Theo tính toán của Bộ Công thương, việc tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3/2019 sẽ làm tăng CPI 0,26 - 0,31%, làm giảm GDP 0,22 - 0,25%, khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15 - 0,19%.

Theo tính toán của Bộ Công thương, việc tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3/2019 sẽ làm tăng CPI 0,26 - 0,31%, làm giảm GDP 0,22 - 0,25%, khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15 - 0,19%.

Chi phí tăng, giá điện khó lặng

Phương án giá điện tăng trong tháng 3/2019, với mức tăng khoảng 8,36% so với giá bình quân hiện hành, tức là từ 1.720,65 đồng lên 1.864,04 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) đã được Bộ Công thương đưa ra, dù chưa chốt ngày chính thức.

Giá điện vẫn chạy sau

Giá điện được điều chỉnh lần gần đây nhất là vào ngày 1/12/2017, với mức tăng 6,08%. Trước đó, với Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, Quyết định số 69/2013QĐ-TTg, Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg liên quan đến cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, giá điện từng được kỳ vọng sẽ “cập nhật” hơn với thị trường, khi 4 yếu tố có tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất điện bị thay đổi mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát gồm chi phí nguyên liệu, tỷ giá, cơ cấu nguồn điện phát và giá điện thị trường cạnh tranh.

Tuy nhiên, giá điện đã “bất động” từ sau khi tăng vào ngày 15/3/2015 đến tận ngày 1/12/2017 và sau đó là suốt cả năm 2018.

Chiếu lại giá thành điện năm 2017 được Bộ Công thương công bố vào cuối năm 2018, cũng thấy rõ, doanh thu bán điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt gần 290.000 tỷ đồng, trong khi chi phí sản xuất - kinh doanh điện gần 291.300 tỷ đồng. Sau khi hoạch toán thu, chi của năm 2017, EVN lỗ khoảng 2.220 tỷ đồng.

Lẽ dĩ nhiên, chi phí sản xuất điện năm 2018 cũng không đứng yên. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, trong một cuộc họp của Ban Chỉ đạo giá đã cho biết, năm 2018, chi phí tăng thêm trong cơ cấu tính giá điện khoảng 5.483 tỷ đồng, gồm chênh lệch tỷ giá năm 2017 là 3.071 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng và giá khí trong bao tiêu theo thị trường tăng thêm 1.910 tỷ đồng.

Năm 2019, ngành điện ước tính phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2018 là 3.516 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng... Tổng chi phí đội lên năm 2019 sẽ là 15.252 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn khoản chênh lệch tỷ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng. Đó là chưa kể giá than bán cho điện tăng 5% từ đầu năm 2019 và thêm việc mua than ngoại để phối trộn, cấp cho các nhà máy điện nội địa, thì chi phí về than trong sản xuất điện tăng thêm khoảng 5.500 tỷ đồng.

Nhìn vào “rừng” thông số chi phí đã tăng thêm trong năm 2018 và khó tránh trong năm 2019, có thể thấy rõ, câu chuyện tăng giá là khó tránh. Chỉ có điều, như Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) khẳng định, phương án giá điện “đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau, các phương án được cân nhắc với mục tiêu là đưa vào dần các chi phí còn treo, đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, có xem xét đến tình hình kinh tế vĩ mô”.

Theo tính toán của Bộ Công thương, việc tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3/2019 sẽ làm tăng CPI 0,26 - 0,31%, làm giảm GDP 0,22 - 0,25%, khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15 - 0,19%.

… và không hấp dẫn

Với mức giá điện hiện hành tương đương 7,4 UScent/kWh và khi được tăng giá thêm 8,36%, sẽ lên tầm 8 UScent/kWh, giá điện tại Việt Nam vẫn thấp hơn tại Trung Quốc, Ấn Độ khoảng 8,1%; thấp hơn tại Lào trên 18%; Indonesia khoảng 26,5%...

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết thêm, giá điện tại Việt Nam thấp hơn các nước cũng là điểm thiếu hấp dẫn được các nhà đầu tư nhiều lần nêu ra khi nói về nguyên nhân khiến họ không mặn mà rót vốn đầu tư các dự ánngành này.

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, để đảm bảo năng lực tài chính, EVN chỉ có thể trông chờ vào 2 nguồn là giá điện và thu xếp vốn. Cụ thể, Tập đoàn trông vào giá điện để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường, còn thu xếp vốn nhằm đảm bảo tăng trưởng nguồn điện, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế. Dẫu vậy, để thu xếp được vốn, giá điện cũng được các tổ chức tài chính xem xét, nhất là khi thu xếp bảo lãnh Chính phủ cho các công trình điện vay vốn là khó khăn.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Việt Nam Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, giai đoạn 2010-2018, đã có 80 tỷ USD được đầu tư vào ngành điện ở các khâu phát điện, truyền tải và phân phối. Dẫu vậy, tiêu thụ điện bình quân trên đầu người tại Việt Nam hiện đạt 1.700 kWh/người/năm, vẫn thấp hơn so với bình quân quốc tế và chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc, 1/5 của Australia.

Với thực tế kinh tế tăng trưởng mạnh và điều kiện của người dân tốt hơn, việc tiêu thụ điện chắc chắn sẽ tiếp tục tăng, ước khoảng 8%/năm trong thập kỷ tới.

“Điều này cũng đặt ra thách thức mới trong huy động vốn cho phát triển năng lượng nói chung, trong đó đặc biệt là điện. Tuy nhiên, nhu cầu huy động này đang gặp phải những thách thức lớn, mà cụ thể nhất là giá điện hiện ở dưới mức thu hồi chi phí và EVN không nhận được trợ cấp trực tiếp từ Chính phủ”, ông Ousmane Dione nói.

Tin bài liên quan