Siêu thị FujiMart, nơi sẽ cho người tiêu dùng trải nghiệm thú vị khi được nhìn, chạm tay và thậm chí nếm thử đồ.

Siêu thị FujiMart, nơi sẽ cho người tiêu dùng trải nghiệm thú vị khi được nhìn, chạm tay và thậm chí nếm thử đồ.

Bộ tứ bán lẻ Nhật Bản tạo “cơn lốc” ở Việt Nam

Aeon, Takashimaya, 7-Eleven và FujiMart sẽ cùng tạo ra thói quen tiêu dùng trải nghiệm, thay vì chỉ đến siêu thị mua nhiều và săn giá rẻ như thời Big C, Metro Cash & Carry đã tạo ra cách đây 10 năm.

Sumitomo với làn gió Fuji Mart

Người Việt “cuồng” đi siêu thị là điều ai cũng thấy rõ. Các siêu thị mọc lên như nấm sau mưa, kéo theo thói quen mua hàng của người Việt dần thay đổi. Thay vì mua từng sản phẩm siêu rẻ từ các chợ truyền thống hay cửa hàng tạp hóa, nhiều người tiêu dùng tìm đến siêu thị để có thể mua nhiều sản phẩm cần thiết cùng lúc.

Khảo sát với gần 400 người tiêu dùng trên cả nước, độ tuổi từ 18-39 của Công ty nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me công bố mới đây cho thấy, có tới 37% người đi siêu thị 1-2 lần/tuần, nhưng cũng có tới 28% người chỉ đi siêu thị 1-2 lần/tháng. Các sản phẩm hay mua nhiều nhất là thực phẩm và đồ tiêu dùng nhanh. Khi mua thực phẩm họ thường quan tâm nhất tới chất lượng sản phẩm, sau đó mới tới giá cả và các thông tin khác về sản phẩm. 

Đó là điểm mấu chốt để Tập đoàn Sumitomo gần 100 tuổi trong lĩnh vực thương mại đầu tư và 50 tuổi trong lĩnh vực bán lẻ của Nhật nối gót các đồng hương chen chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam. 

Theo ông Keisuke Hitotsumatsu, Tổng giám đốc FujiMart Việt Nam, không chỉ vô địch về độ phong phú của hàng hóa theo mùa, FujiMart còn gây ấn tượng với khách hàng khi bộ quy tắc hoạt động của họ được tuân thủ chính xác đến từng ly trong việc lựa chọn hàng hóa, bày biện, bảo quản và phục vụ…

Với việc mua lại 23 siêu thị Fivimart từ Công ty cổ phần Nhất Nam, Vingroup sẽ sở hữu hệ thống bán lẻ với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Mục tiêu của hệ thống tới năm 2020 sẽ đạt tới 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+.    

“Dù cuộc sống có biến đổi ra sao, phần lớn người tiêu dùng vẫn thích mua sắm với những trải nghiệm thích thú khi được nhìn thấy và chạm tay, thậm chí nếm thử đồ, hòa mình vào không khí náo nhiệt ở các điểm mua sắm…”, ông Keisuke Hitotsumatsu nói. 

Trước đó, Sumitomo còn cho rằng, với gần 95 triệu dân, thị trường tiêu dùng Việt Nam sẽ mở rộng nhanh chóng. Thị trường bán lẻ truyền thống Việt Nam vẫn tập trung vào doanh số của các cửa hàng nhỏ độc lập, nhưng các thị trường bán lẻ hiện đại như siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã chiếm được thị phần tại các khu vực thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Khi tầng lớp trung lưu phát triển và độ nhận thức về an toàn thực phẩm, kiểm soát nguồn gốc sẽ làm nở miếng bánh bán lẻ hiện đại. 

BRG Group với lợi thế nắm trong tay chuỗi Hapro không phải là cái tên duy nhất mà Sumitomo nhắm đến trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam. Tháng 6/2017, thông qua quỹ đầu tư ACA Investments, Sumitomo đã giữ 20% cổ phần của chuỗi siêu thị bán lẻ mẹ và bé Bibo Mart. Ông Hiroyuki Ono, Giám đốc quỹ ACA Investments cùng với bà chủ Bibo Mart lên kế hoạch sẽ nâng chuỗi này lên 500 cửa hàng, đạt doanh thu ít nhất 300 triệu USD vào năm 2019 và giá trị doanh nghiệp 500 triệu USD. 

