Giá cao su giảm 25%, lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm
Đối với các doanh nghiệp cao su thiên nhiên, việc giá cao su liên tục sụt giảm trong thời gian dài đã tác động trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận.
Theo đó, Công ty cổ phần (CTCP) Cao su Đồng Phú (DPR) cho biết, giá bán cao su trong tháng 7/2018 sụt giảm mạnh, chỉ còn 34,2 triệu đồng/tấn trong khi cùng kỳ năm 2017 là 44,9 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 25%.
Trong tháng 7/2018, DPR xuất khẩu gần 600.000 USD cao su, lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 3.713.325 USD, giảm 74,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Về doanh thu, Cao su Đồng Phú thu về hơn 83,4 tỷ đồng trong tháng 7/2018.
Tính chung 7 tháng, con số này đạt 441 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2017 đạt 399 tỷ đồng).
Tuy nhiên, để về đích kế hoạch doanh thu hơn 781 tỷ đồng như đã đề ra tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018, DPR sẽ phải tăng tốc hơn nữa trong 5 tháng cuối năm.
Theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên của DPR, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ là 165,7 tỷ đồng, tăng trưởng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 152 tỷ đồng.
Dù báo cáo mới nhất về kết quả kinh doanh 7 tháng của DPR chưa có con số về lợi nhuận thuần, nhưng lợi nhuận gộp sản xuất kinh doanh của Công ty ghi nhận sự sụt giảm mạnh.
Lũy kế 7 tháng, DPR đạt 205,6 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm 45,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, mảng kinh doanh cao su không đem lại lợi nhuận trong tháng 7.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, không chỉ tại Cao su Đồng Phú, việc suy giảm lợi nhuận là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
Chẳng hạn, Báo cáo tài chính soát xét bán niên hợp nhất năm 2018 của CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cho thấy, lợi nhuận sau thuế của TRC đạt 46,3 tỷ đồng, giảm 14,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức giảm 33,5%. Báo cáo của Công ty mẹ TRC trong cùng kỳ ghi nhận mức giảm 24,7% lợi nhuận.
Trên sàn, giá nhiều mã ngành cao su đều đang xác lập xu hướng giảm. Cổ đông đại chúng chỉ biết chờ đợi doanh nghiệp tìm ra giải pháp để kết quả quý tới khả quan hơn
Ông Lê Văn Chành, Tổng giám đốc Công ty Cao su Tây Ninh cho biết, nguyên nhân của việc lợi nhuận sụt giảm mạnh là do giá bán cao su bình quân 6 tháng năm 2018 giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể, nửa đầu năm 2018, giá bán trung bình đạt 36,39 triệu đồng/tấn, trong khi con số này năm 2017 lên tới 47,71 triệu đồng/tấn.
Còn tại CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), doanh thu bán hàng giảm hơn 118 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Dù lợi nhuận của Công ty vẫn tăng trưởng, nhưng là nhờ thu được khoản tiển lớn từ việc bán 620 ha diện tích trồng cao su, không phải bởi hoạt động kinh doanh tích cực.
Theo đó, Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2018 của Cao su Phước Hòa ghi nhận doanh thu thuần đạt 371,7 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2017. Do giá vốn cao nên lợi nhuận gộp của PHR chỉ còn 33,3 tỷ đồng, giảm 36,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp của Cao su Phước Hòa khá cao, đạt 23,7 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với chi phí bán hàng và chi phí tài chính (mỗi chi phí khoảng hơn 5 tỷ đồng).
Trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PHR đạt gần 16 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái (6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận thuần đạt 35,7 tỷ đồng).
Tuy kết quả kinh doanh sụt giảm, nhưng việc ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên tới 193 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của PHR 6 tháng đầu năm 2018 lên 167,9 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
PHR cho biết, thu nhập khủng này có được từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định từ vườn cây cao su đã hết tuổi khai thác với tổng diện tích 620 ha.
