Dầu thô, dệt may, da giày… tạo thử thách “kép”với xuất khẩu 2017

Dầu thô, dệt may, da giày… tạo thử thách “kép”với xuất khẩu 2017

Sự đi xuống về giá trị xuất khẩu của một số ngành hàng chủ lực như dầu thô, dệt may, da giày… thực sự là thử thách “kép” cho xuất khẩu của năm 2017.     

Dư địa xuất khẩu ở những thị trường nào?

Dù thương mại toàn cầu sụt giảm đáng kể vào các năm 2015, 2016 và dự báo tiếp diễn sang năm 2017, nhưng các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… vẫn giữ vai trò quyết định trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2017 và những năm kế tiếp.

“Chúng tôi đã có đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản đến hết năm 2018 với giá trị hơn 12 triệu USD cho sản phẩm giá inox”, ông Phạm Toàn Vinh, Giám đốc CTCP Thương mại và Sản xuất Toàn An Khánh thông tin với phóng viên Báo Đầu tư. Đây cũng là kỳ vọng mới về sản phẩm giá inox sẽ ghi tên vào nhóm hàng hóa có đóng góp cho xuất khẩu năm 2017 và nhiều năm nữa.

Khai thác dư địa xuất khẩu tại các thị trường truyền thống vẫn đang được các doanh nghiệp xuất khẩu trong nhiều ngành, lĩnh vực thực hiện triệt để. Đó là câu trả lời cho thực tế cầu trên các thị trường lớn giảm, thậm chí giảm sâu, nhưng năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu cả nước đã duy trì ở mức 8,6%, với tổng kim ngạch hơn 175,9 tỷ USD.

PGS - TS. Phạm Tất Thắng, Cố vấn cấp cao Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, bức tranh xuất khẩu của năm 2016 có những điểm sáng đáng chú ý với một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao, như rau quả tăng 31,2% so với năm 2015, thức ăn chăn nuôi tăng 17%, xơ sợi dệt tăng 14%...

Thành quả này là do mỗi doanh nghiệp đã có cách vận động riêng, trong đó, khai thác đủ mọi ngõ ngách thị trường xuất khẩu truyền thống, “năng nhặt chặt bị”… là tinh thần của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương): “Nhìn trên  bình diện chung, đặc biệt, nhìn vào yếu tố không thuận lợi, thì tổng giá trị xuất khẩu ngành nông - lâm - thủy sản đạt 32,1 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2015 đã vượt kỳ vọng”.

“Cú đấm” mang tên ASEAN

Năm 2017 là năm thứ 2 ghi dấu sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Sự dồn lực vào AEC trong năm 2017 như một lẽ tất yếu, bởi không thể “bỏ bê” thị trường này lâu hơn nữa.

Theo Bộ Công thương, thị trường ASEAN được kỳ vọng tăng xuất khẩu trong năm qua, nhưng hết tháng 10/2016, lượng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN chỉ đạt 14,2 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2015, trong khi đó, Việt Nam lại nhập khẩu từ thị trường này tới 19,1 tỷ USD.

Các chuyên gia xuất khẩu cho rằng, trong bối cảnh thương mại của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào đối tác truyền thống, việc khai phá thêm được những thị trường mới sẽ làm bàn đạp cho các doanh nghiệp mở rộng năng lực sản xuất, quy mô xuất khẩu, để có thêm “đối trọng” trong cán cân thương mại.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, dân số hơn 600 triệu của 10 nước thành viên, ASEAN phải trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam mới tập trung khai thác ở Singapore,  Malaysia và Thái Lan.

Tín hiệu vui đã bắt đầu nhen nhóm, khi Tổng công ty cổ phần May Hòa Thọ đã lên kế hoạch thâm nhập AEC với thương hiệu Merriman, do doanh nghiệp này tự thiết kế, sản xuất và phân phối, đầu tiên là Lào, Myanmar, tiếp theo là Thái Lan. Theo ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas, với GDP đạt 2.600 tỷ USD, gần như không rào cản thuế khóa, các quy tắc xuất xứ được nới lỏng, chi phí vận chuyển thấp, xu hướng tiêu dùng tương đồng… thì thị trường ASEAN đang rộng mở với dệt may Việt Nam.

Hiện thương mại dệt may 2 chiều mới đạt trên khoảng 1,7 tỷ USD năm 2015, trong đó xuất khẩu là 965 triệu USD.

Tin bài liên quan