Những doanh nghiệp dược hàng đầu của Việt Nam đều đang có các tập đoàn nước ngoài đứng ngấp nghé sau lưng.

Những doanh nghiệp dược hàng đầu của Việt Nam đều đang có các tập đoàn nước ngoài đứng ngấp nghé sau lưng.

Chuyện thương hiệu Việt trước chuyển đổi

(ĐTCK) Việc thoái vốn nhà nước rất cần làm rõ mục tiêu bán vốn là hướng đến việc tối đa hóa giá trị thu được, hay tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho doanh nghiệp hoặc đa dạng hóa cơ cấu cổ đông cho công ty, giữ gìn và duy trì các thương hiệu Việt. 

Vốn ngoại tìm “miếng ngon”

Cho đến cuối tháng 11/2018 mới chỉ có 31 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành chưa được 10% so với yêu cầu đặt ra. Nhưng nếu xét về giá trị tuyệt đối số tiền thu được từ thoái vốn, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch đến năm 2020 lại đạt 80%. Sở dĩ có nghịch lý này là bởi nhiều nhà đầu tư ngoại sẵn sàng trả giá cao, thậm chí rất cao trong các thương vụ Nhà nước thoái vốn nhằm giành quyền chi phối doanh nghiệp.

Có thể kể đến những thương vụ đình đám như bán vốn tại Sabeco, Nhựa Bình Minh, VNM... Đáng chú ý, ở những doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, có sức mạnh thương hiệu, cổ đông ngoại sau khi nắm cổ phần chi phối đang hoàn toàn chủ động điều khiển hoạt động doanh nghiệp.

Ông Vũ Quang Thịnh, Tổng giám đốc Dynam Capital, Nhà quản lý quỹ Vietnam Holding cho rằng, các doanh nghiệp có sản phẩm tốt trong một ngành đang tăng trưởng, có chỉ số tài chính lành mạnh… luôn là mục tiêu săn đuổi của nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều khi, để thâu tóm thành công doanh nghiệp, mức giá họ chi ra nằm ngoài dự đoán của tất cả mọi người.

Sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt để tiếp thêm những luồng gió mới, tạo ra áp lực buộc doanh nghiệp phải thay đổi, gia tăng hiệu quả hoạt động, cải thiện năng suất lao động… vẫn luôn được kỳ vọng. Nhưng chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, tại một hội thảo mới đây về DNNN lại đặt ra câu hỏi đáng suy ngẫm: Việt Nam có nên thoái hết vốn ở những công ty có vị thế ngành quan trọng, hoạt động hiệu quả để lấy tiền đầu tư vào những dự án khó đem lại hiệu quả tương ứng hay không?

Nhìn sang các nước trong khu vực, nhà đầu tư của Chính phủ Singapore là Temasek đang nắm giữ cổ phần trong nhiều công ty lớn nhất Singapore như SingTel, DBS Bank, Singapore Airlines, PSA International, SMRT Corporation, Singapore Power, Neptune Orient Lines. Temasek cũng nắm giữ vốn đầu tư trong các hình tượng công chúng như Raffles Hotel và Singapore Zoo, nắm giữ cổ phần trong Singapore Pools, công ty cá độ duy nhất ở Singapore; nắm giữ cổ phần chi phối của Singapore Technologies… Đây là những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có vai trò quan trọng với nền kinh tế đảo quốc sư tử.

Nhiều chuyên gia và nhà quản lý kinh tế có chung trăn trở như ông Trần Đình Thiên. Đồng tình rằng phải thoái vốn ở những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ, song theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao, có nên tập trung bán cho nhà đầu tư ngoại chứ không phải là bán cho nhà đầu tư trong nước vì sợ họ ít tiền hơn?

Dẫn câu chuyện của Sabeco, doanh nghiệp đang chiếm tới 41% thị phần bia nội để đánh giá đây là một trong những thương hiệu mạnh nhất về hàng tiêu dùng nội, bà Kim Hạnh cho rằng nên cân nhắc kỹ giá trị lâu bền trong tương lai.

"Vì sao ta không nghiên cứu bước đi của các nước ASEAN khác, đều đang ra sức bồi đắp nội lực, nâng bước cho doanh nghiệp xứ họ đủ sức ra ngoài cạnh tranh với thế giới", bà Hạnh trăn trở.

Khi nhà đầu tư Thái Lan nắm quyền tại Sabeco, cũng đã có những vọng tưởng về việc hai phía nội, ngoại có thể “cùng dắt tay nhau tiến về phía trước”, nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Gần đây, Sabeco đã xin ý kiến cổ đông về việc nới room lên 100% cho nhà đầu tư nước ngoài, dọn đường cho toan tính thâu tóm toàn bộ thương hiệu bia lớn nhất Việt Nam.

