Việt Nam đã tận dụng tốt thế mạnh của mình để gia tăng sức cạnh tranh tại nhiều thị trường

Việt Nam đã tận dụng tốt thế mạnh của mình để gia tăng sức cạnh tranh tại nhiều thị trường

Bức tranh xuất khẩu nửa cuối năm có nhiều điểm sáng

(ĐTCK) Bộ Công thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong bối cảnh hoạt động này đang có nhiều tín hiệu tích cực.

Có thể lập kỳ tích

Nửa đầu năm 2017, tình hình xuất khẩu của Việt Nam diễn biến tích cực, với kim ngạch xuất khẩu toàn thị trường đạt 97,7 triệu USD, tăng 18,8% so với đầu năm.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 (tăng 5,9%). Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu đang có theo hướng leo dốc cả về số lượng và giá bán, đặc biệt là nhóm hàng nhiên liệu, nông sản, công nghiệp chế biến chế tạo và khoáng sản.

Cụ thể, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng trưởng 40,2% với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,29 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu các mặt hàng tăng cao, nhất là than đá có sự tăng trưởng đột phá cả về lượng và giá.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng ghi nhận sự tăng trưởng cao và ổn định, đem về 78,56 tỷ USD trong nửa đầu năm. Trong đó có sự đóng góp quan trọng của các ngành công nghiệp mũi nhọn có quy mô xuất khẩu lớn như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại; giầy dép; dệt may,…

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể cán mốc 200 tỷ USD vào cuối năm 2017, tăng trưởng 13%. Nếu đúng như kỳ vọng, xuất khẩu năm nay sẽ tạo nên kỳ tích khi vượt mức chỉ tiêu là 188 tỷ USD được đề ra từ đầu năm. Trong khi đó, năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam đã không hoàn thành mục tiêu, không cán đích tăng trưởng 10% như kế hoạch được giao.

Tận dụng thế mạnh

Để đạt được kết quả tích cực trong nửa đầu năm, Việt Nam đã tận dụng tốt thế mạnh của mình để gia tăng sức cạnh tranh tại nhiều thị trường. Điển hình là câu chuyện về xuất khẩu gỗ. Cụ thể, đồ gỗ Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá, khiến các đơn hàng gỗ của Mỹ dần chuyển dịch sang các nước khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong nước đã nắm bắt tốt cơ hội, khi kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 3,66 tỷ USD, tăng trưởng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Bộ Công Thương nhận định, ngành gỗ Việt Nam sẽ còn nhiều cơ hội tại thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới, nhất là phân khúc đồ gỗ nội thất.

Bên cạnh đó, mặt hàng xơ sợi cũng là điểm sáng của bức tranh xuất khẩu, khi doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tốt kết quả đàm phán các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam - Hàn Quốc.

Cụ thể, xơ sợi xuất khẩu tăng mạnh ở 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc, đạt kim ngạch 1,67 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp Việt có lợi thế hơn hẳn doanh nghiệp các nước Ấn Độ, Pakistan ở mặt hàng này nhờ ưu đãi thuế. Sợi xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được hưởng thuế suất 0%, trong khi 2 đối thủ trực tiếp là Ấn Độ và Pakistan chịu mức 3 - 5%.

Nhóm hàng nông sản của Việt Nam cũng đã thâm nhập các thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc... Có được thành công này là nhờ sự thay đổi trong công tác phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt từ kết quả đàm phán của các đoàn ngoại giao cấp cao của Việt Nam.

Hiện tại, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản được kỳ vọng sẽ đóng góp cao vào tăng trưởng chung của toàn ngành cuối năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm, nhóm này đạt kim ngạch xuất khẩu 12,1 tỷ USD, trong đó nổi bật là sự tăng trưởng cao của nhóm rau quả (tăng 43,5%) và thủy sản (tăng 16,7%).

Một trong những nguyên nhân giúp bức tranh xuất khẩu mang màu sắc tươi sáng là sự đổi mới của công tác xúc tiến, mở rộng thị trường. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Công tác xúc tiến thương mại đổi mới theo hướng không chỉ dựa vào nguồn kinh phí của Nhà nước, mà còn đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức xúc tiến thương mại bên ngoài cùng tham gia”.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm 2017, ông Trần Thanh Hải cho rằng, cùng với việc tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại và phòng vệ thương mại. Đồng thời tập trung bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và có các giải pháp điều hành phù hợp với tình hình thị trường.

“Trong xu thế bảo hộ hiện nay, nhiều quốc gia đang gia tăng các hàng rào kỹ thuật đối với tất cả các sản phẩm của Việt Nam. Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước vượt qua những hàng rào kỹ thuật, đáp ứng được các tiêu chuẩn, đóng vai trò quan trọng giúp việc xuất khẩu hàng hóa có thể tăng trưởng”, ông Trần Thanh Hải nhận định.            

Tin bài liên quan