Giá cát tăng đang khiến nhiều nhà thầu xây dựng và chủ công trình điêu đứng. Ảnh: Việt Dũng

Giá cát tăng đang khiến nhiều nhà thầu xây dựng và chủ công trình điêu đứng. Ảnh: Việt Dũng

Cơn sốt giá cát tại TP.HCM vẫn chưa hạ nhiệt

(ĐTCK) Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cùng các cơ quan ban, ngành, cơn sốt giá đất nền tại các khu vực vùng ven TP.HCM đã phần nào được kìm hãm. Tuy nhiên, một cơn sốt khác là sốt giá cát vẫn tăng nhiệt theo ngày.

Giá vẫn lên như diều gặp gió

Sau khi Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo các bộ, ngành liên quan mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc”, tình hình khai thác cát trái phép tại nhiều địa phương đã dần tạm lắng. Việc nguồn cung bị suy giảm khiến giá cát tăng lên cao chóng mặt.

Cách đây khoảng 1 tháng, giá cát xây dựng đã được cảnh báo là đang trong cơn sốt. Cụ thể, chỉ trong thời gian ngắn, giá cát vàng loại 1 để trộn bê tông có giá từ 250.000 đồng/m3, đã tăng lên 300.000 - 350.000 đồng/m3. Tương tự, giá cát vàng loại 2 và cát đen cũng đã tăng thêm 100.000 - 150.000 đồng/m3.

Mùa xây dựng đang bước vào cao điểm, việc giá cát bất ngờ tăng đã khiến không ít người tiêu dùng và nhà thầu điêu đứng.

Một chủ thầu trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9, TP.HCM) cho biết, cát chiếm khoảng 40 - 60% tổng khối lượng xây dựng. Việc cát xây dựng khan hiếm và tăng giá đột ngột đã tác động không nhỏ tới tiến độ công trình, cũng như lợi nhuận của nhà thầu.

“Việc nguồn cung cát khan hiếm, giá thành lại cao như thế này, thì chất lượng của công trình khó có thể đảm bảo được. Bởi để có lợi nhuận, nhiều nhà thầu sẽ đưa cát kém chất lượng, hoặc pha trộn thêm tạp chất vào để trộn hồ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của công trình, nghiêm trọng hơn là đến tính mạng của con người nếu xảy ra tai nạn”, anh Phú, chủ thầu xây dựng tại quận 9 chia sẻ.

Để mục sở thị độ “nóng” của giá cát, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã dạo một vòng qua các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.HCM, thì thấy rằng, giá cát không những chưa có dấu hiệu suy giảm, mà còn đang tăng lên như diều gặp gió.

Đơn cử, theo báo giá của chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Hoàng Tuấn trên địa bàn quận Bình Thạnh, giá cát đen và cát vàng loại 2 đang dao động khoảng từ 450.000 - 550.000 đồng/m3. Còn đối với cát vàng loại 1, giá đã lên tới 650.000 đồng/m3, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu tháng 5.

Cũng tương tự, tại một cửa hàng khác trên đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), giá cát vàng loại 1 và loại 2 cũng dao động khoảng từ 550.000 - 650.000 đồng/m3. Trong trường hợp khách muốn mua số lượng lớn, phải đặt cọc trước mới có hàng.

“Giờ cát khan hiếm lắm, chúng tôi muốn có hàng để bán cũng phải xếp hàng dài mới mua được. Nhiều khi cũng chẳng được chọn, trên vựa có loại nào thì nhập loại đấy thôi. Mà giá cũng thay đổi theo giờ nữa, sáng mới nhập một giá, chiều muốn mua thêm thì lại được báo một giá khác rồi. Nếu chú muốn mua số lượng lớn và đúng loại thì đặt cọc trước cho chị, để chị báo với chủ vựa gom hàng thì mới có”, chị Thảo, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp) cho biết.

Nhu cầu rất lớn

Thực tế, tại Việt Nam, cát, sỏi đang là loại vật liệu xây dựng không thể thay thế trong việc san lấp, xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng giao thông… Do đó, dù giá tăng cao, nhưng nhu cầu với loại vật liệu xây dựng này không hề thuyên giảm.

Vừa nói chuyện với chúng tôi, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận 9, TP.HCM vừa chỉ tay vào đống cát đang bán dở trước cửa rồi nói: “Đống đó cả chục khối, sáng chị mới nhập về, giờ đã sắp hết rồi. Nhiều người đang gọi điện đặt mua mà chị sợ không còn hàng để bán”.

Tiếp tục dạo quanh đoạn đường trên quận 9, thay vì nhìn thấy cảnh tấp tập mua bán như tại các cửa hàng vật liệu xây dựng, ở đây, chúng tôi thấy đội ngũ thợ hồ hăng say làm việc tại các công trình đang dang dở.

Ông Nam, một người dân tại quận 9 đang xây nhà cho biết: “Mặc dù giá cát đang rất cao và tăng từng ngày, nhưng để có đủ số lượng và đúng chủng loại, tôi đã phải xếp hàng và đặt mua trước cả tháng mới được. Sắp tới cao điểm của mùa mưa rồi, mong sao công trình không bị gián đoạn và kịp tiến độ”.

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, nhu cầu sử dụng cát cho xây dựng hiện ở mức trên dưới 100 triệu m3/năm. Mức sử dụng sẽ tăng lên 130 triệu m3/năm vào năm 2020. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, nhiều chuyên gia nhận định, nhu cầu sử dụng hiện tại đã lên đến 140 - 150 triệu m3/năm và vào năm 2020 sẽ tăng lên 200 triệu m3/năm.

Trong đó, riêng khu vực tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương, nhu cầu về cát xây dựng khoảng hơn 20 triệu m3/năm và được dự báo sẽ còn tăng cao khi hàng loạt công trình lớn, trung tâm phát triển kinh tế, tuyến cao tốc được đẩy mạnh thi công.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan