Doanh nghiệp bia lo vướng vòng truy thu, kiện tụng

Doanh nghiệp bia lo vướng vòng truy thu, kiện tụng

Nhiều chuyên gia đã cho rằng, Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư 105/2015/TT-BTC đang gây tiềm ẩn sự không minh bạch trong hoạt động kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của các doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát (VBA) cho hay, Nghị định 108 và Thông tư 105 được ban hành khi vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng, dẫn tới khó thực thi và tạo thêm vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong việc tuân thủ.

“Nghị định 108 và Thông tư 105 đưa ra những quy định mới chưa được quy định trong Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc thay đổi không thể đoán trước, không rõ ràng và không có lộ trình này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Đó là làm tăng hơn nữa chi phí thuế của doanh nghiệp trong lúc các doanh nghiệp đang phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với việc gia tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong vòng 3 năm như được quy định trong Luật tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2016”, đại diện VBA nhận xét.

Chia sẻ thực tế khó khăn này, các chuyên gia và doanh nghiệp trong một hội nghị góp ý kiến về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây cũng cho rằng, việc đưa ra khái niệm cơ sở kinh doanh thương mại có quan hệ công ty mẹ-công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ vô hình trung tạo ra một sự đối xử bất bình đẳng giữa các công ty, khiến các công ty thương mại này (là một pháp nhân độc lập, đăng ký và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và có hệ thống kế toán độc lập) sẽ kém cạnh tranh hơn so với các công ty thương mại độc lập khác.

Đó là chưa kể, xu hướng thành lập các công ty thương mại trong một tập đoàn đang rất phổ biến trên thế giới hiện nay, nhằm tăng tính chuyên môn quá và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Câu chuyện quy định “giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn 7% giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại độc lập” cũng được các doanh nghiệp cho là không phù hợp với Luật Cạnh tranh khi yêu cầu nhà sản xuất phải kiểm soát giá bán ra của cơ sở thương mại độc lập trong khi  giá bán trên thị trường thay đổi theo từng thời điểm do tác động cung và cầu của thị trường.

“Nếu không cho phép nhà sản xuất đưa sản phẩm của mình ra thị trường thông qua một cơ sở thương mại có quan hệ thì cơ sở sản xuất với tư cách là người nộp thuế sẽ luôn bị đặt vào tình trạng bị động, không biết được mình đã làm đúng Luật hay chưa”, một doanh nghiệp cho hay và nhận xét thêm, chưa có bằng chứng nào chứng minh được rằng, đối với ngành bia, tỷ lệ 7% là hợp lý hơn tỷ lệ 10% như đã được quy định trước đây. Chưa kể mô hình phân phối bán hàng thông qua một sơ sở thương mại có quan hệ công ty mẹ-công ty con, công ty con trong cùng công ty mẹ là hoàn toàn không vi phạm quy định hiện hành về  thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, khi đối thoại với các doanh nghiệp và nhóm công tác, chính Bộ Tài chính cũng thừa nhận, việc xác lập giá bình quân là khó khả thi.

Ngành công nghiệp bia Việt Nam hiện ngoài hai doanh nghiệp lớn nội địa là Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) còn có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.  

Bởi vậy, các nhóm công tác thuộc VBF cũng đã đặc biệt lưu ý, bất kể thay đổi về mặt chính sách nào, Chính phủ cũng cần lưu tâm đến những tác động đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính có trách nhiệm vì nó có thể tác động xấu đến những nỗ lực của Chính phủ nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như mối quan hệ với các chính phủ khác.

Từ trước đến nay ít có văn bản, nghị định nào lại có sự phản hồi thường xuyên như Nghị định 108 và Thông tư 195.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), các cơ quan nhà nước nên lưu tâm tới thông lệ chung của luật pháp quốc tế để có quy trình ban hành và quy định thực thi văn bản phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, việc ban hành văn bản phải có thời gian và lộ trình thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, tránh đưa ra quá gấp sẽ làm ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thậm chí khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ lớn và ngừng hoạt động.

Ông Tuấn cũng cho rằng, từ trước đến nay ít có văn bản, nghị định nào lại có sự phản hồi thường xuyên như Nghị định 108 và Thông tư 195. “Các văn bản đã tác động đến sức khỏe của doanh nghiệp, tác động đến thị trường, có thể làm tăng cạnh tranh nhưng cũng có thể dẫn đến doanh nghiệp rời bỏ thị trường”, ông Tuấn nói.

“Các doanh nghiệp khẩn thiết đề nghị hoãn thi hành Nghị định 108 và Thông tư 195 đến 1/1/2017 để Bộ Tài chính có thời gian xem xét và cân nhắc đưa ra giải pháp cân bằng hơn”, đại diện VBA nhận xét và cho biết, chúng tôi cũng đề xuất giải pháp nhằm giải quyết tình trạng doanh nghiệp cố tình thành lập nhiều cấp độ công ty Thương mại dẫn đến sự thiếu minh bạch trong kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đó là quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán ra của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng trong chuỗi lưu thông  có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc công ty con  trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất đó. Với cách này, các công ty thương mại có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất, là một pháp nhân độc lập cùng hệ thống kế toán độc lập, sẽ có được môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn tại, đem lại công ăn việc làm cho người lao động cũng như nguồn thu cho Nhà nước và vẫn đảm bảo tính chuyên môn hóa trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp theo xu hướng quốc tế.

“Đề xuất này không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư, tính ổn định pháp lý mà vẫn đảm bảo mục tiêu chống chuyển giá, cũng như đảm bảo tính khả thi và minh bạch cho cả doanh nghiệp trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cho cơ quan thuế trong việc thực thi”, đại diện VBA nói.

Tin bài liên quan