Cạnh tranh khốc liệt trên trận chiến nhân tài 4.0

Cạnh tranh khốc liệt trên trận chiến nhân tài 4.0

(ĐTCK) Chuyên gia công nghệ "có đai, có đẳng" thu nhập mỗi năm hơn nửa tỷ đồng đã trở thành chuyện thường ngày với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong thời đại bùng nổ cách mạng 4.0, chuyện thu hút và giữ chân nhân tài đang ngày càng nóng bỏng.

Câu chuyện giữ chân nhân tài của FPT

Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc nhận được câu hỏi: Vingroup mới đây đã chuyển hướng trở thành tập đoàn công nghệ, lập Công ty VinTech chuyên nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), mở 2 viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech.

Với sức cạnh tranh từ một tập đoàn lớn như Vingroup, FPT làm thế nào để giữ chân được đội ngũ nhân sự của mình?

"Một tập đoàn kinh tế có tiềm lực, nếu họ có đam mê nhất định để đi vào ngành công nghệ là chuyện tốt, tốt cho quốc gia nói chung và tốt cho giới công nghệ nói riêng", ông Ngọc nói.

Còn giữ chân nhân sự không phải câu chuyện mới với FPT hiện nay. Ngay cả trước khi Vingroup tuyên bố lấn sân sang công nghệ, nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng hút nhân sự giỏi của FPT về làm việc.

"FPT đã nhận thức được và có đường đi để duy trì đội ngũ của mình. Giữ người bằng thu nhập chỉ là một phần, quan trọng hơn là giữ chân nhân tài bằng những bài toán, vấn đề hấp dẫn, những ứng dụng cụ thể, những cách gợi đam mê cho cán bộ công nghệ.

Chúng tôi còn có những diễn đàn chuyên sâu, có những cuộc thi tài năng, kiến thức, tạo môi trường làm việc thân thiện, thoải mái, có chất lượng, có chiều sâu trong lĩnh vực công nghệ cho nhân sự. Đấy là những cách FPT duy trì sự gắn kết của cán bộ nhân viên", ông Ngọc nhấn mạnh.

Là một chuyên gia công nghệ nhận được không ít lời đề nghị ngọt ngào, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ của FPT chia sẻ lý do “giữ chân” dân công nghệ:

“Đam mê đối với những người làm công nghệ là những bài toán đủ thách thức và đưa được vào ứng dụng. Những khoảnh khắc không bao giờ quên là khi sản phẩm của chúng tôi được đưa vào thực tiễn, đó là niềm vui, hạnh phúc khó đong đếm. Những gì chúng tôi mong muốn làm là đưa được những kiến thức của các chuyên gia vào thực tiễn. Đây là cách tốt nhất để giữ chân các nhân tài".

Với các lĩnh vực chuyển đổi số, lợi thế cạnh tranh hàng đầu của các doanh nghiệp là đội ngũ chuyên gia. FPT hiện có gần 1.500 chuyên gia sở hữu các chứng chỉ liên quan đến các nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, GE Predix, MindSphere, Skywise…, trong đó có 60 tiến sỹ làm về AI và Big Data, trong tương lai con số này sẽ được nâng lên nhiều hơn nữa.

Thậm chí, FPT còn có một chính sách "mới toanh" là, bất cứ học sinh chuyên Toán nào, muốn và có khả năng sẽ được FPT đầu tư cho học công nghệ đến ngày “hái quả”. 

Giữ người tài: Lương cao là chưa đủ

“Cơn khát” nhân lực công nghệ đang đẩy mặt bằng chi phí cho lĩnh vực này gia tăng chóng mặt.

Hiện phần lớn sinh viên năm thứ ba khoa công nghệ thông tin các trường đại học có danh tiếng như Bách Khoa đã có thể vừa học vừa làm, với ngày công trung bình 300.000 đồng/nửa buổi.

Còn mức lương trung bình dành cho các chuyên gia công nghệ có 3-5 năm kinh nghiệm, có năng lực tính bằng nghìn USD/tháng.

Ấy vậy nhưng dân công nghệ vẫn có xu hướng nhảy việc khá cao, đặc biệt yếu tố khiến các doanh nghiệp khá đau đầu trong việc giữ chân nhân sự là xu hướng chuộng khởi nghiệp.

Theo báo cáo về “Nhân lực công nghệ trước làn sóng công nghệ mới: Trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (Blockchain)" do Navigos Group thực hiện từ tháng 7/2018 dựa trên ý kiến của 1.100 ứng viên hiện đang làm việc trong ngành công nghệ thông tin, 82% ứng viên tham gia khảo sát có ý định khởi nghiệp và 50% sẽ cân nhắc dịch chuyển nếu có cơ hội.