Ngoài Bibo Mart, quỹ ACA Investments còn đầu tư vào Tập đoàn Công nghệ Việt Thành, Tập đoàn Sơn Kim Land, nhommua.com… 

Mới đây, Sumitomo chi khoảng 41,1 triệu USD mua 22% cổ phần của chuỗi cửa hàng Simple Mart đứng thứ hai tại Đài Loan từ Tập đoàn Auchan (Pháp). Khoản đầu tư này sẽ giúp Simple Mart tăng từ hơn 600 cửa hàng lên 1.200 cửa hàng vào năm 2023. 

Trước đó, Sumitomo cũng bắt tay với Saha Group của “bố già” Boonsithi Chokwatana - tập đoàn hàng tiêu dùng lớn nhất Thái Lan, thành lập công ty TV home shopping mang tên Shop Global. 

Sau thương vụ này, Saha Group và Sumitomo đã cùng nhau tiến quân vào thị trường bất động sản Việt Nam. Dự án đầu tư thành phố thông minh 4 tỷ USD tại Đông Anh (Hà Nội) cùng với BRG là minh chứng.

Saha Group và Sumitomo muốn gia tăng vị thế cạnh tranh trong khu vực châu Á khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thiết lập vào cuối năm 2015 và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực tháng 1/2019.

Dè chừng với phong cách Nhật

Thị trường bán lẻ Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều tên tuổi đến từ Nhật Bản với các hình thức đầu tư, hợp tác khác nhau như Aeon, Takashimaya, 7-Eleven... và bây giờ là Sumitomo với FujiMart.

Đầu tiên là Aeon. Mới đây, nhà bán lẻ này phải từ bỏ chuỗi siêu thị Fivimart về tay nhà bán lẻ Việt Nam là Vingroup và cũng “chia tay” với Trung Nguyên khi hai bên hợp tác mở chuỗi cửa hàng tiện ích Ministop qua hình thức nhượng quyền thương hiệu. Tuy nhiên, ở mảng trung tâm thương mại, Aeon Mall đã có lãi chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, trong khi nhiều đối thủ đang chịu lỗ lớn.

Cùng với sự mở rộng của hệ thống trung tâm mua sắm, kết quả kinh doanh của Aeon Việt Nam cũng được cải thiện dần qua từng năm.

Trong năm 2016, doanh thu Aeon Việt Nam đã tăng lên 3.883 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2014. Không những vậy, Aeon Việt Nam cũng không còn lỗ như năm đầu vận hành chuỗi Aeon Mall, mà đã ghi nhận 54 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Sang năm 2017, hoạt động kinh doanh của Aeon Việt Nam tiếp tục ghi nhận những con số tích cực với doanh thu 5.136 tỷ đồng, tăng 32%; lợi nhuận trước thuế 234 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm trước đó.

Hiện tại, ngoài 4 trung tâm Aeon Mall đã đi vào hoạt động, Aeon sẽ tiếp tục có 2 trung tâm tại Hải Phòng và Hà Đông. Theo kế hoạch, Aeon sẽ mở 20 đại siêu thị Aeon Mall tại Việt Nam đến năm 2025.

Trong khi đó, 2 năm trước, nhà bán lẻ Takashimaya quyết định tiến vào Việt Nam với nhiều kỳ vọng vào thị trường tiềm năng ở Đông Nam Á, với trung tâm thương mại đầu tiên ở TP.HCM có số vốn hơn 25 triệu USD. 

Tuy nhiên, giá cả của trung tâm thương mại này được cho là quá đắt đối với người tiêu dùng. Công ty đang có kế hoạch tăng doanh số bán hàng bằng cách mở rộng các dịch vụ hàng ngày cho gia đình mà họ hy vọng sẽ đem lại lợi nhuận cho trung tâm vào năm 2022.

