Doanh nghiệp chuẩn bị cho EVFTA

Doanh nghiệp chuẩn bị cho EVFTA

(ĐTCK) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, nhưng đi cùng với đó là không ít thách thức cần phải vượt qua.

Từ chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Khi EVFTA được thông qua, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào EU như nông sản, thủy sản, gỗ… được cho là sẽ hưởng lợi. Bởi theo hiệp định này, nhiều mặt hàng sẽ được hưởng ngay thuế suất 0% như cà phê, hạt tiêu, rau quả, mật ong tự nhiên..., sản phẩm gỗ có 83% dòng thuế được xóa bỏ ngay, 17% còn lại sẽ được xóa bỏ trong 3-7 năm sau khi EVFTA có hiệu lực gồm gỗ dán, sợi, ván dăm…

Tuy nhiên, để đưa hàng vào được EU, các sản phẩm này phải vượt qua được nhiều rào cản kỹ thuật, đặc biệt là yếu tố nguồn gốc, xuất xứ. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, để tận dụng được ưu đãi từ EVFTA, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh sinh an toàn động thực vật của EU.

Chẳng hạn, để xuất khẩu gỗ sang EU, nguyên liệu để làm ra các sản phẩm này phải đảm bảo hợp pháp và không khai thác từ nguồn gỗ không rõ xuất xứ, không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được cấp phép...

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp gỗ khi xuất khẩu vào EU, ông Bùi Như Việt, Tổng giám đốc CTCP Kỹ nghệ gỗ Long Việt (Bình Dương) cho biết, doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang đứng trước cơ hội được hưởng thuế xuất 0% theo lộ trình cắt giảm thuế từ EVFTA.

“Nhiều doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương đang xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nên việc EVFTA dự kiến được thông qua vào tháng 7/2020 sẽ là một cú hích. Theo đó, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu từ 10%-25% trong năm nay”, ông Việt nói.

Về yêu cầu quy tắc xuất xứ, theo lãnh đạo Long Việt, các doanh nghiệp gỗ ở Bình Dương đã chuẩn bị để thích ứng.

“Nguồn nguyên liệu nhập khẩu gỗ để làm gỗ thành phẩm của Việt Nam hiện nay chủ yếu nhập từ Mỹ, Newzeland, Úc và châu Âu, nên đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, cũng như chất lượng. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp sử dụng gỗ từ rừng trồng cao su, tràm, được khai thác hợp pháp và có đầy đủ giấy tờ để chứng minh nguồn gốc”, ông Việt chia sẻ.

Tuy nhiên, một khó khăn mà doanh nghiệp gỗ phải đối mặt là nhu cầu đơn hàng gỗ của các doanh nghiệp Anh đang sụt giảm do ảnh hưởng bởi Brexit (sự kiến nước Anh dời EU) và biến động tỷ giá. Để giữ chân khách hàng này, doanh nghiệp Việt buộc phải chấp nhận kiến nghị giảm giá sản phẩm và giảm số lượng đặt hàng, điều này đồng nghĩa với việc gánh thêm khó khăn.

… Đến những hàng rào kỹ thuật khác

Là thị trường tiềm năng, nhưng cũng rất khó tính, EU thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy định về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này, trong đó có Việt Nam. Gần đây nhất, vào tháng 5/2019, Việt Nam có 17 lô hàng nông, hải sản bị từ chối và bị giám sát khi nhập khẩu vào EU do liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện tại, trong nhóm hàng rau quả tươi xuất khẩu sang EU thì trái cây thường đạt kim ngạch cao nhất, với mặt hàng chủ lực gồm dứa, thanh long, chôm chôm, xoài. Trong khi đó, rau quả Việt Nam xuất sang EU chủ yếu ở dạng tươi, sơ chế, do công nghệ sau thu hoạch còn kém, kỹ thuật chưa được chuyển giao tới nông dân, việc thu hái bảo quản vẫn tiến hành thủ công... Để chinh phục thị trường EU, các công đoạn này cần phải chuyên nghiệp hơn, song song với đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hồ tiêu cũng là sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào EU. Thị trường này nhập hồ tiêu của Việt Nam nhiều thứ hai, chỉ sau Indonesia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, EU đã đưa ra cảnh bảo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong hồ tiêu từ Việt Nam và một số nước EU đã chuyển qua nhập hồ tiêu từ Ấn Độ, Brazil.

Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm Covid-19, EU được xem là thị trường quan trọng đối với Việt Nam. Để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, cũng như đảm bảo số lượng đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt cần kiểm soát tốt mọi công đoạn, từ đảm bảo chất lượng vùng nguyên liệu, chế biến đúng tiêu chuẩn kỹ thuật… cho đến xuất khẩu.

Tin bài liên quan