Chính phủ từ chối bảo lãnh Xi măng Tân Thắng và câu chuyện nợ quốc gia

Việc Thủ tướng Chính phủ vừa từ chối cấp bảo lãnh cho Dự án Xi măng Tân Thắng vay vốn nước ngoài cho thấy thái độ cương quyết nhằm giảm các khoản vay cả trong và ngoài nước do Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh.
Chính phủ từ chối bảo lãnh Xi măng Tân Thắng và câu chuyện nợ quốc gia

Theo số liệu của Bộ Tài chính gửi các đại biểu Quốc hội hồi cuối năm 2013, tính đến cuối năm 2012, tổng nợ nước ngoài của toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên tới 315.851 tỷ đồng, trong đó, số nợ được Bộ Tài chính bảo lãnh là 150.681 tỷ đồng.

Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nợ công tiếp tục gia tăng từ mức 54,9% GDP vào năm 2011 lên 55,7% GDP năm 2012 và 56,2% GDP năm 2013. Vì vậy, nếu Chính phủ không cương quyết hạn chế bảo lãnh cho doanh nghiệp huy động vốn, đặc biệt là vốn huy động  ở nước ngoài, thì không chỉ khó lòng cản được sự gia tăng của nợ công vốn đang tiến gần đến ngưỡng báo động theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế (nợ công tối đa là 65% GDP), mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác.               

Thứ nhất, việc này phá vỡ Chiến lược Nợ công và Nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với nguyên tắc chỉ cấp bảo lãnh chính phủ cho doanh nghiệp đầu tư vào chương trình, dự án trọng điểm quốc gia cùng các chương trình, dự án quan trọng thuộc danh mục ưu tiên của Chính phủ.

Thứ hai, nếu cấp bảo lãnh cho Dự án Xi măng Tân Thắng vay vốn nước ngoài sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong cấp bảo lãnh. Bởi chưa nói đến tình trạng nguồn cung xi măng hiện đã vượt cầu, xi măng không phải là lĩnh vực ưu tiên đầu tư và cũng không nằm trong các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia. Vì thế, nếu Bộ Tài chính bảo lãnh cho doanh nghiệp xi măng vay vốn, thì hàng loạt doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như sắt thép, da giày, dệt may, chế tạo cơ khí, điện tử… cũng có lý do để xin được cấp bảo lãnh vay vốn.

Thứ ba, việc bảo lãnh này sẽ khiến doanh nghiệp có tâm lý ỷ lại trong huy vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, trong bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nguồn vốn trong nước có hạn, nếu bảo lãnh cho cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bình thường, thì các lĩnh vực là điểm tựa cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, như giao thông - vận tải, điện lực, dầu khí…, sẽ khó tiếp cận nguồn vốn nước ngoài do “room” hạn hẹp hơn.

Trở lại câu chuyện Chính phủ từ chối bảo lãnh vay vốn đối với Xi măng Tân Thắng, theo Luật Quản lý nợ công, Bộ Tài chính chỉ được cấp bảo lãnh vay vốn cho chương trình, dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; dự án sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ xuất khẩu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chương trình, dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư... Trong khi đó, sản xuất xi măng không thuộc đối tượng được xem xét cấp bảo lãnh, nhưng tỉnh Nghệ An và Bộ Tài chính vẫn có văn bản chấp thuận chủ trương cấp bảo lãnh và kiến nghị Chính phủ cho phép bảo lãnh cho Xi măng Tân Thắng vay vốn nước ngoài.

Điều chắc chắn là, tỉnh Nghệ An và Bộ Tài chính biết rất rõ, sản xuất xi măng không thuộc đối tượng được xem xét cấp bảo lãnh vay vốn, nhưng vẫn kiến nghị Chính phủ cho phép bảo lãnh vay vốn đối với Xi măng Tân Thắng.

Vì vậy, để giảm nợ công, một mặt, Chính phủ phải cương quyết “nói không” với những dự án đề nghị bảo lãnh không thuộc đối tượng được bảo lãnh theo Luật Quản lý nợ công. Mặt khác, Chính phủ cũng phải nhắc nhở những bộ, ngành, địa phương còn dễ dãi trong việc chấp thuận chủ trương cấp bảo lãnh, đặc biệt đối với các dự án sản xuất xi măng, bởi chỉ tính đến đầu năm 2012, Bộ Tài chính đã bảo lãnh cho 16 dự án sản xuất xi măng vay tổng cộng 1.365 triệu USD của nước ngoài, trong đó  có 4 dự án đang lâm vào tình trạng khó khăn và khó có khả năng trả nợ.

Tin bài liên quan