Ngành kinh tế xanh đang ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Corona do du khách hoãn, hủy tour, hạn chế đi du lịch. Ảnh: ĐT

Ngành kinh tế xanh đang ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Corona do du khách hoãn, hủy tour, hạn chế đi du lịch. Ảnh: ĐT

Doanh nghiệp du lịch tận dụng cơ hội tìm nhân sự chất lượng

Lao đao, thiệt hại nặng nề bởi dịch nCoV, nhưng hầu hết các doanh nghiệp trong ngành du lịch đều nỗ lực giữ chân nhân sự, nhiều doanh nghiệp còn coi đây là cơ hội tốt để tuyển dụng được những nhân sự có chất lượng cao.

Người lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Chỉ hơn 2 tuần dịch nCoV bùng phát, ngành du lịch nước ta đã chịu những thiệt hại nặng nề, nhiều doanh nghiệp lỗ nặng, có nguy cơ phá sản. Các hãng vận chuyển, lưu trú lao đao vì gánh nặng lãi ngân hàng; doanh nghiệp lữ hành than trời vì mất tiền đặt cọc với các nhà cung cấp dịch vụ; nhà hàng không có khách, thu không đủ trả lương nhân viên, thuê mặt bằng…

“Dịch nCoV khiến du thuyền vắng tanh. Ban lãnh đạo đau đầu tìm cách giữ chân nhân sự, còn người lao động thấp thỏm, lo lắng không biết sống sao khi Công ty thất thu nặng”, ông Thái Trung Thành, Phó giám đốc phát triển thị trường Du thuyền Eracruises Lan Hạ chia sẻ.

Ông Thành cho biết, nhiều nhân viên đã chủ động đề xuất lãnh đạo Công ty giảm 50% lương hoặc nghỉ việc không lương trong thời gian không có khách. Công ty họp và thống nhất, mỗi nhân viên giảm thù lao 10 ngày công/tháng. “Chúng tôi quyết tâm không để nhân viên nào phải nghỉ việc. Nếu có, thì đó là lúc doanh nghiệp buộc phá sản”, ông Thành khẳng định.

Thời điểm này, một số công ty cho nhân viên nghỉ việc, sẽ là cơ hội để chúng tôi tìm được nhân sự tốt. VietSense Travel sẵn sàng tuyển những người giỏi, có kinh nghiệm về để hỗ trợ công việc và chuẩn bị cho những kế hoạch phục hồi kinh doanh dịp cao điểm 30/4, 1/5 và mùa hè sắp tới

Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel

Trong bối cảnh các doanh nghiệp du lịch đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh và dịch bệnh có thể sẽ kéo dài, thì những chia sẻ của cán bộ, nhân viên, theo ông Thành, là rất trân quý.

Giống như Du thuyền Eracruises Lan Hạ, VietSense Travel cũng nhận được sự chia sẻ của người lao động. Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel cho biết, ngay sau khi dịch nCoV bùng phát, lãnh đạo Công ty đã họp bàn với toàn bộ nhân viên để tìm hướng khắc phục khó khăn.

“Tôi thật tự hào vì đội ngũ của mình rất có tinh thần chia sẻ với doanh nghiệp. Họ tự nguyện không nhận trợ cấp, phụ cấp, thưởng, chỉ nhận mức lương cơ bản và vẫn đi làm bình thường”, ông Tài bày tỏ.

Về phía các doanh nghiệp vận tải du lịch, việc cho nhân viên nghỉ việc cũng là điều nhiều CEO chưa nghĩ tới.

Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 2, Công ty TNHH Dịch vụ Phong Hà đã giảm doanh thu gần 1 tỷ đồng. 95% dịch vụ bị hủy, khối lượng công việc chỉ còn 30% và có thể còn tiếp tục giảm, nhưng ông Trần Ngọc, Giám đốc Công ty cho biết, doanh nghiệp quyết tâm không để nhân viên phải nghỉ việc.

“Chúng tôi đang củng cố, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho nhân sự, bảo dưỡng và nâng cấp phương tiện để phục vụ tốt du khách trong mùa cao điểm sắp tới. Bên cạnh đó, nhà xe cũng trang bị khẩu trang, nước rửa tay khô cho du khách, thực hiện nghiêm việc khử trùng 1 tiếng trước khi đón khách và khử trùng ngay sau khi trả khách để đảm bảo an toàn trong mùa dịch”, ông Ngọc nói.

Cơ hội tuyển dụng nhân sự tốt

Theo các doanh nghiệp du lịch, dịch nCoV tựa như “lửa thử vàng” đối với ngành kinh tế xanh. Bên cạnh các doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực và chấp nhận chịu lỗ nặng để giữ chân nhân viên, tìm nhân sự tốt, thì một số doanh nghiệp nhỏ đã lên lộ trình cho nhân viên nghỉ việc.

Chị Nguyễn Thị Thu, nhân viên một công ty lữ hành tại Hà Nội cho biết: “Công ty sẽ cho thôi việc đối với nhân sự đang thử việc hoặc không đạt KPI từ ngày 15/2. Một số vị trí bị giảm 50 - 70% lương. Cá nhân tôi cũng bắt đầu kinh doanh online thêm để có đủ thu nhập trang trải cuộc sống”.

Nhìn chung, các doanh nghiệp du lịch đều không bi quan, mà cho rằng, đây cũng là dịp để doanh nghiệp đánh giá lại và bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân sự; đồng thời, cũng là cơ hội để tuyển dụng nhân sự giỏi.

Ông Tài rất lạc quan và cho biết, thời điểm này, VietSense Travel liên tiếp tổ chức những chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao kỹ năng cho nhân viên. Theo ông, thời điểm dịch mới bùng phát, khách hàng có tâm lý hoang mang nên hủy tour, dịch vụ, nhưng dần dần, khách hàng hiểu rõ dịch bệnh và cách phòng tránh hơn, sẽ có nhu cầu tới các điểm an toàn ngoài vùng dịch.

“Ngay cả thời điểm này, rất nhiều khách hàng vẫn nhờ chúng tôi tư vấn các tour đi Nga, châu Âu. Chiều 11/2, VietSense Travel bán được tour cho 2 đoàn khách đi Côn Đảo và Quy Nhơn”, ông Tài hào hứng nói.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp duy trì bộ máy nhân sự với mức lương giảm so với thông thường có thể sẽ không bền vững nếu dịch bệnh kéo dài. Bởi, thu nhập thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, buộc người lao động phải tìm cách để cải thiện. Do đó, các doanh nghiệp đều mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành và các ngân hàng có chính sách hỗ trợ thiết thực như: giãn nợ, khoanh nợ, miễn, giảm tiền điện nước, tiền thuê đất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, nới lỏng chính sách visa, giảm lãi suất…

“Bên cạnh đó, cần có chính sách giảm biểu phí BOT cầu đường để doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch giảm giá dịch vụ, kết hợp các hãng lữ hành xây dựng các tour, tuyến kích cầu trong thời điểm này và ngay sau khi dịch được khống chế. Có như vậy, các doanh nghiệp mới thoát nguy cơ phá sản và thị trường mới phục hồi trở lại”, ông Ngọc đề xuất. 

Tin bài liên quan