Ngày 17/1 Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019-2020: Vận hội mới - Yêu cầu mới”.
Theo dự báo của CIEM, tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân là khoảng 3,88%.
Theo đánh giá của CIEM, Việt Nam đã trải qua một năm 2018 với những thành tựu tương đối lớn ở nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi ở mức cao.
Môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định: lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại thặng dư ở mức kỷ lục, thâm hụt ngân sách nhà nước ổn định, nợ công giảm không đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát.
Quan trọng hơn, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố, dư địa điều hành tiền tệ và tài khóa vẫn được duy trì ngay cả trong bối cảnh kinh tế Việt Nam được đánh giá là có thể gặp nhiều cú sốc từ bên ngoài và rủi ro suy giảm tăng trưởng có tính chu kỳ.
Nhờ đó, Việt Nam vẫn có điều kiện thuận lợi để tiến hành các cải cách mang tính nền tảng hơn đối với thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh.
Theo CIEM, GDP quý IV/2018 tăng 7,31%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, nhưng cao hơn so với quý II-III. Tốc độ tăng GDP cả năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008.
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng ở quý thứ 6 liên tiếp trong chu kỳ tăng trưởng.
Khu vực công nghiệp - xây dựng là động lực cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 8,65% trong quý IV và 8,85% trong năm 2018.
Khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018, tăng 3,76. Khu vực dịch vụ tăng trưởng ổn định, đạt 7,69% trong quý IV và 7,03% năm 2018.
Hoạt động của doanh nghiệp trong quý IV/2018 có sự cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,81%, tổng số vốn đăng ký tăng tới 63,68%. Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết và cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh là minh chứng cho cải thiện sức khỏe của khu vực doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP vẫn chiếm tỷ trọng thấp nhất. Để cải thiện tình trạng này, CIEM cho rằng, cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo hướng tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh trong năm nay và những năm tiếp theo
Đánh giá về những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và mức độ sẵn sàng tham gia của Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhận định, Việt Nam có điều kiện và có lợi ích to lớn trong việc tham gia cách mạng 4.0.
Việc tham gia nhanh hay chậm sẽ quyết định tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đạt được năng suất cao hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn và mức độ thịnh vượng lớn hơn.
“Để duy trì được các động lực tăng trưởng cho năm 2019, cùng với việc tiếp tục duy trì mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, phát triển các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế so sánh, cần chú trọng nâng cao các yếu tố của công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ công”, ông Cung khuyến nghị.
Nhận định về xu thế tăng trưởng năm 2019, ông Cung cho rằng, Việt Nam bước vào năm 2019 với kỳ vọng về không ít cơ hội và thách thức đan xen.
Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng sau những cam kết cải cách của Chính phủ cũng như khả năng ứng phó hiệu quả của Chính phủ trước cú sốc từ bên ngoài.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) và cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo thêm xung lực cho cải cách và tiếp cận nguồn lực (kỹ năng, công nghệ, vốn) từ bên ngoài.
“Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục xử lý thách thức mang tính căn bản về chất lượng thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc còn tiếp diễn, buộc Việt Nam phải cân nhắc thấu đáo hơn trong tham gia các sáng kiến cho hai nước này dẫn dắt.
Bản thân hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư có thể gặp khá nhiều bất định, đặc biệt trong nửa đầu năm 2019, do rủi ro suy giảm kinh tế ở không ít nền kinh tế chủ chốt.
Trong bối cảnh này ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động”, ông Cung nhấn mạnh.