Sản phẩm sữa của Việt Nam đang rộng đường sang thị trường Trung Quốc.

Sản phẩm sữa của Việt Nam đang rộng đường sang thị trường Trung Quốc.

Cung đường mới với 4 doanh nghiệp sữa Việt

4 doanh nghiệp sữa lớn của Việt Nam đã có “giấy thông hành” xuất khẩu sữa chính ngạch sang thị trường tỷ dân.

Cung đường mới

Năm 2019 đánh dấu bước ngoặt lớn của ngành sữa Việt Nam, khi được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Trong đó, Công ty cổ phần Sữa TH là doanh nghiệp đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã giao dịch cho phép xuất khẩu sản phẩm sữa tươi tiệt trùng và sữa biến đổi. Tiếp sau là Vinamilk với sữa đặc có đường và mới đây nhất, thêm 2 doanh nghiệp  là Hanoimilk và Công ty TNHH BEL Việt Nam được phép xuất khẩu sữa lên men và các loại phô mai khác sang thị trường Trung Quốc.

Sau khi nhận mã số giao dịch không lâu, cuối năm 2019, lô sữa xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc mang thương hiệu TH true MILK, với các sản phẩm sữa tươi tiệt trùng nguyên chất và sữa tươi tiệt trùng bổ sung các hương liệu tự nhiên. Không lâu sau đó, Vinamilk xuất lô hàng sữa đặc (giữa tháng 4/2020). Với việc vừa có thêm 2 doanh nghiệp được cấp mã giao dịch, thời gian tới, đến lượt sản phẩm của Hanoimilk và BEL Việt Nam thẳng tiến sang Trung Quốc.

Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, sữa luôn đứng đầu những tiêu chuẩn cao nhất về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, kiểm dịch… Đó là lý do phải mất 7 năm đàm phán, sữa Việt mới được Trung Quốc “gật đầu” cấp mã giao dịch. Hiện, các doanh nghiệp trong nước đã đáp ứng đầy đủ  tiêu chuẩn khắt khe, nghiêm ngặt mà phía Trung Quốc đặt ra.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, trước đây, đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc để thăm dò thị trường, bước đầu có phản ứng tốt, nhưng với việc được phép xuất khẩu chính ngạch, sữa Việt đã ghi dấu ấn mới, mở ra một cung đường mới cho xuất khẩu.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), có thêm doanh nghiệp được cấp mã giao dịch để xuất khẩu sữa chính ngạch sang Trung Quốc là minh chứng cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại để đưa sản phẩm vào thị trường khó, tạo đường cho đầu tư sản xuất theo chuỗi bền vững và không ngại tiêu chuẩn được dựng lên từ bất cứ thị trường nào.

Đáng mừng là các doanh nghiệp đều có những kế hoạch để phát triển vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến hiện đại và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế, để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe từ bất cứ thị trường nào.

Xuất khẩu sẽ tăng nhanh

Với việc Trung Quốc mở cửa cho sản phẩm sữa Việt Nam, ngành sữa kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng từ 120 triệu USD lên 300 triệu USD vào năm 2020.

Là thị trường hơn 1,4 tỷ dân, Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới về nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa. Năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 39,43 triệu tấn sữa và sản phẩm sữa, trong đó, lượng sữa tươi là 750.000 tấn và sữa bột là 650.000 tấn.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu nhập khẩu sữa tại thị trường này còn tăng mạnh và sữa nhập khẩu có thể chiếm 45% tổng nhu cầu sữa của Trung Quốc trong năm 2020.

Các doanh nghiệp sữa Việt đều có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến hiện đại và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế, có thể đáp ứng được tiêu chuẩn từ bất cứ thị trường nào.   

Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế của Vinamilk cho rằng, Trung Quốc gật đầu với sữa Việt sẽ giúp doanh nghiệp này đẩy mạnh được xuất khẩu. Vinamilk kỳ vọng tăng ít nhất gấp đôi lượng sữa xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2020, đồng thời Trung Quốc sẽ sớm trở thành một trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vinamilk trong vài năm tới.

Trong đó, mặt hàng sữa đặc mà Vinamilk được cấp phép xuất khẩu rất có triển vọng tăng trưởng, khi sản lượng nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm trở lại đây (từ năm 2016 đến năm 2019). Trong khi đó, sữa đặc lại là một trong những dòng sản phẩm chủ lực của Vinamilk, được Công ty xuất khẩu từ năm 1997-1998.

Trong những năm qua, tổng doanh thu xuất khẩu của Vinamilk đã đạt hơn 2,2 tỷ USD, sản phẩm xuất đi hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều thị trường lớn như Mỹ, Singapore, EU… Nhà sản xuất này rất tự tin khi khai thác thị trường gần.

Việc có thêm doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu sữa được Trung Quốc công nhận đã mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành sữa Việt.  Sữa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có lợi thế về địa lý, dễ dàng vận chuyển, chi phí logistics không quá cao. Tuy nhiên, để chinh phục một thị trường, điều quan trọng là phải cung ứng những dòng sản phẩm phù hợp khẩu vị, thị hiếu. Điều này, các doanh nghiệp đã có hàng xuất khẩu như TH và Vinamilk đang làm hiệu quả.

Danh sách doanh nghiệp Việt được cấp mã giao dịch xuất khẩu sữa còn tiếp tục tăng lên, khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiết lộ, cơ quan này đang đánh giá, thẩm duyệt hồ sơ đề nghị cấp mã giao dịch của Công ty Nutifood, sau khi có kết quả sẽ có thông báo tới phía Việt Nam.

Tin bài liên quan