Theo lộ trình, thuế TTĐB đối với mặt hàng bia dự kiến sẽ tăng thêm 15%, lên 65%

Theo lộ trình, thuế TTĐB đối với mặt hàng bia dự kiến sẽ tăng thêm 15%, lên 65%

Doanh nghiệp ngành bia “khóc ròng” vì tăng thuế

(ĐTCK) Nếu không có gì thay đổi, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 tới đây xem xét và thông qua, theo đó bắt đầu từ năm 2015, mặt hàng bia dự kiến sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo lộ trình với mức tăng thêm cao nhất 15%, lên 65%. Thông tin này khiến các DN ngành bia đứng ngồi không yên.

Mặc dù khẳng định nguyên tắc đầu tiên của DN là chấp hành pháp luật, song ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia, Rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng bày tỏ sự lo lắng khi nói về nguy cơ nhãn tiền từ hệ lụy của việc tăng thuế, đó là sự lu mờ dần của các thương hiệu Việt trong ngành bia mà rất khó khăn các DN trong nước mới gây dựng được.

“Trên thực tế, tuy có thị phần lớn, song hầu hết các DN sản xuất bia nội đều thuộc phân khúc bia trung bình với biên độ lợi nhuận thấp. Trong khi các hãng bia lớn của nước ngoài phần lớn đều sản xuất các mặt hàng bia cao cấp, có lợi nhuận cao, nên dù có tăng thuế họ cũng vẫn có lãi”, ông Tuất nói và phân tích, việc tăng thuế TTĐB lại áp dụng đồng đều, nên khi chính sách thuế mới có hiệu lực, các DN bia trong nước sẽ là người chịu tác động trực tiếp, ngay cả hai DN lớn trong ngành là Sabeco và Habeco cũng không phải là ngoại lệ.

Theo ông Tuất, việc cơ quan quản lý nhà nước đặt ra 2 mục tiêu cùng lúc cho việc tăng thuế là nhằm giảm tiêu dùng và tăng thu ngân sách là không khả thi, vì đây là hai mục tiêu hoàn toàn đối ngẫu và mâu thuẫn nhau, do đó chỉ có thể chọn 1 trong 2 mục tiêu để hoàn thành với chính sách thích hợp đi kèm. Phân tích riêng từng mục tiêu, ông Tuất cho rằng, chưa chắc việc tăng thuế đã mang lại được kỳ vọng như mong muốn.

“Tăng thuế để giảm tiêu dùng chưa chắc đã khả thi. Dùng bia rượu là nhu cầu sinh học của cơ thể. Việc đánh thuế TTĐB lên bia sẽ làm cho giá tăng, khi đó, người tiêu dùng sẽ tìm kiếm một loại đồ uống có cồn khác thay bia (có thể là 1 loại bia chất lượng thấp hoặc rượu tự nấu giá rẻ được chế biến theo cách thủ công, có hại cho sức khỏe). Trong khi đó, theo thống kê, hàng năm có khoảng 1,8 triệu người trẻ là lực lượng hậu bị sẽ uống bia, nên mục tiêu giảm tiêu dùng là rất khó đạt được. Nếu dùng biện pháp hành chính để cưỡng ép thì không hợp lý, vì thế cần có chính sách phù hợp trong trường hợp này”, ông Tuất nhấn mạnh. 

Đối với mục tiêu thứ hai là tăng thuế để tăng thu ngân sách, theo ông Tuất cũng đáng lo ngại. Ông Tuất phân tích, khi tăng thuế, sản xuất của DN đình đốn, kéo theo thu ngân sách giảm. Hiện nay, nguồn thu ngân sách từ mặt hàng bia được thu thông qua 8 dòng thuế, trong đó có thuế GTGT, thuế môn bài, thuế thu nhập DN, thuế TTĐB, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân… Tăng thuế, lợi nhuận DN sẽ giảm, thuế thu nhập DN giảm, cổ tức chia cổ đông giảm thì thuế thu nhập cá nhân giảm...

“Hệ lụy đáng ngại hơn là sản xuất của các DN đình đốn lại dẫn tới tăng sản xuất rượu lậu, không thể thu được thuế, như vậy nguy cơ thất thu ngược lại rất cao”, vị Chủ tịch Sabeco nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Thuận An, Trưởng phòng Thị trường Tổng CTCP Bia, Rượu, Nước giải khát Hà Nội (Habeco) lo lắng cho rằng, việc tăng thuế TTĐB chắc chắn sẽ khiến các DN ngành bia nói chung, cũng như Habeco nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, do giảm sản lượng, giảm thị phần tiêu thụ.

“Thuế tăng thì chắc chắn DN bắt buộc phải tăng giá bán, dẫn tới người tiêu dùng sẽ giảm bớt tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp tới thị phần tiêu thụ của DN”, ông An phân tích và cho rằng, thuế tăng thì áp lực về lợi nhuận của DN là rất lớn, đòi hòi DN phải tìm mọi cách để đảm bảo lợi nhuận theo kế hoạch. Habeco tuy đã cổ phần hóa song vẫn là DNNN, hàng năm vẫn phải thông qua Bộ Công thương là cơ quan chủ quản kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận với mức doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Trong điều kiện thuế tăng, thị phần tiêu thụ giảm, việc hoàn thành được các chỉ tiêu kinh doanh và nộp ngân sách nhà nước là vô cùng khó khăn.

Trước nỗi lo này của các DN ngành bia, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, việc tăng thuế đã tính đến yếu tố lợi nhuận của các DN và sẽ không tăng một cách đột biến, mà có lộ trình, từ 1/7/2015 thuế sẽ tăng từ 50 - 55%, tiếp đó từ 1/1/2017 lên 60%, từ 1/1/2018 tăng lên mức nữa là 65% để DN và người tiêu dùng thích ứng dần.

“Năm 2013, lãi toàn ngành bia ước đạt 10.000 tỷ đồng, tăng thuế 5% mới chỉ bớt lãi ngành bia chứ chưa tác động lớn đến sản xuất. Đối với người tiêu dùng, tăng thuế suất, tăng giá dần có thể thích ứng để định hướng tiêu dùng, do đó mức tăng này là tương đối hợp lý”, ông Thi khẳng định.  

Tin bài liên quan