Phấn đấu đến năm 2016, giảm thời gian thông quan xuống dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu và dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu

Phấn đấu đến năm 2016, giảm thời gian thông quan xuống dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu và dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu

Có thể xã hội hóa kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu

(ĐTCK) Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), trong đó có một giải pháp đáng chú ý là xã hội hóa các hoạt động này.

Mục tiêu chung của Đề án là tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; giảm chi phí cho DN, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, phấn đấu giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK ngang bằng với các nước ASEAN-6; trong đó, phấn đấu năm 2016 dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu và dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu, đến năm 2020 còn dưới 5 ngày đối với cả hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu.

Đồng thời, tạo hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu, nhất là những mặt hàng Nhà nước không khuyến khích nhập khẩu; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đưa ra 4 nhóm giải pháp: một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK; hai là, đổi mới về phương pháp, cách thức kiểm tra chuyên ngành; ba là, tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị và nguồn nhân lực cho các đơn vị kiểm tra chuyên ngành; bốn là, xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, nhằm phát huy tối đa nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện máy móc kỹ thuật hiện có, tiết kiệm nguồn lực đầu tư của nhà nước.

Riêng đối với nhóm giải pháp xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Đề án xác định, việc huy động các nguồn lực xã hội là mục tiêu quan trọng, do đó, cần tạo môi trường pháp lý và điều kiện cần thiết để thực hiện, nhằm phát huy mọi nguồn lực của xã hội. Đề án cũng khẳng định, cần tăng cường sự tham gia kiểm tra của các tổ chức, đơn vị khác và thừa nhận kết quả kiểm tra đối với các tổ chức có đủ năng lực, nhằm giảm tải cho cơ quan kiểm tra, tiết kiệm vốn đầu tư cho các bộ, ngành trong xây dựng bộ máy.

Đánh giá về nhóm giải pháp này, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Ngô Minh Hải cho rằng, vấn đề trọng tâm là cần xác định rõ những lĩnh vực, mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, lĩnh vực nào nên huy động nguồn lực của cộng đồng xã hội theo chủ trương xã hội hóa.

Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên ngành sẽ rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản, ban hành đầy đủ các mặt hàng thuộc diện phải kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng. Đồng thời, xác định những lĩnh vực, mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thực hiện xã hội hóa; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, điều kiện thực hiện xã hội hóa; quy định việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kiểm tra chuyên ngành...

Đáng chú ý, theo ông Hải, Đề án đề xuất thực hiện công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa, hoặc giảm thiểu việc kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand và của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu nổi tiếng đã được quốc tế thừa nhận để giảm tải cho cơ quan kiểm tra và giảm gánh nặng cho cộng đồng DN trong thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Theo ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, có một thực tế là các văn bản hướng dẫn quy định về hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch, kiểm tra nhà nước về chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa XNK được ban hành quá nhiều, nhưng vẫn chưa đầy đủ, quy định tản mát, không đồng bộ, thậm chí chồng chéo và mâu thuẫn, không rõ ràng, đồng thời thường xuyên thay đổi, khiến DN gặp khó khăn trong việc áp dụng và gây khó khăn cho cả cơ quan thực thi.

Do đó, với đề xuất xã hội hóa hoạt động quản lý chuyên ngành, các DN và cơ quan thực thi đang kỳ vọng vào một sự thay đổi tích cực, góp phần gỡ vướng cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành và tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong XNK.        

Tin bài liên quan