Các doanh nghiệp tôn thép đang bị "chặn cửa" xuất khẩu.

Các doanh nghiệp tôn thép đang bị "chặn cửa" xuất khẩu.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Nửa bên kia cơ hội

(ĐTCK) Trong khi một số doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam nhìn thấy cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu từ những căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì một số doanh nghiệp khác đang phải đối diện với thách thức ngày một rõ rệt hơn từ diễn biến này.

Kẻ thấm đòn…

Theo thông tin mới nhất, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục báo lỗ trong tháng 11 và khoản lỗ lũy kế trong quý IV là đáng kể. Không riêng Hoa Sen, các doanh nghiệp ngành tôn thép Việt Nam đều đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những diễn biến của cuộc chiến thương mại này.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thép Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, những tưởng ngành tôn thép ít bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này đã phải chịu thuế chống bán phá giá tại các thị trường xuất khẩu từ trước đó 2 năm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau khi Mỹ đánh thuế tôn thép Trung Quốc, các thị trường lớn khác như Liên minh châu Âu (EU), Canada cũng lần lượt đánh thuế tôn màu, tôn lạnh của Việt Nam với lý do lo ngại hàng Trung Quốc tràn qua, “mượn đường” Việt Nam để xuất khẩu.

“Họ đánh thuế trước cả khi hàng Việt Nam kịp ồ ạt xuất khẩu sang các khu vực này”, ông Nghĩa cho biết.

Động thái đánh thuế chặn đầu của các thị trường trên xuất phát từ thực trạng của ngành tôn thép Việt Nam là không tự chủ được nguyên liệu từ thượng nguồn, mà nhập nguyên liệu thép cán nóng về cán, mạ để xuất khẩu. Trong khi đó, thép cán nóng nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc hoặc từ thị trường khác nhưng do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư. Việc đảm bảo tiêu chuẩn xuất xứ với ngành hàng tôn thép gần như không khả thi.

Những diễn biến này đã chặn gần hết cửa xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành tôn thép với các sản phẩm tôn lạnh, tôn thép, ống thép. Trong khi đó, công suất trong nước lại dư thừa, cộng với xu thế giảm giá của nguyên vật liệu đầu vào khiến các doanh nghiệp đua nhau bán tháo để quay vòng vốn trả nợ ngân hàng.

Trong bối cảnh này, dễ hiểu khi các doanh nghiệp ngành tôn thép đều lỗ. Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) sau khi giữ mức hòa vốn trong quý III/2018 nhiều khả năng sẽ lỗ trong quý cuối năm. Đây là lý do cổ phiếu NKG đang ở mức 15.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 10 đã nhanh chóng lao xuống dưới 8.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.

Ông Nghĩa cho biết thêm, không khó để đo lường khoản lỗ của các doanh nghiệp tôn thép khi chênh lệch giá nguyên liệu với giá bán trên thị trường vốn không lớn. Doanh nghiệp lỗ nhiều hay ít phụ thuộc vào các khoản vay nợ.

Đây là điểm đáng lo ngại bởi một số doanh nghiệp như Hoa Sen, Nam Kim đã không ngừng tăng công suất trong các năm gần đây. Đặc biệt là Hoa Sen, với tỷ lệ vay nợ lớn nên đã có dấu hiệu thiếu hụt về dòng tiền. Việc giá thép cán nóng tiếp tục giảm càng tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp tôn thép.

Trong lĩnh vực cảng biển, đại diện một công ty niêm yết cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không tác động nhiều tới lĩnh vực này. Tuy nhiên, vị này ghi nhận, mặt hàng cao su, nông sản xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc đang giảm, bởi khi Trung Quốc bị chặn đường xuất khẩu thì nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu từ Việt Nam cũng đi xuống. Diễn biến này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp niêm yết ở các lĩnh vực này trong thời gian tới.

Người thêm chút men say

Trái với ngành tôn thép, cuộc chiến thương mại đang mở ra cơ hội với doanh nghiệp ngành thủy sản. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Minh Phú cho biết, Tập đoàn đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất tôm tẩm bột sản lượng 40.000 tấn/năm.

Khi Mỹ đánh thuế tôm xuất khẩu từ Trung Quốc, các nhà cung cấp máy móc làm tôm tẩm bột đã chào bán thiết bị cho Minh Phú. Khi đến thăm các nhà sản xuất ở Trung Quốc, ông mới hiểu vì sao giá tôm tẩm bột Trung Quốc lại cạnh tranh đến vậy.

“Họ làm bằng máy, còn Minh Phú tẩm bột tôm thủ công. Tham quan nhà máy thấy sản phẩm toàn đóng nhãn mác các đối tác mua hàng của mình mới hiểu vì sao khách hàng chê đắt với sản phẩm của Tập đoàn”, ông Quang tiết lộ.

Dự kiến, Nhà máy tôm tẩm bột Minh Phú sẽ hoàn thành vào năm 2020 và theo ông Quang, khi đó, dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có kết thúc thì Công ty cũng đã gia tăng được lợi thế cạnh tranh nhờ nắm bắt được công nghệ sản xuất. Như vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã mở ra cơ hội lớn cho Minh Phú bước chân vào dòng hàng có nhu cầu tiêu thụ rất lớn tại Mỹ.

Tin bài liên quan