Chính sự rút lui của Uber đã trở thành động lực thôi thúc Vato ra mắt nhanh hơn

Chính sự rút lui của Uber đã trở thành động lực thôi thúc Vato ra mắt nhanh hơn

“Cuộc chiến” gọi xe công nghệ bước sang trang mới

(ĐTCK) Ngay sau khi Uber rút khỏi Việt Nam, hãng xe Phương Trang cho biết sẽ gia nhập thị trường gọi xe công nghệ với ứng dụng Vato, cạnh tranh trực tiếp cùng Grab. Trong khi đó, Vinasun đang đẩy mạnh phát triển ứng dụng của mình, Go-Jek - hãng taxi công nghệ của Indonesia cũng xúc tiến gia nhập thị trường Việt Nam. Một cuộc chiến mới bắt đầu trên thị trường gọi xe công nghệ, mà ở đó sức nóng cạnh tranh không hề thuyên giảm.

Nhiều đối thủ tham vọng

Thâu tóm thành công Uber, đối thủ đáng gờm của mình tại thị trường Đông Nam Á, Grab đã có cơ hội nâng cao vị thế và quy tụ sức mạnh, trở thành “đế chế” dẫn đầu lĩnh vực gọi xe công nghệ trong khu vực.

Theo thông tin từ Grab, đơn vị này đang phục vụ 5 triệu khách hàng tại khu vực Đông Nam Á, ứng dụng Grab được tải xuống trên 90 triệu thiết bị di động và số lượt tải không ngừng gia tăng.

Riêng trong năm 2017, số lượt tải ứng dụng Grab tăng gấp 2,5 lần, số thành phố mà Công ty đặt chân tới tăng gấp 5 lần, số lượng đối tác tài xế tăng gấp 4 lần…

Với tốc độ phát triển nhanh và chắc chắn, Grab đã khẳng định sự linh hoạt, thích nghi của mình ở các thị trường khó tính.

Trong bối cảnh này, nhiều lo ngại “ông lớn” Grab sẽ thống lĩnh thị trường taxi công nghệ sau thương vụ sáp nhập đình đám, biến đối thủ trở thành công ty thành viên. Tuy nhiên, bình luận về điều này, PGS. TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giữ thế độc quyền là điều không thể, bởi Grab vẫn phải cạnh tranh với taxi truyền thống và các hãng taxi công nghệ mới gia nhập thị trường.

Đơn cử, mới đây, Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (FUTA) cho biết đã đầu tư 100 triệu USD, tương đương khoảng hơn 2.200 tỷ đồng vào ứng dụng Vivu để phát triển dịch vụ gọi xe công nghệ và đổi tên thành Vato, cạnh tranh trực tiếp với Grab.

Theo đó, với ứng dụng Vato, Phương Trang có các dịch vụ Vato car (dịch vụ taxi), Vato bike (dịch vụ xe ôm), Vato ship (dịch vụ giao chuyển). Đây cũng là ba dịch vụ mà Grab đang khai thác.

Chia sẻ với báo giới, ông Trần Thành Nam, sáng lập viên ứng dụng gọi xe công nghệ Vivu cho rằng, ứng dụng này cho phép người dùng mặc cả với lái xe với giá tối thiểu đưa ra để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi. Đây là một chức năng riêng biệt, tạo nên thế mạnh riêng của Vato mà Uber, Grab đều không có.

Được biết, Phương Trang và Vivu đã bắt tay nhau từ lâu và dự kiến chính thức ra mắt dịch vụ vào tháng 5/2018, nhưng ngay khi có thông tin Uber rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á để “về chung một nhà” với Grab, lãnh đạo 2 doanh nghiệp đã đưa ra quyết định đẩy nhanh tiến độ, sớm ra mắt dịch vụ này. Cụ thể, ứng dụng Vato sẽ chào sân tại Hà Nội, TP. HCM trong đầu tháng 4/2018, sớm hơn kế hoạch 1 tháng.

