Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chăn nuôi và dệt may đứng trước nhiều thách thức

(ĐTCK) Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, còn dệt may có tình trạng đơn hàng sụt giảm, tiêu thụ khó khăn. Hai lĩnh vực này được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý cuối năm.

Tổng cục Thống kê cho biết, GDP 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2018 và là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm trở lại đây.

Trong 3 khu vực kinh tế chủ chốt, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, khu vực dịch vụ tăng 6,85%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02%. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây do xuất khẩu nhiều nông sản gặp khó khăn về thị trường và giá cả.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ Thống kê nông nghiệp (Tổng cục Thống kê), tốc độ tăng trưởng nông nghiệp thấp do thời tiết diễn biến phức tạp, bất lợi cho cây trồng.

9 tháng đầu năm, dịch bệnh khiến 5,04 triệu con lợn bị tiêu huỷ, làm tổng đàn lợn cả nước giảm 19%.   

 Ðặc biệt, dịch tả lợn châu Phi lây lan cả nước khiến ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề vì sản lượng và tổng đàn lợn giảm mạnh. 9 tháng đầu năm, dịch này khiến 5,04 triệu con lợn bị tiêu huỷ, làm tổng đàn lợn cả nước giảm 19%. Dự báo, trong quý cuối năm, ngành chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn do tổng đàn lợn sụt giảm, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng 3% của toàn ngành.

Ðiểm sáng trong ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm là sản lượng cây ăn quả tăng trưởng khá và sản lượng chăn nuôi trâu bò, gia cầm tăng trưởng, bù lại một phần sự thiếu hụt ngành chăn nuôi.

Trong quý cuối năm, ông Tiến cho rằng, 2 “cứu cánh” cho ngành nông nghiệp là cà phê và cao su, cơ cấu giá trị lớn sẽ giúp ngành nông nghiệp tăng trở lại.

Trong ngành công nghiệp, lĩnh vực dệt may được dự báo sẽ gặp khó khăn trong quý còn lại của năm.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp dệt may trong nước đứng trước nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đến tỷ giá giữa các đồng tiền, khiến giá hàng hóa gia công tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu.

Ðáng chú ý, gần đây, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp không được khả quan so với năm 2018.

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, một số doanh nghiệp có các đơn hàng mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ.

Ðặc biệt, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp rất nhiều khó khăn, vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc (chiếm 60%) cắt giảm lượng nhập hàng. Trong khi đó, mặt hàng may mặc cũng gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng.

“Nếu như trong năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm, thì năm 2019 chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng.

Tâm lý chung của người mua đều lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị chia nhỏ, thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước”, đại diện Hiệp hội Dệt may cho biết.

Bộ Công thương khuyến cáo, các quý đầu năm 2019, sản xuất và xuất khẩu dệt may đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên, do các đơn hàng liên tục thay đổi, nên các doanh nghiệp cần có nhiều biện pháp nhằm thay đổi phương thức sản xuất - kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường để phù hợp với tình hình, chuẩn bị ứng phó với diễn biến sụt giảm đơn hàng, qua đó duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, không ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng chung của ngành.

Ðối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, theo Tống cục Thống kê, đây tiếp tục là động lực tăng trưởng lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2019 và quý IV.

Trong 9 tháng đầu năm, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%, mức cao nhất trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là tỷ lệ tồn kho hiện nay cao hơn cùng kỳ năm trước ở một số lĩnh vực sản xuất quan trọng như xăng dầu, ô tô, xe máy, kim loại.

“Ðể đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm, Tổng cục Thống kê kiến nghị, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp với sản phẩm được sản phẩm sản xuất ở Việt Nam”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê  nói.

Ngoài ra, theo ông Lâm, trước tình hình tồn kho gia tăng, các doanh nghiệp cần điều chỉnh phương án sản xuất, dự báo tình hình hình đơn hàng, thị trường để đảm bảo mục tiêu sản xuất và xuất khẩu.

Ngành chăn nuôi tập trung nguồn lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Ngành thuỷ sản cần gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phân tích, dự báo tốt tín hiệu thị trường để có bước đi phù hợp.

Tin bài liên quan