Cửa sáng với doanh nghiệp dược

Cửa sáng với doanh nghiệp dược

Doanh nghiệp dược có nhà máy sản xuất theo chuẩn GMP-EU sẽ được hưởng lợi từ chính sách đấu thầu mới.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nội

Các doanh nghiệp sở hữu nhà máy theo tiêu chuẩn GMP-EU, hoặc đang trong quá trình xét duyệt lên tiêu chuẩn này được dự báo tiếp tục có một năm 2020 hoạt động tích cực nhờ hưởng lợi trọn vẹn 1 năm từ các chính sách mới ban hành trong năm 2019 như Thông tư 15/2019/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 1/10/2019) về chính sách đấu thầu mới đang theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp có nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU như PME hay IMP, theo hướng phân loại lại các gói thầu với tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn.

Cụ thể, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn PIC/S ở nhóm 2 sẽ phải do nước đồng thời là thành viên của PIC/S và ICH công nhận. Cũng có nghĩa, với thông tư cũ thì ở nhóm 2, CTCP Pymepharco (PME) và CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) sẽ phải cạnh tranh với sản phẩm theo tiêu chuẩn EU- GMP hay PIC/S, nhưng không thuộc nước ICH hay Australia công nhận. Nhưng áp dụng thông tư mới, các doanh nghiệp như PME, IMP chỉ phải cạnh tranh với sản phẩm theo nhóm tiêu chuẩn EU-GMP, hay sản phẩm theo tiêu chuẩn PIC/S do thành viên đồng thời PIC/S và ICH công nhận.

Ngoài ra, Chính phủ đã có những chính sách ưu tiên cho thuốc nội khi tham gia đấu thầu, Thông tư số 03/2019/TT- BYT quy định không chào thầu thuốc nước ngoài nếu như doanh nghiệp trong nước sản xuất được. Những chính sách này đang mở ra cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp nội địa theo đuổi việc sản xuất thuốc chất lượng cao với giá thành cạnh tranh hơn so với thuốc ngoại.

Cửa sáng với doanh nghiệp dược ảnh 1

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, các doanh nghiệp trong nước với dòng sản phẩm tiêu chuẩn EU-GMP sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi trên. Với cùng một tiêu chuẩn, cụ thể là EU-GMP, thuốc Việt Nam rẻ hơn 20-30% do chi phí lao động, xây dựng và vận hành nhà máy thấp hơn so với các nước phát triển.

Gia tăng năng lực để nắm bắt cơ hội

CTCP Pymepharco (mã chứng khoán PME) hiện là công ty dược đầu tiên sở hữu 3 nhà máy EU-GMP, cùng với thế mạnh sẵn có tại kênh ETC (nhà thuốc bệnh viện) và các chính sách mới theo hướng có lợi cho thuốc nội như ở trên, tiềm năng tăng trưởng trong các năm tới của Pymepharco được đánh giá rất hứa hẹn.

Chưa kể, cổ đông lớn chiến lược, sở hữu chi phối trên 51% tại Pymepharco là Stada (Đức) cũng có kế hoạch tăng cường chuyển giao sản phẩm cho Pymepharco, qua đó sẽ gia tăng năng lực của Pymepharco tại phân khúc thuốc chất lượng cao đang bị thống trị bởi thuốc ngoại.

Theo Fitch Solutions, doanh số ngành dược tại Việt Nam khoảng 6,5 tỷ USD năm 2019, trong đó doanh thu cho kênh ETC chiếm 75% và đang trong xu hướng tăng.    

   

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Pymepharco cho biết, theo lộ trình, Stada sẽ chuyển giao thêm 10 sản phẩm cho Pymepharco trong năm 2020. Đối với nhà máy mới sản xuất thuốc viên Non Beta Lactam GMP-EU, công suất thiết kế 1,2 tỷ viên/năm vẫn đang bám sát kế hoạch đề ra. Dự kiến, nhà máy này sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường từ tháng 7/2020, doanh số đóng góp khoảng 240 tỷ đồng cho năm nay.

CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) hiện là một trong số doanh nghiệp hiếm hoi có nhà máy theo tiêu chuẩn GMP-EU. Trong cơ cấu hàng của Imexpharm thì doanh thu hàng do Công ty tự sản xuất và phân phối chiếm 89%, hàng nhượng quyền chiếm 11%. Trong quý I/2020, Imexpharm tập trung sản xuất các mặt hàng chủ lực, tiến hành đánh giá hàng tồn kho và có các biện pháp dự phòng nguyên vật liệu để đảm bảo đủ nguyên vật liệu sản xuất, đủ hàng hóa cung ứng ra thị trường trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2020, Imexpharm đặt kế hoạch doanh thu 1.750 tỷ đồng, tăng 23,2% và lợi nhuận trước thuế là 260 tỷ đồng, tăng 28,4%. Ban Điều hành Imexpharm đánh giá, đây là những con số vô cùng thách thức, nhưng vẫn tự tin hoàn thành được kế hoạch.

Một diễn biến đáng chú ý khác là tại CTCP Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định - Bidiphar (mã chứng khoán DBD) cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng đầu tư khi thông qua chủ trương nới room ngoại lên 100% và Công ty đang tiến hành thủ tục để gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Được biết, đối tác đang tìm hiểu, làm việc tại Bidiphar cũng là tập đoàn Hàn Quốc đang tìm hiểu thông tin tại Imexpharm.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Bidiphar cho biết, Công ty kỳ vọng nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ tiếp tục các dự án đầu tư mới của Bidiphar tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Công ty cũng mong muốn tiếp cận công nghệ mới, được chuyển giao công nghệ một số sản phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được, có cơ hội để nâng cao năng lực chuyên môn cũng như quản trị cho đội ngũ cán bộ nhân viên toàn công ty. Với sự đầu tư của nước ngoài, Bidiphar hy vọng sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm.

Tin bài liên quan