Một số DN tìm cách vận chuyển bằng các phương tiện vận tải khác

Một số DN tìm cách vận chuyển bằng các phương tiện vận tải khác

Doanh nghiệp niêm yết xoay xở với cước vận tải tăng

(ĐTCK) Bộ Giao thông Vận tải siết chặt kiểm soát tình trạng xe chở quá tải (từ 1/4/2014) khiến phí vận chuyển tăng cao, tác động trực tiếp lên kết quả kinh doanh của nhiều DN. Trước tình trạng này, các DN đã có những cách xoay xở khác nhau.

Thực tế cho thấy, nhiều DN vận chuyển thường nối dài thùng xe để chở được nhiều hàng hơn. Theo những DN này, chở đúng trọng tải thì họ không có lời nên buộc phải tăng cước phí với khách hàng để bù đắp chi phí.

Quý II/2014, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đạt doanh thu 3.077 tỷ đồng, tăng hơn 25%, lãi ròng đạt 8,3 tỷ đồng so với số lỗ 26 tỷ đồng trong quý II/2013. Theo giải trình của SMC, sản lượng thép bán ra tăng gần 30% đã giúp doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận biên được cải thiện do giá bán thị trường ổn định hơn. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, do đó, lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm của Công ty không tăng tương ứng với tốc độ tăng của doanh thu.

Tại CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS), lợi nhuận quý II/2014 giảm, chủ yếu do chi phí tiếp thị và giá cước vận tải tăng. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ trong kỳ của LAS tăng 17,3%, doanh thu đạt 1.352 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp của Công ty chỉ đạt 235 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý DN trên doanh thu tăng 4 điểm phần trăm khiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh quý II/2014 giảm 57% so với quý II/2013, đạt 59 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đạt hơn 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2014, cao hơn nhiều so với mức lợi nhuận 2 tỷ đồng trong quý I.

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT TTF cho biết, việc Bộ Giao thông Vận tải siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện từ ngày 1/4/2014 không ảnh hưởng nhiều tới Công ty, chỉ hơi xáo trộn lúc ban đầu. Nguyên nhân là từ trước đến nay, việc vận chuyển xuất khẩu hàng hóa tại TTF luôn tuân thủ quy định về tải trọng.

Đối với mặt hàng giao trong nước, đặc biệt vận chuyển ra miền Bắc, do mức giá cước tăng cao nên TTF đã chuyển hướng sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng đường thủy. Tuy nhiên, việc vận chuyển bằng đường thủy có nhược điểm là chậm hơn khoảng 2 ngày và đối với những đơn hàng lớn thì cước phí vận chuyển cao hơn so với cước vận chuyển bằng đường bộ. Để tránh chậm trễ giao hàng, TTF điều chỉnh kế hoạch sản xuất sớm hơn 2 ngày.

Về phía DN vận chuyển, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển (GMD) cho biết, Công ty không xảy ra tình trạng mất khách. Tùy từng mối quan hệ với khách hàng và đơn hàng, GMD có những chính sách hỗ trợ về giá với khách hàng.

Theo ông Bình, có 2 kịch bản cho các DN bị ảnh hưởng do chi phí vận chuyển tăng lên. Thứ nhất, những DN không đủ tiềm lực tài chính, không thể chịu được chi phí tăng cao sẽ chấp nhận thu hẹp sản xuất, giảm lợi nhuận.

Thứ hai, những DN có nguồn vốn lớn sẽ chấp nhận hy sinh lợi nhuận để giữ thị phần, các đơn hàng vẫn được vận chuyển tới khách hàng nhưng chi phí vận chuyển thì DN chịu hoặc có sự chia sẻ chi phí với khách hàng.

Một cách khác, DN có thể tìm cách vận chuyển bằng các phương tiện vận tải khác, nhưng làm điều này không thể trong một sớm một chiều, mà cần sự phối hợp ăn ý giữa các bên, có cơ sở hạ tầng đồng bộ và nhất thiết phải có chính sách hỗ trợ của Chính phủ.       

Tin bài liên quan