Ở nhóm ngành phân phối, kinh doanh dược phẩm trang thiết bị y tế, 3 doanh nghiệp dẫn đầu Danh sách Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín năm 2019 lần lượt là Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex, Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 và Công ty TNHH dược phẩm Khương Duy.
Top 10 Công ty Dược uy tín được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát dược sỹ làm việc tại các hiệu thuốc, các chuyên gia trong ngành và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 11/2019 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2020.
Số liệu thống kê của Cục Quản lý Dược tính đến ngày 16/05/2019, Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và 224 cơ sở sản xuất nhà máy trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc). Các công ty dược trong nước chủ yếu sản xuất dạng bào chế đơn giản, thực phẩm chức năng, và các loại thuốc generic (dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền).
Về thị phần phân phối thuốc, hiện nay phân phối qua đấu thầu thuốc bán cho bệnh viện (kênh ETC) đang chiếm khoảng 70% thị trường thuốc, chỉ 30% còn lại là dành cho các nhà thuốc bán lẻ (kênh OTC), trong khi cả nước có khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc.
Sự phát triển của kênh ETC là do chính sách bảo hiểm y tế của Chính phủ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao dẫn đến việc chi tiêu thuốc cho khu vực này sẽ ngày càng chiếm chủ đạo trong tương lai; khối bệnh viện tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ góp phần gia tăng thuốc trong khối điều trị; ngoài ra nhận thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao sẽ làm nhiều người đến bệnh viện hơn.
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng và các xu hướng chính của ngành dược, Vietnam Report dẫn dự báo và phân tích của nhiều tổ chức quốc tế chuyên ngành cho thấy, dù gặp nhiều khó khăn về sản xuất và công nghệ nhưng với cơ cấu dân số trẻ nhưng đang có tốc độ già hóa nhanh, thu nhập, tình trạng ô nhiễm môi trường và mức độ quan tâm của trên 97 triệu dân đến các vấn đề sức khỏe ngày càng cao, sẽ là động lực cho ngành Dược phẩm tiếp tục tăng trưởng.
Trong vòng 5 năm tiếp theo, ngành Dược Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới.
Dự báo từ hãng nghiên cứu thị trường IBM về độ lớn thị trường dược phẩm nước ta sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021, và lên đến 16,1 tỷ USD năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam.
Hãng nghiên cứu thị trường IMS Health cũng dự báo chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ nâng lên mức 50 USD/người/năm vào năm 2020.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất dược lớn như Dược Hậu Giang, Dược Bình Định, Imexpharm, Pymepharco… tiến hành đầu tư nâng cấp nhà máy, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019 – đầu năm 2020, hứa hẹn sẽ tạo những bước phát triển mới cho sản phẩm dược trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nhập khẩu.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, 100% các chuyên gia nhận định, ngành Dược Việt Nam trong giai đoạn 2019-2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số, trong đó gần 80% chuyên gia cho rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục ổn định ở mức từ 10-15%.
Trong vòng 5 năm tiếp theo, ngành Dược Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới.
5 xu thế kinh doanh chính của ngành dược trong thời gian tới cũng được dự báo tập trung vào các xu hướng chính như Mở rộng kênh OTC – bán hàng trực tiếp qua các hiệu thuốc, Phát triển các chuỗi bán lẻ dược phẩm, Ứng dụng công nghệ thông tin trong mở rộng thị trường dược phẩm trực tuyến, Phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm. Theo đó, M&A trong ngành Dược được dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.
Trong bối cảnh này, phản hồi khảo sát về Chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp Dược trong năm 2020 của Vietnam report cho thấy có 63,64% doanh nghiệp lựa chọn việc nghiên cứu sản phẩm thuốc mới và phát triển, mở rộng kênh OTC là chiến lược trong năm 2020. Ngoài ra, cũng có tới 45,45% doanh nghiệp lựa chọn xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn, lợi nhuận cao và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thuốc và 36,36% doanh nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư sản xuất nguyên, dược liệu, máy móc và dây truyền sản xuát thuốc.
Các chuyên gia trong ngành Dược cũng đưa ra nhóm 4 giải pháp trọng tâm để phát triển ngành Dược trong thời gian tới, bao gồm hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về hoạt động sản xuất và lưu thông phân phối thuốc, minh bạch hóa thông tin, quy trình đấu thầu thuốc tại các bệnh viện (kênh ETC), tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.
Ngành Dược Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư mở rộng, tăng công suất, hoạt động nghiên cứu và phát triển, các chiến lược marketing còn hạn chế. Ngoài ra, tình trạng cạnh tranh gay gắt với thuốc nhập khẩu, nguồn nguyên liệu bị phụ thuộc, chính sách còn nhiều bất cập là thách thức đối với các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong ngành Dược cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, tăng cường công tác quản trị rủi ro, đặc biệt là công tác dự trữ nguyên liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng nguồn nhân lực nhằm đạt được mục tiêu phát triển của từng doanh nghiệp cũng như xu hướng phát triển của ngành và hội nhập kinh tế toàn cầu.