Ngoài ra, Công ty có khoản thu tiền bồi thường thực hiện Dự án Khu công nghiệp Tân Bình. Chính khoản tiền lớn này đã đem lại đà tăng trưởng cho Cao su Phước Hòa, dù Công ty đang kinh doanh không thuận lợi.
Doanh nghiệp chế biến cũng chịu nhiều áp lực
Nếu như các doanh nghiệp khai thác mủ cao su để bán chịu nhiều thiệt thòi khi giá cao su thế giới trong xu hướng đi xuống liên tục, thì theo logic, các doanh nghiệp chế biến cao su sẽ được hưởng lợi từ diễn biến này.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều doanh nghiệp chế biến như CTCP Cao su Đà Nẵng, CTCP Cao su Miền Nam, CTCP Cao su Sao Vàng… lại báo kết quả kinh doanh không nhiều điểm sáng, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2018 của CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 75 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu thuần giảm 6%, lùi về mức 1.661 tỷ đồng.
Lãnh đạo DRC cho biết, do doanh thu bán hàng giảm, trong khi chi phí tài chính, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng một số chi phí khác tăng nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 35,4 tỷ đồng.
Tại CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM), doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.777 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ do xuất khẩu tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, lãi ròng giảm mạnh đến 79%, chỉ đạt 9,9 tỷ đồng. CTCP Cao su Sao Vàng (SRC) cũng báo giảm lãi hơn 51%, chỉ đạt 12 tỷ đồng, dù doanh thu tăng nhẹ 2%, đạt 460 tỷ đồng.
Sở dĩ nhiều doanh nghiệp chế biến cao su đạt kết quả không khả quan vì chịu tác động kép. Cụ thể, giá cao su thế giới giảm nhưng giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá bán thành phẩm không thể tăng tương ứng.
Cùng với đó, sản phẩm chính của các doanh nghiệp như DRC, SRC, CSM… là săm lốp xe đang gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của các sản phẩm đến từ thị trường Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan. Đặc biệt, thị trường lốp ô tô có xuất xứ từ Trung Quốc với giá rẻ cũng đang gây áp lực lớn đối với sản phẩm nội địa.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân kéo lùi lợi nhuận là áp lực từ chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Chẳng hạn, tính đến ngày 30/6/2018, chi phí lãi vay tại SRC là 4,5 tỷ đồng, tại DRC là 22,7 tỷ đồng... Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tại SRC và DRC lần lượt đạt 34,2 tỷ đồng và 27,1 tỷ đồng.
Lý giải việc lợi nhuận nửa đầu năm 2018 giảm đến hơn 30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty Cao su Đà Nẵng cho biết, một phần nguyên nhân xuất phát từ chi phí tài chính và chi phí khác tăng.
Tại CTCP Cao su Sao Vàng, ông Mai Chiến Thắng, Tổng giám đốc cho biết, chi phí tài chính tăng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận quý II của SRC sụt giảm mạnh.
Cụ thể, chi phí tài chính (chi phí lãi vay ngân hàng) của SRC trong quý II/2018 đi lên khiến lợi nhuận giảm 0,5 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 2,6 tỷ đồng do tiền thuế đất tăng làm lợi nhuận giảm 3,4 tỷ đồng.
Việc cải thiện bức tranh kinh doanh trong bối cảnh hiện tại là bài toán đau đầu đối với các doanh nghiệp ngành cao su.
Công thức đi tìm lời giải cho câu chuyện này là nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tiết giảm chi phí tài chính, mở rộng thị trường…, nhưng việc lội ngược dòng trong bối cảnh giá cao su thế giới vẫn tiếp tục giảm sâu không phải dễ dàng.
Trên sàn, giá nhiều mã ngành cao su đều đang xác lập xu hướng giảm. Cổ đông đại chúng chỉ biết chờ đợi doanh nghiệp tìm ra giải pháp để kết quả quý tới khả quan hơn.