Ông Sinh Thắng, Chuyên gia quản trị công ty

Ông Sinh Thắng, Chuyên gia quản trị công ty

Chấm điểm quản trị và công bố chi tiết, tại sao không?

(ĐTCK) Hiện nay, nhận thức về quản trị công ty của nhà đầu tư và ngay cả của chủ doanh nghiệp Việt Nam còn khá mờ nhạt. Theo Báo cáo của VCCI, trong năm 2014, mức điểm trung bình về khả năng quản trị của doanh nghiệp Việt Nam là 35,1, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (84,5), Malaysia (75,2), Singapore (70,7) hay Indonesia (57,3). 

Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp và doanh nghiệp được định giá ở mức thấp trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Việc nâng cao trình độ quản trị công ty sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả hơn. Ví dụ, 1 đường băng sân bay nếu quản trị tốt để tần suất cất cánh - hạ cánh cho máy bay là 2 phút thay cho 5 - 7 phút, thì hiệu quả khai thác đường băng sẽ cao hơn gấp đôi. Điều này cũng tương tự đối với cở sở vật chất, nhân sự của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quản trị tốt hơn giúp doanh nghiệp sớm xác định được rủi ro và có biện pháp quản trị các rủi ro đó, nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Việc chấm điểm quản trị và công bố điểm rộng rãi sẽ tạo thêm động lực cho công ty niêm yết áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến vào doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động và tính bền vững của doanh nghiệp...   

Hiện nay, các bộ tiêu chí chấm điểm quản trị công ty đã được áp dụng rộng rãi tại khu vực ASEAN, cũng như quốc tế. Và với xu hướng hòa nhập ngày càng sâu rộng, chúng ta có thể nhanh chóng học tập các tiêu chí và mô hình chấm điểm này, áp dụng vào trong nước. Các nhóm vấn đề chính cần được chú trọng trong quản trị công ty để hướng tới chuẩn khu vực và quốc tế gồm:

Thứ nhất, quyền của cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản. Doanh nghiệp thừa nhận và tạo điều kiện để thực hiện quyền của cổ đông. Cổ đông phải được thực hiện các quyền cơ bản như quyền tham gia và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, quyền tham gia vào các quyết định liên quan tới những thay đổi cơ bản của công ty, tham gia đề cử và bầu chọn thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), phê duyệt các giao dịch có giá trị lớn và hưởng lợi nhuận của công ty.

Thứ hai, theo nguyên tắc “đối xử bình đẳng đối với cổ đông”. Cụ thể, công ty cần đảm bảo đối xử công bằng với tất cả các cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số và cổ đông nước ngoài. Điển hình là các quy trình và thủ tục tiến hành Đại hội đồng cổ đông phải tạo điều kiện tham gia cho tất cả các cổ đông và không được gây khó dễ hay trở ngại không cần thiết. Tương tự, giao dịch nội gián và những giao dịch không minh bạch với các bên thứ ba nên bị cấm để tránh gây thiệt hại cho các cổ đông không có lợi ích liên quan.

Thứ ba, nguyên tắc OECD quy định rằng, công tác quản trị công ty cần bảo vệ các bên có quyền lợi liên quan, bao gồm người lao động, nhà cung cấp, khách hàng, chủ nợ, môi trường và cộng đồng trong hoạt động kinh doanh của mình.

Thứ tư, công bố thông tin và minh bạch nhằm đánh giá mức độ công khai minh bạch của công ty thông qua việc công bố các thông tin quan trọng. Đây là hoạt động rất quan trọng, vì chất lượng công bố thông tin càng tốt, công ty càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc thực thi quản trị công ty tốt ở tất cả lĩnh vực.

Thứ năm, theo nguyên tắc quản trị công ty do OECD xây dựng, HĐQT đóng vai trò trung tâm là bảo đảm nhiệm vụ đề ra định hướng, chiến lược phát triển và giám sát bộ máy điều hành trong các hoạt động của công ty. HĐQT hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm gia tăng giá trị doanh nghiệp trên thị trường và lợi ích tối đa cho các cổ đông. Do đó, doanh nghiệp cần thực hiện công bố vai trò và trách nhiệm của HĐQT: HĐQT tham gia chỉ đạo, giám sát việc thực thi các chiến lược công ty; công bố chi tiết bộ quy tắc đạo đức; công bố số lần tham gia họp của mỗi thành viên HĐQT; vai trò và trách nhiệm của chủ tịch HĐQT. Nêu rõ tầm nhìn và sứ mệnh hoạt động của công ty trong các tài liệu báo cáo và trang thông tin điện tử; tách rời vai trò của chủ tịch HĐQT và giám đốc điều hành; công bố chi tiết thù lao thành viên HĐQT và tổng giám đốc; đáp ứng số thành viên HĐQT độc lập trên 50%.

Việc chấm điểm quản trị và công bố điểm rộng rãi sẽ tạo thêm động lực cho công ty niêm yết áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến vào doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động và tính bền vững của doanh nghiệp. Ngoài ra, điều này cũng giúp cho nhà đầu tư có thêm thông tin để ra quyết định đầu tư. Các doanh nghiệp có chất lượng quản trị tốt sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn và đồng vốn của nhà đầu tư cũng được quản lý an toàn hơn.

Một ví dụ điển hình là Vinamilk, doanh nghiệp đã xây dựng chất lượng quản trị tốt, đạt công ty có chất lượng quản trị tốt nhất Việt Nam theo chấm điểm của Diễn đàn Thị trường tài chính khu vực ASEAN (ACMF), đồng thời là doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, giá cổ phiếu duy trì xu hướng đi lên và được nhà đầu tư đánh giá cao. Nếu chất lượng quản trị tại nhiều doanh nghiệp khác cũng tốt như vậy, thì trong tương lai, Việt Nam sẽ có thêm nhiều công ty có quy mô lớn, phát triển bền vững và vươn ra quốc tế. 

Tin bài liên quan