Bà Vũ Thị Mai (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này.

Bà Vũ Thị Mai (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này.

Chủ tịch kiêm CEO có phù hợp khi doanh nghiệp hội nhập?

Chuyên nghiệp hóa mô hình quản trị là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện, nhất là khi doanh nghiệp đặt mục tiêu “tiến quân” ra thị trường nước ngoài và vươn lên dẫn đầu.     

“Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) có nên kiêm nhiệm Tổng giám đốc?” là câu hỏi mà bất kỳ doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ đều đi tìm đáp án. Quả thực, đây là câu hỏi không có đáp án chung, bởi kiêm nhiệm, hay tách bạch hai chức danh trên sẽ phù hợp theo chiến lược và mô hình quản trị của mỗi doanh nghiệp.

Thực tế, vào năm 2014, CEO Ngân hàng Bank of America, Brian Moynihan, được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức vị Chủ tịch HĐQT, sau khi chức vị này được nắm giữ bởi một thành viên độc lập trong HĐQT từ năm 2009. Hãng Disney thì tái lập việc kiêm nhiệm hai chức vị này vào năm 2012, sau khi tách biệt chúng từ năm 2008.

Đó là những “ông lớn” của thế giới, còn tại Việt Nam, việc kiêm nhiệm hai chức danh này cũng không hiếm, có thể kể đến như ông Trương Gia Bình (Tập đoàn FPT), bà Mai Kiều Liên (Vinamilk), ông Phạm Việt Khoa (Fecon)… Giai đoạn họ nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm CEO cũng là giai đoạn mà doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc.

Do đó, vấn đề kiêm nhiệm, hay tách bạch giữa Chủ tịch HĐQT và CEO lại một lần nữa được đặt ra trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề “Doanh nghiệp Gia đình - Tái cấu trúc thượng tầng”, được phát sóng trên VTV1 vào sáng Chủ nhật (7/5) vừa qua.

Khi doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đã có 20 năm kinh nghiệm, chỗ đứng vững chắc trên thị trường và tăng trưởng ổn định, thì việc mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thị trường ra nước ngoài, nhằm đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới là điều doanh nghiệp chắc chắn phải tính đến.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện chiến lược mới thì sự chồng chéo trong việc điều hành và quản trị đang khiến vị Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO của công ty gặp nhiều áp lực, thách thức. Các cổ đông lo lắng, doanh nghiệp sẽ không thực hiện thực hiện được các chiến lược, mới cũng như hoạt động kinh doanh hiện tại sẽ bị ảnh hưởng.

Trước tình hình đó, các thành viên HĐQT cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp nên tách bạch vai trò chủ tịch HĐQT và CEO, không nên tiếp tục kiêm nhiệm như hiện nay. CEO sẽ giữ vị trí chủ tịch HĐQT và chuyên giao vị trí điều hành cho một CEO chuyên nghiệp thuê từ ngoài vào.

Bà Vũ Thị Mai, Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai - người ngồi ghế CEO trong tình huống này nhất quyết không đồng tình với phương án của HĐQT.

CEO Vũ Thị Mai lập luận, để gánh vác trách nhiệm điều hành cao nhất phải là người trong gia đình thì họ mới lăn xả và sống chết vì doanh nghiệp. Chưa kể, trong bối cảnh mới của doanh nghiệp, việc kiêm nhiệm quản trị và điều hành sẽ giúp doanh nghiệp quản lý vốn tốt hơn, tránh thất thoát.

Tình huống thú vị của chương trình, cùng sự quyết liệt của CEO Vũ Thị Mai đã lôi cuốn rất nhiều khán giả, bằng chứng là một cuộc tranh luận chia làm hai phe đã “bùng nổ” trên Fanpage của chương trình CEO - Chìa khóa thành công.

Bạn Lê Ngọc Minh cho rằng, việc người nắm quyền sở hữu, đồng thời quản lý cả doanh nghiệp, sẽ khiến họ toàn tâm toàn ý, không ngừng nỗ lực và phát triển doanh nghiệp, bởi lợi ích của chính họ cũng nằm trong đó. Còn bạn Nguyễn Byun chia sẻ, HĐQT khi lập chiến lược thường không lường hết được các yếu tố của thực tế vận hành, còn CEO khi thực hiện các chiến lược đã được HĐQT thông qua, nếu cần thay đổi để phù hợp với những biến động của thực tế thị trường thường lại phải mất nhiều thời gian để trình bày và phê duyệt, dễ đánh mất nhiều cơ hội.

Tất nhiên, “phe” bênh vực cổ đông cũng không ít. Bạn Hùng Trinh Lâm phân tích, dưới góc độ kiểm soát, nếu CEO kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT, ban điều hành công ty sẽ dễ bị lôi kéo và dễ có khả năng che giấu thông tin, mà thường là thông tin không tốt đối với HĐQT, làm giảm khả năng kiểm soát các hoạt động của công ty. “Với cơ cấu quản trị công ty như vậy, dường như không ai có thể kiểm soát Chủ tịch HĐQT kiêm CEO, ngoại trừ chính người này”, bạn Lâm quả quyết.

Với trường hợp trên, CEO Vũ Thị Mai sẽ phải tìm đến hai vị chuyên gia là bà Định Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty Pricewaterhouse Coopers Việt Nam và ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch Hội đồng Trung ương các doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái.

Với kinh nghiệm của mình, hai vị chuyên gia sẽ đưa ra được những tư vấn hữu ích cho CEO Vũ Thị Mai, cũng như cho CEO của các doanh nghiệp Việt Nam khác đang đi tìm giải pháp phù hợp.

Tin bài liên quan