Bộ Công thương chuyển giao gần 2.700 tỷ đồng vốn nhà nước tại Vinatex về SCIC

(ĐTCK) Sáng nay 23/11, Bộ Công Thương và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) về SCIC.
Bộ Công thương chuyển giao gần 2.700 tỷ đồng vốn nhà nước tại Vinatex về SCIC

Theo biên bản chuyển giao được ký kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại Vinatex chuyển giao về SCIC là 2.674.381 triệu đồng, chiếm 53,49% vốn điều lệ của Vinatex. Vinatex đã hoàn thành cổ phần hóa và hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ ngày 29/01/2015.

Phát biểu tại buổi lễ chuyển giao, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết Tập đoàn Dệt may Việt Nam tiền thân là Tổng công ty Dệt may Việt Nam, là nền tảng của lĩnh vực dệt may Việt Nam. Hiện Vinatex có 15 công ty con và 19 công ty liên kết. 

Liên quan công tác chuyển giao Vinatex về SCIC, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh các công việc liên quan giữa Bộ Công Thương và SCIC đã được làm rõ trên tinh thần đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành.

"Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng SCIC và đề nghị SCIC tích cực hỗ trợ để doanh nghiệp ngày càng phát triển, qua đó gia tăng giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp", ông Hưng khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Hưng, việc chuyển giao vốn nhà nước tại Vinatex có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm của Bộ Công Thương, SCIC và doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tái cấu trúc doanh nghiệp.

Tiếp theo việc chuyển giao Vinatex, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý tồn tại, hoàn thiện hồ sơ tại 5 doanh nghiệp còn lại do Bộ quản lý để chuyển giao vốn nhà nước về SCIC theo quy định.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), sau 12 năm kể từ khi thành lập SCIC vào năm 2006, đến nay đã có 55 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương với số vốn gần 1.000 tỷ đồng chuyển giao về SCIC, trong đó có nhiều doanh nghiệp sau khi chuyển giao đã tạo ra giá trị thực lớn hơn. 

Ông Chi khẳng định cam kết sau khi tiếp nhận doanh nghiệp, SCIC sẽ phối hợp với Bộ Công thương thực hiện tốt công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước cũng như nâng cao giá trị doanh nghiệp.

“Với kinh nghiệm quản lý, quản trị phần vốn sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Vinatex sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả hơn", ông Chi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Chi cho biết thêm: "Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công thương tiếp tục rà soát các doanh nghiệp của Bộ Công thương còn đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước nếu nằm trong danh mục theo quyết định của Chính phủ thì tiếp tục đẩy nhanh việc chuyển giao".

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc các Bộ/UBND tỉnh chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp tại 6 Bộ và 16 địa phương với tổng số vốn nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao).

Trong số đó có 7 doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương cần chuyển giao (Năm 2017 đã chuyển giao 01 doanh nghiệp, năm 2018 chuyển giao Vinatex). Tính từ khi thành lập năm 2006, SCIC đã tiếp nhận 55 DN từ Bộ Công Thương và Bộ Thương Mại (chưa sát nhập với Bộ Công nghiệp).

Tin bài liên quan