Masan đang có trong tay nhiều thương hiệu giá trị trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống

Masan đang có trong tay nhiều thương hiệu giá trị trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống

Câu chuyện xây dựng thương hiệu mạnh của Masan

(ĐTCK) Xây dựng được thương hiệu mạnh, được người yêu dùng tin yêu là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Masan là một trong số ít doanh nghiệp nội địa có chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản và thành công tại Việt Nam.

Từ nỗ lực tạo dấu ấn khác biệt

Trước kia, trong ngành hàng tiêu dùng, việc xây dựng thương hiệu vốn là sở trường của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nước ngoài với cả trăm năm kinh nghiệm cùng tiềm lực tài chính mạnh.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp trong nước ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào xây dựng thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trong các ngành hàng tiêu dùng.

Masan, doanh nghiệp hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, cũng ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động marketing nhằm có thể cạnh tranh hiệu quả hơn với các thương hiệu từ nước ngoài.

Đổ tiền vào khuyến mãi chỉ giết chết thương hiệu, chứ không thể xây dựng thương hiệu

- Ông Trương Công Thắng, 
Chủ tịch Masan Consumer Holdings

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Masan đã xác định chiến lược tối quan trọng là phải xây dựng thương hiệu mạnh. Từ đầu những năm 2000, các mặt hàng gia vị đối với người dân Việt Nam chỉ là những nhu yếu phẩm thông thường và chưa có doanh nghiệp trong nước nào nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.

Nhận thấy thiếu sót đó, Masan đã tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gia vị và thực phẩm tiêu dùng hàng ngày. Các quảng cáo nước tương Chin-su đã phủ sóng các kênh truyền hình cả nước với mật độ cao, tạo ấn tượng mạnh với người xem bằng slogan “Thơm ngon đến giọt cuối cùng” trong mỗi spot quảng cáo.

Sự thành công trong việc xây dựng thương hiệu đã mang lại cho Masan thị phần dẫn đầu trong các sản phẩm gia vị và mì ăn liền. Tiếp nối những thành công từ lĩnh vực thực phẩm, Masan tiếp tục đầu tư xây dựng thương hiệu cho lĩnh vực đồ uống.

Masan hiện đang sở hữu một danh sách các thương hiệu có doanh thu trên 500 tỷ đồng: Trong ngành hàng gia vị có nước tương Chin-su, Tam Thái Tử và nước mắm Nam Ngư; trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi có mì Omachi, Kokomi và trong lĩnh vực đồ uống có Vinacafé, cà phê Wake-Up và nước tăng lực Wake-Up 247.

Đối với mỗi sản phẩm hàng hóa, mục đích cuối cùng vẫn phải là đáp ứng nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn của người tiêu dùng. Do đó, Masan luôn phải nhìn thị trường theo những góc nhìn mới, liên tục đổi mới sản phẩm, nắm bắt các cơ hội thích hợp nhằm chuyển đổi toàn bộ ngành hàng, thúc đẩy gia tăng năng suất nhằm tạo ra các sản phẩm với giá cả hợp lý.

Đóng góp vào thành công của Masan, ngoài yếu tố xây dựng thương hiệu thì các sản phẩm của Tập đoàn còn có chất lượng vượt trội so với đối thủ. Không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm đột phá là nền tảng để Masan xây dựng các thương hiệu thành công, tiêu biểu là mì Omachi Special với thịt thật 100% ra mắt vào đầu năm 2017, nhằm nhắm đến khách hàng phân khúc cao cấp.

Trong ngành hàng đồ uống, Masan đã giới thiệu đồ uống tăng lực có hương vị cà phê đầu tiên của Việt Nam là Wake-Up 247, vừa giúp tỉnh táo, vừa có vị cà phê độc đáo.

… Đến sở hữu hàng loạt thương hiệu giá trị

Tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2017 của Công ty cổ phần Masan Consumer Holdings (MCH), ông Trương Công Thắng, Chủ tịch MCH đã chia sẻ thẳng thắn về câu chuyện xây dựng thương hiệu: “Đổ tiền vào khuyến mãi chỉ giết chết thương hiệu, chứ không thể xây dựng thương hiệu”.

Việc lạm dụng khuyến mãi, theo ông Thắng, sẽ không giúp tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu và cũng không tạo được lòng trung thành của người tiêu dùng với sản phẩm.

