Những bộ ngành nào chậm thực hiện cổ phần hóa sẽ bị nêu tên và người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm hoàn toàn

Những bộ ngành nào chậm thực hiện cổ phần hóa sẽ bị nêu tên và người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm hoàn toàn

Cổ phần hóa chậm là do lãnh đạo doanh nghiệp sợ mất ghế

(ĐTCK) Đó là một trong những lý do được ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính Doanh nghiệp Bộ Tài chính nêu ra giải thích cho việc chậm trễ trong tiến độ cổ phần hóa các DNNN từ đầu năm đến nay trong cuộc trao đổi với một số cơ quan báo chí chiều 9/10.

Nhiều khả năng năm 2015 sẽ không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 289 DNNN, ông có thể chia sẻ là do những nguyên nhân nào?

Trên thực tế để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa có những cơ chế, chính sách hoặc các trường hợp được gỡ vướng mà Chính phủ xử lý còn vượt cả thẩm quyền, điều đó cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Một loạt văn bản pháp lý như các quyết định, nghị định mới đã được ban hành nhằm tạo ra hành lang thuận lợi cho DN thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, tiến độ vẫn rất chậm.

Lý do có nhiều, trước hết là do cung cầu trên thị trường mất cân đối, nhà đầu tư trong nước năng lực tài chính có hạn, cầu thấp, trong khi nhà đầu tư ngoại vẫn còn e ngại về mức độ minh bạch thông tin, tình hình hoạt động của DNNN và ít mặn mà tham gia. 

Đặc biệt, một lý do quan trọng khác nằm ở yếu tố con người. Nhiều lãnh đạo DNNN lo ngại e sợ mất vị trí mất quyền khi DN cổ phần hóa, đồng thời doanh nghiệp lộ ra nhiều tồn tại gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, nên không quyết liệt trong việc thực thi kế hoạch cổ phần hóa.

 Ông Đặng Quyết Tiến

Vậy giải pháp để khắc phục tình trạng này thời gian tới là gì, thưa ông?

Về khung khổ pháp lý, tới đây Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 59 về cổ phần hóa DNNN, trong đó có những quy định nhằm tháo gỡ các vướng mắc về tài chính…

Còn về yếu tố con người, trong tháng 10 Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp sơ kết 9 tháng về tái cơ cấu DNNN, tại đây những DN, những bộ ngành nào chậm thực hiện cổ phần hóa sẽ bị nêu tên và người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, vì trong quá trình thực hiện, có thể việc chậm trễ có nguyên nhân khách quan nhưng lãnh đạo DN phải có trách nhiệm báo cáo và đề xuất hướng tháo gỡ.

Chúng tôi cũng đề xuất các DNNN tổ chức lại cách bán cổ phần, ngoài công khai thông tin chào bán, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy chào hàng, thậm chí phải tổ chức tiếp xúc với các nhà đầu tư có tiềm năng ở nước ngoài thay vì ngồi nhà rao bán như hiện nay.

Một số doanh nghiệp đề xuất những cơ chế đặc thù để có thể thực hiện được cổ phần hóa như cấp tiền để bù vốn điều lệ chưa góp, xóa nợ… Quan điểm của Bộ Tài chính và Chính phủ ra sao về vấn đề này?

Những DN không đủ điều kiện để cổ phần hóa thì phải giải thể phá sản chứ Nhà nước không bỏ thêm tiền vào để cổ phần hóa. Còn những vướng mắc về tài chính liên quan đến công nợ, tùy từng trường hợp cụ thể, doanh nghiệp phải đề xuất, báo cáo lên các cơ quan có liên quan.

Theo mỗi trường hợp cụ thể, đều có những cách giải quyết để từng bước tháo gỡ. Những đơn vị chậm trễ không quyết liệt thì Thủ tướng Chính phủ sẽ đọc tên, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu.

Ngoài cổ phần hóa, liên quan đến việc thoái vốn ngoài ngành, nhiều ý kiến đề xuất cho giãn tiến độ, lui lại sau năm 2015, Đến giờ đã có quyết định gì về việc này chưa thưa ông?

Cũng có những ý kiến nêu rằng do thị trường bất động sản khó khăn thoái vốn trong lĩnh vực này sẽ khó, tuy nhiên đến thời điểm này Bộ Xây dựng cũng chưa có ý kiến gì về vấn đề này.

Còn thoái vốn ngoài ngành ngân hàng, cũng đang được xử lý quyết liệt, trong đó có vai trò và quyết định của Ngân hàng Nhà nước (phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngân hàng – PV). Hiện chưa có quan điểm hay chủ trương nào về việc giãn tiến độ thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty.

Chính phủ đã cho phép bán cổ phiếu dưới mệnh giá song tại sao tiến độ thoái vốn vẫn rất chậm?

Theo quy định, các tập đoàn tổng công ty phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư ngoài ngành, đây là cơ sở để họ có thể thoái vốn dưới mệnh giá. Đồng thời việc tính toán hiệu quả của khoản đầu tư còn tính đến các khoản cổ tức DN được trả trước đó, hay các đợt bán vốn đạt giá cao trước đó…

Bởi vậy, lãnh đạo các DN cũng không nên quá lo ngại về việc các khoản đầu tư bị lỗ khi thoái vốn. Còn quy định đã có mà DN nào không thực hiện đầy đủ, không trích lập dự phòng thì lãnh đạo DN phải chịu trách nhiệm.

Quyết định bán cổ phần theo lô cũng đã được ban hành và có hiệu lực gần 1 tháng, Bộ Tài chính đã rà soát sơ bộ xem kết quả bán vốn có tiến triển gì không thưa ông?

Chúng tôi đang yêu cầu các Sở GDCK thống kê lại tình hình bán vốn qua Sở, đặc biệt kết quả các đợt bán vốn nhà nước theo lô để có thông tin đánh giá. Chúng tôi tin rằng tới đây kết quả bán vốn nhà nước sẽ tích cực hơn với cơ chế này.

Tin bài liên quan