám đốc Suzuki Việt Nam nhận định, thị trường ô tô Việt Nam rất nhiều tiềm năng khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định, đời sống của người dân được nâng cao, nhu cầu được sở hữu một chiếc ô tô riêng của người Việt vì thế cũng tăng mạnh so với những năm trước.

"Đây là lý do Suzuki đưa ra sản phẩm mới tại Việt Nam và kỳ vọng sẽ ghi nhận sự đột phá trong thời gian tới", ông Shozo Ono nói.

Việc các hãng xe liên tục đưa ra các mẫu mã mới khiến mức độ cạnh tranh ngày một gắt gao, song điều này giúp thị trường ô tô sôi động hơn và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi nhiều hơn.

Đáng chú ý, phần lớn các xe ô tô ra mắt thị trường thời gian qua đều là sản phẩm nhập khẩu. Đơn cử, 3 sản phẩm mới của Toyota được nhập khẩu về từ Indonesia, còn sản phẩm của Suzuki nhập khẩu từ Thái Lan.

Sự xuất hiện ngày một nhiều hơn của các dòng xe nhập khẩu là điều đã được dự báo, khi các doanh nghiệp nhập khẩu đáp ứng được yêu cầu tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Tuy vậy, việc nhập khẩu nguyên chiếc khiến nguồn cung phụ thuộc vào nhà máy ở nước ngoài. Điều này có tác động tiêu cực tới lợi ích người dùng khi mua các dòng xe có cầu vượt cung.

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, sự phụ thuộc vào nhà máy ở nước ngoài khiến doanh nghiệp nhập khẩu gặp không ít khó khăn trong giải bài toán cung-cầu, nhất là các dòng xe cao cấp, bởi lượng nhập khẩu về Việt Nam rất nhỏ giọt.

"Vài tháng trở lại đây, lượng xe nhập về không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Xe vừa nhập về đã có khách đến lấy", một nhà phân phối Mecerdes cho hay. 

Sức hút ô tô "made in Vietnam"

Trong bối cảnh lượng xe nhập khẩu dự báo tăng, thị trường ô tô trong nước đón một "làn gió mới" khi thương hiệu Vinfast của Tập đoàn Vingroup chính thức gia nhập vào ngành công nghiệp sản xuất ô tô bằng việc trình làng 3 mẫu ô tô "made in Vietnam" đầu tiên là LUX A 2.0, LUX SA 2.0 và Fadil với mức giá ưu đãi từ 366 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng.

Theo nhà sản xuất này, các mẫu xe thương mại sẽ ra mắt trong năm 2019. Khi đó, thị trường ô tô Việt được dự báo sẽ có nhiều thay đổi với kỳ vọng ô tô nội địa sẽ "lên ngôi" và cạnh tranh được với xe nhập khẩu.

Theo ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, Việt Nam đang bước vào thời kỳ "xã hội hóa" xe hơi. Đây là lý do các hãng xe đã và đang lên chiến lược cho sự tăng trưởng mạnh tại thị trường này. Cũng theo vị này, phân khúc xe cỡ nhỏ sẽ rất tiềm năng khi lượng khách hàng trẻ và khách hàng gia đình đang trong xu hướng tăng trưởng nhanh. 

Doanh nghiệp ô tô niêm yết chờ làn sóng mới

Không chỉ doanh nghiệp ngoài sàn, các doanh nghiệp ô tô niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng có những tính toán để đón làn sóng mới này. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (HAX) cho biết, trong năm 2019, HAX sẽ có những thay đổi trong chiến lược kinh doanh để hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp phân phối ô tô hàng đầu Việt Nam. Hiện nay, HAX là một trong những nhà phân phối xe Mecerdes có thị phần dẫn đầu tại Việt Nam.

"Cuối năm nay, HAX sẽ khai trương showroom phân phối ô tô Nissan tại Cần Thơ, đánh dấu bước tiến mới của Công ty", ông Dũng nói và cho hay, hiện khâu chuẩn bị gồm showroom theo tiêu chuẩn của Nissan, đào tạo nhân sự đã hoàn thành. Ngoài ra, HAX cũng đã nộp hồ sơ làm đại lý bán hàng của Vinfast tại TP. HCM và Cần Thơ.

Tin bài liên quan