Không bỏ qua thị trường nội địa
Dù có lợi thế nhân công giá rẻ, lành nghề, nhưng ngay tại sân nhà, sản phẩm dệt may của Việt Nam lại bị lép vé trước các sản phẩm từ Trung Quốc. Không khó để nhận ra, từ các chợ đầu mối ở các thành phố lớn như Đồng Xuân, Ninh Hiệp (Hà Nội), Chợ Rồng (Nam Định), Chợ Sắt (Hải Phòng), Chợ Vinh (Nghệ An), Chợ Lớn (TP.HCM)… cho tới các cửa hàng, chợ phiên ở vùng sâu, vùng xa đều tràn ngập sản phẩm may mặc của Trung Quốc.
“Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó cạnh tranh với hàng dệt may từ Trung Quốc trên chính sân nhà, bởi hầu hết hàng Trung Quốc về Việt Nam được nhập lậu, trốn thuế nên có giá rất rẻ. Nếu tình hình buôn lậu được kiểm soát chặt, hàng Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng Trung Quốc, bởi chất lượng hàng Việt rất tốt”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay.
Theo ông Cẩm, sở dĩ lâu nay, doanh nghiệp dệt may Việt Nam quan tâm đến thị trường xuất khẩu nhiều hơn là bởi tình hình kinh doanh khả dĩ, giá trị lợi nhuận cao. Tuy vậy, không có nghĩa là họ bỏ qua thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp vẫn vừa làm gia công xuất khẩu vừa duy trì kinh doanh trong nước. Thậm chí, có những doanh nghiệp đang kinh doanh rất có lãi tại thị trường nội địa.
Hiện nay, một số thương hiệu may mặc Việt đã gây được dấu ấn và được người tiêu dùng Việt tin tưởng như Vinatex, May 10, Canifa, An Phước, Mattana, Việt Tiến… Một số thương hiệu đánh vào thị hiếu tiêu dùng của người trẻ đã thành công trong vài năm trở lại đây như Elise, Ivy, Eva de Eva, Seven.AM, Torano…
Nhiều đất để tăng doanh thu trên sân nhà
Các thương hiệu Việt đang dần chứng minh họ có đủ chỗ đứng và phát triển tại thị trường nội địa. Thay vì tập trung làm gia công xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư làm thương hiệu riêng, sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người dùng trong nước.
Đơn cử như Tổng công ty May 10 đã ra mắt thương hiệu Eterinity CrusZ cùng chiến lược gia tăng sản phẩm dệt may của mình tại thị trường trong nước. May 10 có trung tâm cung ứng thời trang khu vực châu Âu và Bắc Mỹ phục vụ cho hoạt động gia công các thương hiệu lớn trên thế giới và Eterinity CrusZ - sản phẩm thời trang cao cấp cũng được làm từ trung tâm này.
CTCP Đầu tư và thương mại TNG cũng xác định chiến lược rất rõ ràng trong xây dựng thương hiệu riêng để đẩy mạnh tăng trưởng ở thị trường trong nước. TNG đã đầu tư bộ phận thiết kế, thiết lập hệ thống phân phối để phục vụ cho mục tiêu này.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho biết, ngày 4/6/2018 vừa qua, Công ty đã nhận đăng ký sở hữu riêng dòng sản phẩm sơ mi body không đường may, đây là sản phẩm độc quyền do TNG thiết kế và sản xuất.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục bám đuổi mục tiêu phát triển thị trường nội địa. Hiện nay, TNG đang mở chuỗi cửa hàng thời trang TNG theo hệ thống Vincom, đã có mặt tại 43/64 tỉnh thành và sớm phủ khắp cả nước trong thời gian tới. Thị trường nội địa của dệt may khá lớn, nếu vấn đề quản lý buôn lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam được siết chặt thì doanh nghiệp sẽ thoải mái dư địa tăng trưởng ở thị trường hơn 90 triệu dân cùng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao”, ông Thời chia sẻ.
Hiện trong cơ cấu doanh thu của TNG, sản phẩm tiêu thụ từ thị trường nội địa mới chiếm gần 5%. Doanh nghiệp này hy vọng có thể nâng cao thị phần trong nước trong thời gian tới. Kết quả kinh doanh quý II/2018, TNG có doanh thu hơn 887 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 45 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với quý I/2018.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thị trường dệt may Việt Nam có quy mô từ 4 - 5 tỷ USD. Với quy mô này, chỉ có thể chọn một số doanh nghiệp mạnh, có thị phần tốt ở đô thị làm mũi nhọn phát triển, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp này tăng quy mô sản xuất, giảm giá thành để tạo sức cạnh tranh.
Vinatex cũng khuyến khích các công ty thành viên tích cực sử dụng chung hệ thống phân phối theo hình thức tích hợp. Chẳng hạn, Tổng công ty May Việt Tiến có 3.000 cửa hàng bán quần áo, có thể kết hợp phân phối thêm đồ từ Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông xuân, chăn ga trải giường từ Công ty Phong Phú… Hình thức kết hợp này giúp giảm chi phí phát triển hệ thống và khai thác tối đa tài sản cố định.
Thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, chi phí dành cho mua sắm tiêu dùng cũng cải thiện theo chiều hướng tăng, người dân có niềm tin vào sản phẩm may mặc “made in Việt Nam”. Đây là ba yếu tố góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường dệt may trong nước và doanh nghiệp càng có nhiều “đất” để tăng doanh thu tại sân nhà.