Ảnh Internet

Ảnh Internet

Doanh nghiệp cá tra bôn ba tìm thị trường

(ĐTCK) Trước thực tế cánh cửa vào Mỹ khó khăn, nhiều doanh nghiệp thủy sản chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc, nhưng giá bán không cao.

Triển vọng xuất khẩu 2 tỷ USD

Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,7 - 1,8 tỷ USD/năm. Năm 2018, mục tiêu đặt ra là 1,8 tỷ USD, nhưng theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam có thể đạt kim ngạch 2 tỷ USD, chiếm khoảng 31% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản.

Đại diện một số doanh nghiệp trong ngành đánh giá, mức kim ngạch 2 tỷ USD trong năm 2018 có hoàn thành, nhưng không đến từ sản lượng, mà sẽ đến từ việc tăng giá trị sản phẩm. Bởi hiện nay, giá nguyên liệu tăng cao đã và đang đẩy giá bán tại hầu hết thị trường xuất khẩu tăng mạnh; có thị trường, giá bán đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đó.

Thị trường Mỹ: Giá tốt, nhưng khó bán

Mỹ vốn là thị trường xuất khẩu lâu đời và nằm trong Top thị trường có mức giá bán tốt nhất trong khối các thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam chiếm đến hơn 90% tổng lượng cá tra nhập khẩu của Mỹ.

Mỹ là thị trường mà nhiều doanh nghiệp cá tra muốn “nhảy vào”, nhưng rào cản kỹ thuật gần đây rất khắt khe. Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt chia sẻ, không phải Nam Việt không muốn xuất khẩu vào Mỹ, mà thực tế muốn cũng không được. Với mức thuế hiện nay và rủi ro tiềm ẩn trong tương lai, ANV chọn hướng phát triển đồng đều tại các thị trường khác.

Trước đây, có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng bị “đánh bật” ra khỏi bởi những rào cản kỹ thuật dựng lên nhằm bảo vệ các nhà sản xuất cá thịt trắng (cạnh tranh với cá tra) bao gồm áp thuế chống bán phá giá và mới đây nhất là Đạo luật Nông nghiệp Mỹ (Farmbill).

Những rào cản kỹ thuật khiến lợi thế chỉ thuộc về một số doanh nghiệp, đặc biệt sau khi Mỹ tiến hành đợt xem xét thuế chống bán phá giá lần thứ 13 (POR13) với mức thuế cao kỷ lục.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), giá trị xuất khẩu vào Mỹ chiếm 50 - 70% tổng giá trị xuất khẩu hàng năm của Công ty, góp phần giúp VHC duy trì thị phần xuất khẩu cá tra hàng đầu cả nước trong nhiều năm.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VHC, Mỹ đang là thị trường có mức chấp nhận giá bán tốt nhất trong số các thị trường hiện tại của VHC. Để giá xuất khẩu có thể tăng được trong thời gian qua, bên cạnh giá cá nguyên liệu tăng phải kể đến sự hỗ trợ, hợp tác của các nhà nhập khẩu tại nước này trong việc nâng giá bán sản phẩm.

Chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc

Đại diện ANV cho hay, mới đây, Công ty đã ký được hợp đồng với khách hàng là một nhà phân phối tại Trung Quốc. Theo đó, Công ty Shanghai Fenglei International Trading Co., Ltd đã trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm của Nam Việt tại thị trường này.

Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đa quốc gia IDI (IDI), doanh nghiệp đang chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tại Trung Quốc cho hay, trong năm 2018, Công ty có kế hoạch mở mới chi nhánh tại Trung Quốc, tăng cường công tác bán hàng tại đây.

Trong khi đó, VHC vừa đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối của một trong những tập đoàn bán lẻ điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba. VHC bắt đầu cung cấp các sản phẩm cá tra cho Công ty TMall Fresh của Alibaba từ tháng 9 năm ngoái và cho đến nay, giá trị tổng sản phẩm cá đạt 3 triệu USD.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, Ban lãnh đạo VHC cho biết, bên cạnh làm việc với các nhà cung cấp, Công ty sẽ tập trung phát triển kênh B2C, phân phối trực tiếp đến chuỗi nhà hàng và nhà bán lẻ lớn tại Trung Quốc. Đây là cách doanh nghiệp có thể tiếp cận được khách hàng cuối cùng cũng như đẩy mạnh các sản phẩm giá trị gia tăng trong thời gian tới.

Trung Quốc với dân số hơn 1,3 tỷ người là thị trường tiềm năng cho tất cả các mặt hàng nông thủy sản, không chỉ riêng cá tra. Năm 2017, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, vừa là khách hàng nhưng Trung Quốc cũng là đối thủ trực tiếp cạnh tranh với Việt Nam tại thị trường Mỹ. Theo số liệu của VASEP, hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc là hai nguồn cung duy nhất xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ.

Đáng chú ý, nếu các năm trước, Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu sản phẩm cá tra, basa tươi, ướp lạnh, thì  từ năm 2017, nước này bắt đầu tăng sản lượng xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang Mỹ, với tổng giá trị khoảng 37,2 triệu USD. Giá nhập khẩu cá tra, basa trung bình của Mỹ từ Trung Quốc đạt 6,77 USD/kg, trong khi giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng 3,42 USD/kg.

Hầu hết các doanh nghiệp đang nhìn nhận Trung Quốc như một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu cá tra. Chính vì vậy, mức độ cạnh tranh tại thị trường này gia tăng, khiến việc tăng giá bán gặp khó khăn. Hiện nay, giá bán tại thị trường Trung Quốc thấp hơn so với mức bình quân các thị trường.

Theo Tổng cục Thủy sản, Trung Quốc đang giữ vị trí số 1 về nhập khẩu cá tra của Việt Nam, nhưng thị trường này không ổn định. Việc lệ thuộc vào thị trường này cũng như thương mại biên mậu sẽ kéo theo nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. 

Tin bài liên quan