Ông Shigeru Kimoto, Chủ tịch của Takashimaya khẳng định, bán lẻ vẫn là một ngành kinh doanh tiềm năng, tập đoàn vẫn tiếp tục mở rộng tại Đông Nam Á, mặc dù gặp nhiều thách thức. 

“Kẻ đến sau” 7-Eleven vào Việt Nam gần 2 năm, nhưng vẫn chưa mở Hà Nội, mà chủ yếu "đánh chiếm" thị trường TP.HCM. Tại TP.HCM, 7-Eleven tập trung ở các quận đông dân văn phòng như quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh. Đặc biệt, 7-Eleven không mở rộng theo hình thức nhượng quyền thứ cấp, mà sẽ tự mở, tự vận hành.

7-Eleven đặt mục tiêu mở 100 cửa hàng trong 3 năm và 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới. Ông Vũ Thanh Tú, Giám đốc Công ty Seven System Vietnam (đối tác nhận nhượng quyền chuỗi 7-Eleven) thừa nhận, khó để tìm được địa điểm ưng ý. 7-Eleven muốn tìm địa điểm đủ rộng, đủ đông dân, có nơi để đồ ăn và không gian cho thực khách để khách hàng được thoải mái nhất. 

Nhìn sự hiện diện trên, có thể thấy, miếng bánh bán lẻ Việt Nam có tới 4 ông lớn Nhật Bản cạnh tranh nhau. Mỗi nhà bán lẻ mang một màu sắc, nhưng tựu trung lại, người Nhật nắm bắt thói quen tiêu dùng ở các thị trường rất nhanh. 

Ở Nhật Bản, các nhà bán lẻ đã đánh bại chuỗi Seiyu của Walmart vì chuỗi này đã không thể nắm bắt được thói quen tiêu dùng của người Nhật. Người tiêu dùng Nhật Bản thích lựa chọn những loại thực phẩm tươi ngon có xuất xứ từ địa phương - thứ mà Seiyu đã không thể cung cấp.

Hơn nữa, phương châm kinh doanh “giá luôn rẻ” của Walmart thực sự đã phản tác dụng trong trường hợp này. Nó hiệu quả ở Mỹ, nhưng với người Nhật, họ thích săn các mặt hàng được giảm giá (sale off) nhiều hơn.

Thói quen tiêu dùng này giống với phần lớn người tiêu dùng Việt Nam. Không thích ăn đồ đông lạnh và luôn kéo nhau đến các siêu thị, trung tâm thương mại vào đợt giảm giá.

“Giá cả là một yếu tố quan trọng với người Đông Nam Á, họ thích cảm giác săn được các sản phẩm giảm giá hời. Các siêu thị tại đây sẽ phát tờ rơi cùng phiếu giảm giá mỗi ngày và người dân thậm chí có thói quen đi mua sắm ở nhiều địa điểm khác nhau để tận dụng các đợt giảm giá này”, chuyên gia tại Nielsen Việt Nam cho biết. 

Nhưng đây không phải là lý do duy nhất. Các khu chợ và cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam có một độ phủ hết sức khủng khiếp và thứ họ mang lại cũng không khác gì so với các trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích lớn.

Đây là câu chuyện chung của nhiều thương hiệu quốc tế khi đặt chân vào mảnh đất hình chữ S. Đặc biệt, khi các nhà bán lẻ trong nước đang dần lớn mạnh và nhanh tay đẩy thương hiệu bán lẻ  nước ngoài ra khỏi cuộc chơi.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một vài thương hiệu “sống sót”, nếu họ nắm bắt được thói quen tiêu dùng của người Việt. Trong đó, sự khác biệt lớn nhất nằm ở yếu tố trải nghiệm, mà điều này thì 4 tên tuổi bán lẻ Nhật có thừa kinh nghiệm, trong khi các chuỗi bán lẻ phương Tây lại mang đến một chuỗi siêu thị chẳng khác gì các siêu thị bình thường, hay chợ truyền thống nhan nhản tại Việt Nam từ lâu rồi.

Tin bài liên quan