Ảnh Internet

Ảnh Internet

“Cuộc chiến” ngành dược nóng hầm hập

(ĐTCK) Việc đại gia Vingroup gia nhập làng dược phẩm Việt Nam với dự án đầu tay hơn 2.000 tỷ đồng khiến các doanh nghiệp ngành dược không thể lơ là. Giới phân tích nhìn nhận, cuộc chiến quanh viên thuốc đang ngày càng khốc liệt và sẽ trở thành cuộc chơi của những ông lớn.

Ông lớn dồn dập tung chiêu

Thông tin được Vingroup công bố cho thấy, doanh nghiệp này sẽ bước những bước chân đầu tiên vào mảng đông dược và thực phẩm chức năng. Trên thực tế, biên lãi gộp mảng thực phẩm chức năng đang vô cùng hấp dẫn các doanh nghiệp. Số liệu phân tích từ hoạt động của Dược Hậu Giang cho thấy, con số này đạt quanh ngưỡng 50%. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp bán 10 đồng thì lãi gộp khoảng 5 đồng.

Trao đổi với báo giới bên lề sự kiện ký kết hợp tác giữa Vinamilk và Dược Hậu Giang hồi cuối tháng 3 vừa qua, ông Đoàn Đình Duy Khương, Quyền Tổng giám đốc Dược Hậu Giang cho rằng, thị trường thực phẩm chức năng bùng nổ, đa dạng, nhưng trong đó sự hỗn loạn về sản phẩm khiến người tiêu dùng lo ngại. Quy mô của thị trường này, ông Khương dẫn số liệu của IMS Health, lên tới vài nghìn tỷ đồng.

Có lẽ nhìn nhận triển vọng lạc quan như vậy mà Dược Hậu Giang đã đầu tư và có giai đoạn dài đầu tư cho thực phẩm chức năng một cách khá bài bản, kết hợp với các viện trường khoa học, và gần đây nhất là bắt tay với Vinamilk.

Ở mảng thuốc, Dược Hậu Giang dự kiến nâng cấp nhà máy theo tiêu chuẩn GPM-PICS hiện nay lên GMP-EU để có lợi thế cạnh tranh trong đấu thầu thuốc và xuất khẩu.

Ở ngoài Bắc, Traphaco cũng đang đẩy mạnh những bước đi mới theo chiến lược “ai nhanh sẽ thắng” như chia sẻ của bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco với các cổ đông. Trong kế hoạch 2018 của Traphaco, giới đầu tư tập trung chú ý vào 2 mục tiêu được đánh giá là rất tham vọng: Đăng ký tiêu chuẩn GMP-EU tại Nhà máy Dược Việt Nam và tạo đột phá tại thị trường miền Nam.

Quy trình đăng ký rất khắt khe và đòi hỏi nhà máy phải đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn ở mức rất cao. Cơ quan thẩm định và cấp phép là hội đồng chuyên gia của một quốc gia thuộc nhóm EU-GMP. Riêng việc thẩm định kéo dài 3 - 6 tháng và thông thường cả quá trình đăng ký lên tới 18 tháng nếu mọi việc suôn sẻ và không phải giải trình hay nộp thêm tài liệu bổ sung.

Bên cạnh việc khẳng định dược phẩm được sản xuất từ nhà máy
Traphaco có chất lượng đạt chuẩn châu Âu, tương đương với các tập đoàn hàng đầu thế giới, đây còn là tấm vé thông hành để Traphaco tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường đấu thầu thuốc (hệ điều trị) bên cạnh kênh nhà thuốc.

Theo ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco, Công ty sẽ “Tập trung ở thị trường nội địa, tạo đột phá ở thị trường miền Nam”. Đánh chiếm thị trường mới sẽ trở thành nhiệm vụ sống còn của các doanh nghiệp nếu tiếp tục muốn tăng trưởng, bởi số liệu của IMS cho thấy, TP.HCM là thị trường thuốc lớn nhất cả nước với 23% thị phần.

Tân binh Vinfa khiến các đối thủ e ngại, bởi với tiềm lực lớn, họ đã thực hiện chiến lược phủ sóng và càn quét rất nhanh. Dự án “Trung tâm Nghiên cứu sản xuất thuốc Vinfa” có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, thuộc hàng lớn nhất về quy mô đầu tư ở các doanh nghiệp dược Việt Nam cho đến nay. Dự kiến, trung tâm này bắt đầu xây dựng vào quý III/2018, thì khoảng 1 năm sau có thể vận hành và đi vào sản xuất cho ra các sản phẩm đầu tiên.

Đón đầu bánh thị phần phình to

Nghiên cứu của Euromonitor International cho thấy, ngành dược phẩm Việt Nam sẽ giữ được nhịp độ tăng trưởng mạnh 10-15%/năm trong các năm sắp tới để đạt tới giá trị 7,3 tỷ USD vào năm 2019. Năm 2021, dự kiến người Việt sẽ chi 55 USD/người cho dược phẩm trong 1 năm, tăng gần gấp đôi so với mức 30 USD/người hiện nay.

Bánh to như vậy, nhưng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dược nội địa vẫn còn rất khiêm tốn. Thị phần chủ yếu thuộc về các sản phẩm nhập ngoại, trong đó đáng kể là thuốc của các tập đoàn dược phẩm hàng đầu có giá và chất lượng cao hơn. Tính riêng thuốc vào bệnh viện (kênh ETC), tỷ lệ hàng nhập khẩu cao hơn nhiều hàng nội. Ngay các doanh nghiệp hàng đầu như Dược Hậu  Giang, Traphaco, thị phần vẫn chưa vượt qua con số 5%.

Rõ ràng, nếu không tự lột xác, tạo ra danh mục sản phẩm có hiệu quả điều trị tốt và giá trị cao, doanh nghiệp ngoại lấn át doanh nghiệp nội vẫn là thách thức rất lớn. Cuộc chiến này cũng sẽ chuyển động theo xu hướng các doanh nghiệp nhỏ lẻ, tiềm lực yếu sẽ sớm phải rời bỏ cuộc đua, cả ông Trần Túc Mã và ông Đoàn Đình Duy Khương đều có chung nhận định như vậy.

Tin bài liên quan