Đề xuất ưu tiên sử dụng than của Tập đoàn Than Khoáng sản cho các hộ tiêu thụ lớn

Đề xuất ưu tiên sử dụng than của Tập đoàn Than Khoáng sản cho các hộ tiêu thụ lớn

(ĐTCK) Để các doanh nghiệp trong nước ưu tiên sử dụng than của TKV và Than Đông Bắc thì về nguyên tắc, giá bán than tối đa bằng giá than nhập khẩu.

Tại báo cáo đánh giá chi tiết từng ngành công nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến đề xuất ưu tiên sử dụng than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đối với các doanh nghiệp lớn như EVN hay PVN trên nguyên tắc thị trường về giá mua than, khối lượng thoả thuận đã ký, đồng thời tiếp tục chủ trì, hiệp thương giá bán than đến các hộ tiêu thụ trong nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để các doanh nghiệp trong nước ưu tiên sử dụng than của TKV và Than Đông Bắc thì về nguyên tắc, giá bán than tối đa bằng giá than nhập khẩu.

Hiện năng lực sản xuất của ngành than đáp ứng được nhu cầu than cho sản xuất, song việc gia tăng sản lượng khai thác phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Ngành than phấn đầu hoàn thành mục tiêu sản lượng than sạch sản xuất khoảng 41,43 triệu tấn, tăng 7,6% so với năm 2016. Tồn kho than sạch cuối năm 2017 dự kiến ở mức 13,85 triệu tấn.

Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, xét đến 2030 ghi nhận, tổng trữ lượng và tài nguyên than của Việt Nam tính đến cuối năm 2015 là 48,88 tỷ tấn. Trữ lượng và tài nguyên than huy động vào quy hoạch khoảng 3,05 tỷ tấn.

Để khai thác đáp ứng nhu cầu sử dụng than đến năm 2020 dự kiến là 86,4 triệu tấn, năm 2030 là 256 triệu tấn, ngành than đang đứng trước những áp lực lớn về vốn.

Theo đó, đến năm 2020, ngành than cần 96.566 tỷ đồng vốn đầu tư, bình quân 19.313 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2021 - 2030 cần 172.437 tỷ đồng vốn đầu tư để duy trì và mở rộng sản xuất (bình quân vốn đầu tư ngành than mỗi năm là 17.934 tỷ đồng).

Tin bài liên quan