Bóng hồng đam mê xây cảng

Bóng hồng đam mê xây cảng

Xuất phát từ đồ án tốt nghiệp đại học, cùng với niềm đam mê công việc, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai (DNP) đã truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên công ty và cùng họ đồng tâm, hiệp lực để sau 25 năm, một khu vực đồng không, mông quạnh đã trở thành cảng bốc dỡ chính của tỉnh Đồng Nai.

“Mình không bao giờ phải gò mình để nói những gì không thật, nhưng nhiều khi nói thật quá, nó lại không đi vào nội dung chính của câu chuyện”, câu nói vui của bà Mai dường như xua tan đi cảm giác xa lạ với người đối diện trong cuộc trò chuyện tại phòng làm việc của DNP.

1 Bà Mai cho biết, DNP đang quản lý, khai thác các cảng chính của địa phương. Vị trí của các cảng đều khá thuận lợi cho khai thác, chẳng hạn Cảng Long Bình Tân có thể đón tàu trọng tải 5.000 DTW; Cảng Gò Dầu có thể đón tàu từ 10.000 đến 15.000 DTW. Các cảng do DNP sở hữu nằm trong hệ thống cảng biển Việt Nam và đều có lợi thế lớn, khi ở vị trí rất thuận lợi cho việc cung cấp chuỗi dịch vụ logistics cho các DN nằm ở các KCN lớn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như KCN Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Loteco, Amata…

Ba năm gần đây, DNP đã thực sự lột xác, phát triển ngoạn mục nhờ sự trở lại của “thuyền trưởng” Nguyễn Thị Bạch Mai. Trước hết, nhờ vào sự chuyển hướng chiến lược khi DNP quyết định đầu tư chuyển đổi công năng Cảng Long Bình Tân (chuyển từ làm hàng tổng hợp sang làm hàng container). Bên cạnh đó, bà Mai đã cùng cộng sự quyết tâm tháo gỡ được nút thắt lớn nhất, khi khai thông tuyến đường kết nối Cảng Long Bình Tân với trục Quốc lộ 1A tại nút giao Cầu Đồng Nai. Nhờ đó, bộ mặt của cảng dần thay da đổi thịt.

Năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, DNP đạt mức doanh thu 205 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 47,2 tỷ đồng; mức cổ tức dự kiến khoảng 20%. Với cảng mới làm hàng container, thì đây là kết quả đáng ghi nhận.

“Trong vòng 10 năm tới, chúng tôi phải phát huy và khai thác tối đa nguồn tài nguyên đang nắm giữ và mở rộng thêm các dịch vụ để kết nối được sâu hơn với chuỗi giá trị logistics quốc tế”, bà Mai nói. Theo kế hoạch, DNP sẽ mở rộng các mối liên kết, liên doanh để các điểm đến trên bản đồ hàng hải khu vực đều có tên tuổi Cảng Đồng Nai, với mục tiêu đến năm 2020, cảng đạt công suất 20 triệu tấn/năm. “Nhiều người cho rằng, mục tiêu này là quá viển vông, bởi vì hiện tại, quy đổi cả container lẫn hàng tổng hợp sản lượng của chúng tôi mới chỉ đạt 5 triệu tấn/năm. Chỉ trong vòng 6 năm nữa, mà nâng công suất lên 20 triệu tấn/năm, tức là gấp 4 lần thì liệu có khả thi? Vấn đề ở chỗ chúng tôi đã tìm ra những người quyết tâm, có động lực để làm được điều đó”, bà Mai tự tin nói.

2 Bà Mai được biết đến là người đầu tiên theo đuổi xây dựng Cảng Đồng Nai. Niềm đam mê xây dựng cảng biển ở một tỉnh có số lượng KCN thuộc hạng nhiều nhất cả nước này được hun đúc trong tâm trí bà Mai là từ một đồ án tốt nghiệp. Bà Mai từng là sinh viên trong lớp đầu tiên học về xây dựng cảng của Đại học Bách khoa TP.HCM, ngay khi trường này tách khoa công trình thủy và bổ sung khoa công trình cảng (năm 1983). Trong thời gian đi thực tập chuẩn bị tốt nghiệp, khi về thăm gia đình ở Đồng Nai, bà đã nhận được thông tin, tỉnh đang đưa Cảng Đồng Nai vào lập dự án, chờ phê duyệt.

“Sau đó, khi làm đồ án tốt nghiệp, mình lấy cảng Đồng Nai để thực hiện, với tâm niệm, ít nhiều có đóng góp cho quê hương. Lúc đấy, Cảng Đồng Nai vẫn là một nơi đồng không, mông quạnh. Khi ra trường, mình về công tác tại Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai, thì đồ án Cảng Đồng Nai vẫn nằm trong tủ, với lý do là không có nguồn đầu tư”, bà Mai kể lại.    

