Kể từ thời điểm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - phiên bản cũ, nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP) được ký vào đầu tháng 2/2016 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, gia tăng công suất, đào tạo nhân sự… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiến gần hơn các tiêu chuẩn ở thị trường lớn.
Sự dịch chuyển nhà máy, đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng dần gia tăng trong giai đoạn này. Với CPTPP, ước tính thị trường này chiếm khoảng 12,9% GDP toàn cầu và 14,9% khối lượng giao dịch thương mại toàn thế giới.
Tại Hội thảo "CPTPP: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam" tổ chức mới đây, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, bắt đầu từ 14/1/2019, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và 6 nước đã phê chuẩn CPTPP chính thức thực hiện theo lộ trình thuế quan đã cam kết.
Hiệu ứng từ CPTPP đã phản ảnh vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết ngành dệt may khi đều ghi nhận mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận, chẳng hạn Everpia (EVE) ghi nhận lợi nhuận quý III/2018 tăng 191% so với cùng kỳ năm trước, May Sài Gòn (GMC) tăng 183%, Sợi Thế Kỷ (STK) tăng 163%, Dệt may Thành công (TCM) tăng 85%... Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã gần về đích sau 9 tháng như EVE, TCM, GMC, STK, TNG, GIL…
Không chỉ các "cựu binh", nhiều "tân binh" cũng ghi nhận kết quả khả quan. Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển TDT (TDT) - doanh nghiệp mới gia nhập sàn HNX ngày 18/7/2018, lũy kế 9 tháng đầu năm, TDT ghi nhận doanh thu thuần 221 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 17 tỷ đồng, tăng 127% và hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Để đón đầu cơ hội từ CPTPP, lãnh đạo TDT cho biết, Công ty đang thực hiện dự án mở rộng Nhà máy Điềm Thụy quy mô 8 dây chuyền may, dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2019; dự án Chi nhánh May Đại Từ quy mô 24 dây chuyền may, hoàn thành vào cuối năm 2019; dự án mở rộng Xí nghiệp May Thịnh Đức từ 4 lên 12 dây chuyền may...
Đầu tháng 11 vừa qua, TDT đã ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm may mặc theo hình thức FOB (là mảng có tỷ suất sinh lời cao) xuất đi thị trường Hoa Kỳ giá trị xấp xỉ 1,2 triệu USD với đối tác mới là Premier Exim USA Inc., - nhà nhập khẩu các sản phẩm may mặc cho nhiều thương hiệu lớn của Mỹ như Walmart, Kohl’s, Target, Costco...
Dự kiến trong năm 2019, tổng giá trị đơn hàng của khách hàng này dao động từ 5-10 triệu USD. Bên cạnh đó TDT cũng đang trong quá trình đàm phán và ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn SAE-A, một trong những tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc về may mặc.
TDT ước tính, hợp đồng vừa ký kết với Premier Exim USA Inc., sẽ đóng góp thêm khoảng 28 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu năm nay lên hơn 300 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra. Đây cũng là con số mà Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) dự tính cho kết quả kinh doanh 2018 của TDT. Cụ thể là doanh thu đạt 325 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch và lợi nhuận đạt 29,3 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch, nhờ năng suất lao động tăng 30% so với năm 2017.
Với doanh nghiệp vừa gia nhập sàn HOSE ngày 28/11 là Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH), trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần từ hoạt động may xuất khẩu (hàng FOB và dịch vụ gia công CMT) đạt hơn 2.672 tỷ đồng, chiếm 90% tỷ trọng tổng doanh thu, trong khi doanh thu từ thị trường nội địa đạt hơn 313 tỷ đồng.
MSH có 2 lĩnh vực kinh doanh chính là may xuất khẩu với tỷ trọng lớn là phương thức FOB, còn lại là CMT và may nội địa với mặt hàng chủ lực là chăn, ga, gối, đệm. Theo lãnh đạo MSH, Công ty đang tập trung tăng tỷ trọng các mảng đem lại tỷ lệ lợi nhuận gộp cao là FOB, giảm tỷ trọng mảng có biên lợi nhuận thấp là CMT.
Cũng theo vị lãnh đạo này, MSH sẽ mở rộng năng lực sản xuất thông qua việc đầu tư thêm cơ sở sản xuất quy mô 3.000 lao động theo "Tiêu chuẩn Xanh" tại Nam Định, qua đó nâng tổng công suất toàn Công ty thêm 30% từ năm 2020 và hướng đến mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu. Hiện tại, MSH đang có 160 chuyền may, sản lượng xuất khẩu trung bình hàng năm đạt 60 triệu sản phẩm.