Do đó, ông Thắng đề ra mục tiêu xây dựng 12 thương hiệu dẫn đầu lĩnh vực hàng tiêu dùng Việt Nam cho Masan vào năm 2020. Đối với người Masan, đây là một mục tiêu lớn lao nhưng hoàn toàn có cơ sở thực tiễn, vì xây dựng thương hiệu vốn là thế mạnh của Masan trong hơn 20 năm nay.

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm 2017, Masan Consumer sẽ giới thiệu 8 chiến dịch kinh doanh lớn ra thị trường, nhằm tái khẳng định sức mạnh các thương hiệu hiện tại, chỉnh trang lại một số thành tố liên quan đến cấu trúc của một số ngành hàng hiện tại, mở rộng thị trường và giới thiệu các sản phẩm mới đến người tiêu dùng. Số lượng nhân viên marketing tại Masan Consumer sẽ tăng gấp đôi, nhằm thúc đẩy các sáng kiến marketing đột phá, tạo sự khác biệt đối với người tiêu dùng

Đây là quyết tâm rất lớn của người chèo lái con tàu Masan Consumer trong “ngày trở lại”. Ông Thắng là người đã gắn bó với Masan Consumer trong những ngày đầu và là người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các thương hiệu đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như mì Omachi, Kokomi, nước tương Chin-su, Tam Thái Tử… bằng những chiến lược marketing bài bản được thực hiện từ những nghiên cứu hành vi mua sắm, thói quen sinh hoạt và chi tiêu của người tiêu dùng. Đó là lý do tại sao có đến 98% hộ gia đình Việt Nam đang sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan mỗi ngày.

Thông qua các hoạt động xây dựng thương hiệu bài bản và thiết thực, Masan đã chiếm được lòng tin của người chăn nuôi với sản phẩm cám Bio-zeem 

Mô hình xây dựng thương hiệu với mục tiêu “đặt người tiêu dùng vào trung tâm” cũng được Masan áp dụng đối với lĩnh vực nguồn dinh dưỡng từ thịt, cụ thể là cho các sản phẩm cám mang thương hiệu Bio-zeem.

Trước đây, tương tự như với ngành hàng gia vị hay mì ăn liền, thức ăn chăn nuôi vẫn là một thứ hàng hoá thông thường. Người chăn nuôi chủ yếu mua vì thói quen và giá, chứ chưa chú ý tới thương hiệu sản phẩm. Cũng như với ngành hàng tiêu dùng, Masan đã tạo nên sự khác biệt bằng cách xây dựng thương hiệu Bio-zeem, với kết quả rõ rệt trong việc cải thiện hiệu quả chăn nuôi.

Bio-zeem là enzyme độc quyền có trong các sản phẩm thức ăn chăn nuôi mang thương hiệu Proconco và ANCO của Masan Nutri-Science (MNS), công ty con của Masan về lĩnh vực nguồn dinh dưỡng từ thịt. Bio-zeem có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch của heo, tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn, không chứa kháng sinh và giúp tăng tỷ lệ heo con trên nái mỗi năm.

Khoảng một năm rưỡi sau khi ra mắt, Bio-zeem đến nay đã chiếm tỷ trọng gần 40% sản lượng thức ăn chăn nuôi của MNS. Cùng với các chiến dịch quảng cáo trên truyền hình với mật độ cao để đẩy mạnh nhận biết thương hiệu, sự tăng trưởng thị phần của MNS còn đến từ việc cung cấp các giải pháp hỗ trợ chăn nuôi toàn diện cho người nông dân bên cạnh việc bán thức ăn chăn nuôi.

Thông qua các hoạt động xây dựng thương hiệu bài bản và thiết thực, MNS đã chiếm được lòng tin của người chăn nuôi và có được lượng lớn khách hàng trung thành. Đây là thành công của chiến lược xây dựng thương hiệu thức ăn chăn nuôi theo mô hình tương tự ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Năm 2016, doanh thu hợp nhất của MNS là hơn 25.900 tỷ đồng, tương đương hơn 1,1 tỷ USD.

Mục tiêu của MNS là trở thành nhà sản xuất và cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt sạch, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc dễ dàng và có giá cả hợp lý dựa trên nền tảng 3F (Từ trang trại đến bàn ăn).

Masan đang có trong tay nhiều thương hiệu giá trị trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và nguồn dinh dưỡng từ thịt, được xây dựng bằng việc thấu hiểu và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam.

Có thể nói, Masan là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam sở hữu thương hiệu có sức cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu và cũng là một trong số ít những doanh nghiệp đã và đang là niềm tự hào Việt Nam, thông qua các sản phẩm thiết yếu góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam mỗi ngày.

Tin bài liên quan