Chi phí không chính thức chiếm đến 10% doanh thu của doanh nghiệp

Chi phí không chính thức chiếm đến 10% doanh thu của doanh nghiệp

(ĐTCK) Đó là con số được các đại biểu nêu ra tại Tọa đàm “Giảm ánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” được tổ chức sáng 23/8.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Chi phí này không hạch toán được một cách chính thức, nhưng quy ra tiền chắc chắn sẽ là một con số rất lớn”.

Theo khảo sát mới đây của Ban Pháp chế, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 9 -11% doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức chiếm đến 10% doanh thu, con số này nhiều khi cao hơn lợi nhuận của doanh nghiệp và mức lãi suất ngân hàng.

Một thực trạng chung của các doanh nghiệp tư nhân nước ta là chủ yếu các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Đặc biệt, với các doanh nghiệp mới thành lập, quy mô và nguồn vốn còn nhỏ và mỏng thì các chi phí không minh bạch này là một áp lực rất lớn.

Ông Ngô Văn Điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nhận xét: “Không chỉ phải chịu các chi phí không chính thức, hiện các doanh nghiệp đều phải chịu thêm những áp lực khác. Doanh nghiệp mới chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, tiếp cận đất đai, thuê văn phòng đều khó. Chi phí logistic quá cao, chỉ tính riêng Quốc lộ 1 đã có đến 40 trạm thu phí khiến các doanh nghiệp phải gánh gồng. Ngoài ra, là các loại phí bảo vệ môi trường, tổn thấn điện năng…”.

Các chuyên gia và nhà quản lý đều nhận định rằng, cả chi phí chính thức và không chính thức đều có đư địa để giảm mạnh, giảm sức ép cho các doanh nghiệp. 

Chi phí không chính thức chiếm đến 10% doanh thu của doanh nghiệp ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chia sẻ tại Tọa đàm. 

“Tôi thấy rất lạ là các chi phí như phí đường bộ ở các dự án BOT lại không được công khai. Tại sao chúng ta không công bố các chi phí phí xây dựng, lưu lượng giao thông mà cứ giấu giấu diếm diếm. Đó là hai chỉ số cho thấy hiệu quả của BOT và rất cần công khai, minh bạch để mọi người hiểu rõ và biết được mức đầu tư, mức thu có hợp lý hay không”, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Chi phí của doanh nghiệp cần được nhận diện đúng mức để có những giải pháp điều chỉnh phù hợp. Đây cũng là một đòi hỏi cấp bách, một mục tiêu mà Chính phủ kiến tạo đặt ra. 

Theo  ông Đông, để giảm thiểu giảm chi phí không chính thức, cần phải giảm thiểu giao tiếp trực tiếp con người - con người, cần phát triển chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, cách làm phải mạnh mẽ, quyết liệt.

“Các cơ quan nhà nước phải đối thoại trực tiếp, không lảng tránh. Càng công khai và tường minh bao nhiêu thì việc giảm chi phí cho doanh nghiệp, xã hội sẽ càng tốt bấy nhiêu. Đặc biệt, khi bàn về giải pháp phải bàn đến tận cùng chứ không chỉ qua loa trong cuộc họp vài ba mươi phút”, ông Đông thẳng thắn nêu quan điểm.

Việc xây dựng chính phủ điện tử được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý minh bạch, thông thoáng, đặc biệt, giảm thiểu thời gian chết cho các doanh nghiệp, cũng như hạn chế sự nhũng nhiễu đang xảy ra khá phổ biến, dẫn đến những chi phí phi chính thức.

“Chính phủ điện tử còn cho thấy sự tiếp cận kịp thời với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang sục sôi trên toàn thế giới. Nó sẽ mang lại những tác động tốt với kinh tế tư nhân nói riêng, toàn xã hội nói chung”, ông Điểm nhận xét. 

Tin bài liên quan