Thực tế cho thấy, chính sự rút lui của Uber đã trở thành động lực thôi thúc Vato ra mắt nhanh hơn. Trong thời gian gần đây, lượng truy cập, tìm hiểu ứng dụng gọi xe thông minh Vato đã tăng đột biến. Nhiều lái xe vốn là lái xe của Uber cũng bắt đầu theo dõi và tải ứng dụng này.

Dường như Vato đã chuẩn bị đầy đủ trước khi tham gia cuộc chơi và thủ sẵn thế cạnh tranh trực tiếp với Grab. Theo lãnh đạo Vato, hiện số lượng xe đăng ký vào khoảng 2.000 xe và hoạt động khoảng 500 xe. Công ty sẽ tập trung phát triển theo hướng gia tăng nhiều ưu đãi cho tài xế và người dùng để quen sử dụng dịch vụ.

Nếu như Vato là tân binh trên thị trường gọi xe công nghệ thì ứng dụng gọi xe của Vinasun đã tham gia cuộc đua từ lâu. Theo đó, Vinasun liên tục tung ra các chương trình kích cầu hấp dẫn thu hút người dùng. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Anh Minh, Phó Tổng giám đốc Vinasun cho biết, hãng đã đẩy mạnh phát triển ứng dụng gọi xe công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ. Doanh nghiệp Việt không hề thua kém doanh nghiệp ngoại, thậm chí có thể giành chiến thắng trên thị trường gọi xe công nghệ nếu được tạo điều kiện.

Trên trang web chính thức của Vinasun, các thông tin về ứng dụng gọi xe được nhấn mạnh đặc biệt, gồm cả mục lớn hướng dẫn tải app Vinasun và chương trình khuyến mại tặng quà khủng cho khách hàng tải về. Đặc biệt, Vinasun còn có ứng dụng đặt xe qua Facebook Messenger, một kết hợp tiện lợi cho người dùng.

Bên cạnh Vinasun, một doanh nghiệp taxi truyền thống khác là Taxi Group cũng đã phát triển ứng dụng gọi xe, hiện đã có nhiều khách hàng trung thành, vốn là khách quen của hãng này.

Đặc biệt, một tên tuổi mới là Go-Jek, ứng dụng gọi xe thông minh của Indonesia cũng đã tìm hiểu để gia nhập thị trường Việt Nam. Hiện Go-Jek đang gấp rút tìm kiếm nhân sự để phát triển tại thị trường hơn 90 triệu dân.

Theo đánh giá của Go-Jek, Việt Nam sẽ là một trong 3 thị trường trên thế giới mà Go-Jek thiết lập hoạt động (cùng với Philippines, Bangladesh). Tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động trong khu vực Đông Nam Á, Công ty đang thể hiện tham vọng “sải cánh” của mình, cùng động thái cạnh tranh với Grab. Go-Jek hiện được định giá 5 tỷ USD, với tiềm lực tài chính vững vàng. Nếu bước chân vào Việt Nam, đây sẽ là một đối thủ nặng ký trên thị trường gọi xe công nghệ.

Với những diễn biến kể trên, dễ thấy trên thị trường gọi xe thời công nghệ, Grab vẫn phải “nhìn trước ngó sau” để có thể tiếp tục tăng trưởng.

Ba yếu tố quyết định cuộc đua thị phần

Nhiều hãng xe taxi công nghệ đã tăng tốc sau khi Uber dừng cuộc đua. Theo đó, những ngày cuối tháng 3/2018, ứng dụng T.net, một sản phẩm của Việt Nam đã đẩy mạnh quảng cáo, tổ chức nhận diện thương hiệu tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Cùng với đó là các chương trình khuyến mại kích cầu như tặng tài xế một 1 triệu đồng khi giới thiệu thành công 100 khách trước ngày 30/4 và thưởng 10.000 đồng/hành khách khi hoàn thành chuyến đi.