Mỗi khi nhắc đến chuyện của những thương hiệu Việt từng vang bóng giờ nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài, nhiều người thường có cảm giác tiếc nuối và chợt ước ao, giá như Việt Nam có những doanh nghiệp lớn, đủ tiềm lực để giữ lại những thương hiệu “quốc hồn, quốc túy, quốc gia”. 

Nghĩ xa trước khi quá muộn

Ngành dược Việt Nam đang đứng trước những cuộc chuyển đổi bước ngoặt khi những doanh nghiệp hàng đầu đều có các tập đoàn nước ngoài đứng ngấp nghé sau lưng. Với dược Hậu Giang là Taisho (Nhật Bản), Traphaco là Daewoong (Hàn Quốc), Domesco là Abbott (Mỹ), Pymepharco là Stada (Đức)…

Với một ngành đặc thù như dược phẩm, lợi nhuận chỉ là một khía cạnh, ý nghĩa và tác động xã hội của những dược phẩm chất lượng, giá thành hợp lý với người dân lại đáng quan tâm hơn nhiều. Khi các thương hiệu Việt đều nằm trong tay nước ngoài, theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, liệu Việt Nam có mất thế chủ động và không thể “so bó đũa, chọn cột cờ” mỗi khi cần huy động thuốc cho những chiến dịch và chương trình quy mô quốc gia?

Tại một vài kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), rất nhiều cổ đông lo lắng nếu Vinamilk thực hiện nâng tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài lên 100% thì giá trị thương hiệu có bị mất không?

Khi Vinfast tung ra những mẫu xe hơi đầu tiên, lòng tự hào dân tộc trong nhiều người trỗi dậy, giấc mơ đưa các thương hiệu Việt vươn xa trên hoàn cầu bùng cháy trở lại. Trong đó có những người tâm huyết với thuốc Việt, đang nuôi giấc mơ đưa dược phẩm “Made in Việt Nam” ra nước ngoài. Tuy nhiên, như ông Vũ Quang Thịnh quan sát, nếu không có chiến lược chủ động và sự chuẩn bị, tính toán kỹ cho từng nước cờ, doanh nghiệp Việt rất khó chống lại sự nuốt chửng của các “cá mập”.

Nhưng có vẻ như chỉ có doanh nghiệp Việt Nam đang đơn độc trên hành trình này. Bên lề buổi lễ đánh cồng khi cổ phiếu Habeco được niêm yết trên sàn Hà Nội, đại diện Bộ Công thương trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, khi thoái vốn, cả bên bán và bên mua đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Còn câu chuyện làm gì để tránh việc nhà đầu tư thâu tóm doanh nghiệp hoặc thương hiệu Việt, chính bản thân bộ này cũng đang loay hoay chờ “cao kiến” từ các bộ, ngành khác.

Trong tâm điểm của cuộc tranh luận, phương thức “cổ đông vàng” tức là cổ đông chỉ nắm cổ phần mang tính tượng trưng, nhưng nếu muốn thay đổi các vấn đề lớn của doanh nghiệp thì phải được cổ đông vàng thông qua, được nhắc đến như một công cụ hữu hiệu. Hay gần đây, trước khi thoái toàn bộ vốn nhà nước, Vinaconex khóa room ngoại về 0% đã gợi lại câu chuyện được mất khi mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thái Lan đã giải quyết rất tốt những băn khoăn này ngay từ năm 2000 khi cho phép doanh nghiệp áp dụng NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết).

Phương thức này cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu NVDR, được hưởng tất cả các quyền lợi tài chính giống các nhà đầu tư khác, nhưng không có quyền bỏ phiếu trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Bằng cách này, sự kiểm soát của các công ty vẫn trong tay người Thái, nhưng lại đảm bảo sức hút cho các nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp sự hạn chế về room ngoại.

Nghị định số 32/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/5/2018 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp cũng cho phép áp dụng phương pháp “dựng sổ” để chuyển nhượng vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phương pháp này có thể cho phép chọn được nhà đầu tư theo các tiêu chí mà bên bán muốn đặt ra, mà các đơn vị tư vấn thường nói vui là kiểu “Hùng Vương kén rể”.

Kén rể theo cách nào, theo ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính Ngân hàng Thế giới (WB), phụ thuộc vào việc trong mỗi thương vụ thoái vốn nhà nước, mục tiêu thoái vốn là vì tiền hay vì lý do nào khác được làm rõ.

Tin bài liên quan