Ba lĩnh vực được lựa chọn khởi nghiệp nhiều nhất là phát triển trí tuệ nhân tạo, sản phẩm liên quan đến tự động hóa và phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ chuỗi khối.

50% ứng viên tham gia khảo sát cho biết, nếu có đề nghị làm việc ở nước ngoài tại các công ty khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng các công nghệ mới như AI hay Blockchain thì họ sẽ quyết định dịch chuyển. Trong đó, 25% cho biết sẽ sang nước ngoài làm việc vài năm và trở về Việt Nam, có 22% sẽ cân nhắc giữa việc đi và ở.

Cơn khát nhân sự công nghệ 4.0 sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới khi ngày càng nhiều doanh nghiệp có kế hoạch ứng dụng AI hoặc Blockchain. Hiện tại, những công nghệ mới đang được doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất là điện toán đám mây, dữ liệu lớn và áp dụng chuyển đổi sang tự động hóa.

Lợi ích của AI sẽ thể hiện rõ nhất sự tác động tại Việt Nam trong tương lai 5-10 năm tới theo quan điểm của những người được khảo sát là: Ứng dụng AI vào kho dữ liệu nhằm phân tích số liệu và đưa ra giải pháp tốt hơn cho con người (39%);

AI tạo ra các cỗ máy thông minh giúp nền công nghiệp chuyển sang mô hình tự động hóa hoàn toàn (24%); AI tạo ra những robot thông minh, giúp con người giảm thiểu các công việc nguy hiểm trong tương lai. 

Đối với Blockchain, ngành tài chính - ngân hàng sẽ đi đầu trong việc ứng dụng nhằm thực hiện giao dịch chuyển tiền ở bất cứ đâu, an toàn, bảo mật, nhanh chóng; Blockchain tạo ra ứng dụng để kiểm chứng chất lượng và tính xác thực của hàng hóa;

Quy trình hợp đồng/thanh toán; ứng dụng Blockchain vào vận hành doanh nghiệp quy mô lớn hoặc hệ sinh thái công nghệ (Ecosystem) vào quy trình làm việc với các bên nhằm tăng độ xác thực và tin cậy.

Ông Gaku Echizenya, CEO của Navigos Group nhận xét, doanh nghiệp nước ngoài được đánh giá là ứng dụng rất nhạy bén những công nghệ mới.

Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tốc hơn trong cuộc chạy đua công nghệ. Bên cạnh đó, cần mở ra nhiều hơn các sân chơi dành cho cộng đồng công nghệ để trao đổi, học hỏi, thực hành những công nghệ mới.

Trước nguy cơ chảy máu chất xám trong lĩnh vực công nghệ, doanh nghiệp cần chú trọng chính sách giữ chân nhân tài, tạo điều kiện để phát triển sản phẩm tiên phong sáng tạo, mở ra cơ hội được tiếp xúc công nghệ mới cho đội ngũ nhân viên.

Khi thấy người tài thì đừng lờ đi

Kinh nghiệm đầu tiên của tôi là khi thấy người tài thì đừng lờ đi, phải ngay lập tức để mắt đến người ta, còn thu hút được người ta hay không là chuyện khác. Dứt khoát phải để mắt vào, phải thể hiện sự tôn trọng và cho người ta thấy rằng mình cần họ, nếu không sẽ thất bại.

Với những người muốn về với mình, chúng tôi xác định phải cung cấp cho họ một môi trường làm việc tốt, với đầy đủ trang thiết bị cho họ thỏa sức nghiên cứu, sáng tạo và vấn đề quan trọng thứ hai là đảm bảo cuộc sống cho họ để họ yên tâm nghiên cứu.

Xác định con người là quan trọng nên tôi sẵn sàng dành ra một khoản kinh phí lớn cho việc này. Tuy nhiên, đó không phải là khoản đầu tư trong một lúc, mà là một nguồn lực được bồi đắp và phân phối theo thời gian, không chỉ để trả lương, mà còn để khuyến khích, tài trợ nghiên cứu.

Cho đến bây giờ, bộ khung đội ngũ lãnh đạo của Đại học Thành Tây mới đạt được 70%. Bộ máy nghiên cứu tuy còn rất khiêm tốn, nhưng thành công bước đầu là trong thời gian 3 tháng, chúng tôi đã thu hút được một số nhà khoa học có uy tín, là hạt giống để nhân tiếp. Từ giờ đến cuối năm, đội ngũ này sẽ có thêm khoảng 30 nhà khoa học từ nước ngoài trở về.

Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa, cổ đông chi phối Trường Đại học Thành Tây

Tin bài liên quan