Thế rồi, đến năm 1989, thì chuyện lập cảng được đưa ra xem xét lại. Lúc đó, bà Mai được Sở GTVT tỉnh phân công cùng một đồng nghiệp khác đi tìm hiểu xem việc xây dựng cảng có khả thi như trong đồ án hay không. Khi đi tìm hiểu thực tế, bà nhận thấy có một số người cũng rất quan tâm đến dự án, thế rồi bà tập hợp, làm hồ sơ xin phép thành lập Xí nghiệp Cảng Đồng Nai (chính thức ra đời vào ngày 6/6/1989).

“Lúc đấy chỉ có 4 người đi làm chuyện này. Mọi người bàn nhau thành lập công ty liên doanh với một đối tác, nhưng không thành công. Thế là lại quay trở lại phương án trông vào vốn nhà nước, nhưng nguồn vốn này khi đó cũng không có. Khi đó, tất cả mọi kinh phí đều phụ thuộc vào Trung ương, chúng tôi được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (sau này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ứng cho được 500 triệu đồng để đầu tư cảng”, bà Mai cho biết.

Có 500 triệu đồng, cộng với năm sau cho thêm mấy trăm triệu đồng nữa, nhưng với chừng ấy tiền, thì không thể làm được gì nhiều. Bà Mai cùng 3 người khác trong nhóm loay hoay tìm đủ mọi cách; Sở GTVT cũng hỗ trợ, nhưng không tìm ra được hướng để đầu tư. “Lúc đó mình lại lo lắng có thể lại phải đem đề án về… cất trong tủ một lần nữa”, bà Mai nhớ lại.

May mắn thay, khi đó Công ty VT-Gas muốn thuê mặt bằng của cảng để kinh doanh, song UBND Đồng Nai cũng chưa dám quyết định cho thuê. Trước tình hình đó, bà Mai đã chủ động ra Hà Nội xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và nhận được sự chấp thuận. Khi cho thuê, bà yêu cầu đối tác ứng trước tiền thuê 10 năm và dùng tiền đó để xây cầu cảng, làm văn phòng. Trước mắt, khai thác cầu cảng để có cơ hội phát triển. Cũng từ đây, bà Mai đã gắn với “nghiệp” làm cảng.

3 Bà Mai kể lại, tháng 4/1997, khi muốn xây dựng thêm cảng biển ở khu vực Gò Dầu, thì lại vấp phải khó khăn về kinh phí. Tại thời điểm đó, có nhà đầu tư muốn bỏ kinh phí để bà và các cộng sự đầu tư cảng này, với điều kiện trong vòng 1 năm phải có mặt bằng để hoạt động. Tuy nhiên, theo tính toán của bà, từ việc làm thủ tục, triển khai thi công đến khi hoàn thiện dự án ít nhất phải mất… 3 năm. 

Tuy nhiên, bà không chấp nhận bỏ cuộc, nên sau khi cân nhắc, bàn bạc với các thành viên chủ chốt trong Công ty, bà đánh liều ký hợp đồng. Thế rồi, để có thể đáp ứng được tiến độ, bà lại một mình đi ra Hà Nội, gặp lãnh đạo Bộ GTVT để trình bày, xin được duyệt dự án ngay lập tức, thay vì phải chờ đợi một thời gian dài như thông thường. Lúc đó, bà xác định trước là “liều mạng”, quyết ngồi lỳ chờ để được ký duyệt dự án.

“Hồi đó, một lãnh đạo của Bộ GTVT đã đuổi mình ra, với lý do chỉ hỏi thông tin dự án từ nhân viên, chứ không trực tiếp hỏi tôi. Song tôi đánh bài cùn, cứ ngồi lỳ ở đấy. Đến hôm sau, họ ký và nói, nguyên văn thế này: thôi ký cho cái con tay không bắt giặc này, chứ không đến khi mất cơ hội nó lại đổ lỗi cho mình”, bà Mai nhớ lại.

Thời điểm bà Mai xin duyệt Dự án Cảng Gò Dầu là tháng 4/1997, thì đến tháng 9/1997, vị lãnh đạo Bộ ký duyệt dự án đã trực tiếp vào kiểm tra dự án thực hư ra sao và khi thấy tiến độ triển khai khá trơn tru, vị lãnh đạo này đã không khỏi ngạc nhiên và hết sức phấn khởi.

Đối với bà Mai, bí quyết thành công là, khi cấp trên đã giao bất cứ việc gì thì phải cố gắng loại bỏ ý nghĩ “được chăng hay chớ” nhằm đi đến tận cùng khả năng của mình để giải quyết.

Ngày 6/6/2014, DNP sẽ kỷ niệm 25 năm thành lập và trong khoảng thời gian 1/4 thế kỷ đó, bà Mai đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, dù ở cương vị nào cũng đều gắn với Cảng Đồng Nai.

Với những nỗ lực không mệt mỏi của người thuyền trưởng Nguyễn Thị Bạch Mai, mới đây, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc thỏa thuận thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng các cảng Long Bình Tân và Gò Dầu giai đoạn 2 của Bộ GTVT. Đây là dự án nằm trong chiến lược dài hạn, để DNP khẳng định tên tuổi trên bản đồ hàng hải Việt Nam.

Tin bài liên quan