Ứng dụng này thu hút người dùng với các chương trình “ gây sốc” như miễn phí 70% cho hai chuyến đi đầu tiên (tối đa 80.000 đồng), nhập mã TNET để được giảm giá 40% cho 3 chuyến đi (tối đa 90.000 đồng)…

Trong khi đó, vào giờ cao điểm, Vato hỗ trợ thêm cho tài xế 20% doanh thu. Ứng dụng gọi xe này dự kiến sẽ mua điểm đón tại sân bay, bến xe, khách sạn… giúp tài xế tăng thu nhập. Để thu hút khách hàng, từ ngày 1/4, Vato còn tung khuyến mại khủng, mỗi khách hàng được nhận 1 mã giảm giá 50% (tối đa 30.000 đồng) cho 3 chuyến trong ngày.

Có thể thấy, T.net, Vato và nhiều ứng dụng gọi xe khác đang nỗ lực để có thêm nhiều lái xe và khách hàng, lấp chỗ trống của Uber. Và mức chiết khấu là yếu tố mà các hãng mới gia nhập thị trường coi là mấu chốt để thu hút lái xe, gây dựng thị phần.

Xác định nhập cuộc cạnh tranh mới và là đối thủ trực tiếp của Grab, Vato xây dựng khung giá chính dựa trên bảng giá mà Grab đã niêm yết. Cụ thể, giá cước của Vato Car được ấn định ở mức 8.500 đồng/km, tương đương với giá Grab Car nhưng phần chiết khấu của Vato là 20%, thấp hơn mức 25% của Grab hiện tại.

Về diễn biến này, ông Long nhấn mạnh: “Chính sách giá tốt là yếu tố quan trọng nhất để các hãng thu hút và thắng trong cuộc đua giành thị phần, nhưng giá tốt thôi chưa đủ, cần phải có thêm hai yếu tố nữa là dịch vụ tốt và tiện lợi. Ngoài ra, các hãng cần đẩy mạnh truyền thông, tiếp thị hình ảnh hiệu quả”.

Thị trường gọi xe công nghệ đang bước sang một trang mới với nhiều màu sắc, phong phú dịch vụ và cạnh tranh quyết liệt về thị phần. Ở đó, ai có giá tốt, dịch vụ tốt sẽ giành phần thắng. 

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện Grab đã trả lời một số câu hỏi về việc sáp nhập Uber

Có ý kiến cho rằng, sau khi sáp nhập Uber, Grab sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường gọi xe công nghệ?

Bối cảnh giao thông tại Đông Nam Á tiếp tục cho thấy sự năng động, với vô số sáng tạo và nền tảng di động khác nhau không ngừng xuất hiện. Hành khách tại Đông Nam Á đang có nhiều lựa chọn, bao gồm gọi xe taxi bằng hình thức vẫy trên đường và các phương tiện công cộng. Nhiều công ty taxi cũng đã phát triển ứng dụng đặt xe của riêng họ. Chúng tôi tin tưởng rằng, bên cạnh những lợi ích khác, giao dịch mua lại hoạt động kinh doanh này sẽ tạo thêm sự sôi động và cạnh tranh trên thị trường. 

Grab có chính sách thế nào để giữ chân lái xe sau khi Grab và Uber sáp nhập? Có thông tin, lái xe lo lắng bị chèn ép mức chiết khấu, theo tỷ lệ chiết khấu về Grab tăng dần. Grab nói sao về điều này?

Ứng dụng Uber sẽ ngừng hoạt động vào ngày 8/4/2018. Chúng tôi đang tích cực chuẩn bị để chào đón các đối tác tài xế của Uber ngay sau khi họ đồng ý tham gia, để đảm bảo rằng mọi hoạt động đều diễn ra bình thường cho cả đối tác tài xế lẫn khách hàng.

Chúng tôi cũng đang nhanh chóng mở rộng chương trình khách hàng thân thiết GrabRewards để mang đến nhiều tiện ích hơn cho khách hàng khi di chuyển trên ứng dụng Grab.

Tin bài liên quan