Bkav mạnh miệng tuyên bố sẽ “hạ bệ” Viber

Bkav tuyên bố sứ mệnh của ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí Btalk là thay thế Viber tại Việt Nam và tiến ra toàn cầu.
Bkav mạnh miệng tuyên bố sẽ “hạ bệ” Viber

Tham vọng của Bkav

Tại buổi họp báo công bố ra mắt dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí Btalk, ông Nguyễn Tử Hoàng, Phó Chủ tịch phụ trách phần mềm Bkav tuyên bố, sứ mệnh của Btalk là thay thế Viber tại Việt Nam và tiến ra toàn cầu.

Lý do của tuyên bố này, theo ông Hoàng, là bởi Bkav đã nghiên cứu rất kỹ các dịch vụ OTT tại Việt Nam và nhận thấy rằng có nhiều bất cập.

Theo ông Hoàng, OTT là một tiến bộ công nghệ đang có hàng trăm triệu người dùng, nhưng đến giờ vẫn chỉ được coi là một phần mềm phụ bởi còn bất tiện. Đặc biệt là chất lượng cuộc gọi của các ứng dụng OTT hiện có trên thị trường còn kém, đây là điểm yếu nhất của các ứng dụng OTT. Nếu khảo sát thì 99% người dùng sẽ cho biết cuộc gọi có hiện tượng chập chờn, tiếng gọi trễ, méo... khiến cuộc trao đổi câu được câu chăng, rất khó chịu. Nhiều lần khó chịu như vậy sẽ khiến người dùng bỏ qua OTT. Trong khi đó, Bkav có tham vọng  biến Btalk trở thành phần mềm chính thống, chủ đạo trong điện thoại mà người dùng sẽ sử dụng hàng ngày “như cơm ăn, nước uống”.

So sánh với dịch vụ OTT của Viber, ông Hoàng cho biết,  Bkav đã thử nghiệm gọi từ các khu vực khác nhau thuộc 5 châu trên thế giới. Tại những điểm mà các ứng dụng khác như Viber, Hanguot… bị trễ, méo tiếng, không gọi được thì dùng Btalk vẫn cho chất lượng tốt.

Cũng để báo giới hiểu về các ưu việt, ông Lâm Hồng Quang, Giám đốc sản phẩm Btalk đã chạy demo các tính năng thông minh của Btalk và so sánh với Viber. “Trong khi Viber mất 6 ký tự mới tìm được User cần gọi thì Btalk chỉ 2-3 ký tự là tìm được”, ông Quang nói và khẳng định Btalk “thông minh hơn” một số ứng dụng OTT trên thị trường, trong đó có Viber.

Chiêu PR?

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về nguyên nhân tại sao Bkav lại so sánh Btalk với Viber (Nhật Bản) mà không phải là Zalo của Công ty VNG (Việt Nam), ông Nguyễn Tử Hoàng cho biết, sản phẩm của Viber tương đồng với Btalk, còn Zalo phát triển theo hướng khác. “Viber là đối thủ trực tiếp của Btalk”, ông Hoàng khẳng định.

Với dịch vụ mà Btalk công bố là “chất lượng cuộc gọi tuyệt vời”, có cách ‘lách’ kể cả khi nhà mạng chặn OTT, có thể thấy rằng Btalk sẽ lôi kéo người dùng qua ưu điểm nhắn tin, gọi điện miễn phí.

Dịch vụ OTT của Viber tương tự cũng chỉ tập trung vào tin nhắn, gọi điện miễn phí và gần đây mới bắt đầu có doanh thu nhờ việc bán các sticker (hình ảnh vui nhộn để người dùng gửi cho nhau) và dịch vụ gọi từ Viber ra máy để bàn có tính phí (tương tự  Skype).

Với kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ đồng và dành vài năm để phát triển sản phẩm Btalk, Bkav cho hay, sẵn sàng hợp tác với các nhà mạng Việt Nam như Viettel, MobiFone, VinaPhone “nếu nhận được lời đề nghị hợp tác”.

Tuyên bố trên và các động thái của Bkav khiến giới công nghệ bất ngờ bởi hiện Viber đang là nhà cung cấp dịch vụ OTT hàng đầu Việt Nam, với khoảng 12 triệu người dùng. Viber mới đây đã được Rakuten mua lại với giá 900 triệu USD và đang có khoảng 300 triệu người sử dụng.

Còn Bkav được biết đến nhiều trên tư cách là một công ty bảo mật. Ngoài ra, OTT được xem là cuộc chơi của những kẻ “lắm tiền nhiều của”. Để có được 10 triệu người dùng hiện nay, Zalo đã chi bộn tiền suốt 2 năm qua. Line (Nhật Bản) cũng phải chi ra cỡ 200 triệu USD mỗi năm để tăng cường sự có mặt trên khắp thế giới. Các nhà OTT khác cũng phải chi từ hàng chục triệu USD đến hàng trăm triệu USD để quảng bá, kéo người dùng.

Bản thân Viber, đối thủ của Btalk cũng đang liên tục lỗ (năm 2013 lỗ 29,5 triệu USD, 2012 lỗ 14,7 triệu USD - Viber được thành lập vào tháng 3/2012 tại Cyprus). Hiện nay tài sản ròng của nó là âm (-) 74,6 triệu USD.

Bởi vậy theo các nhà chuyên môn, việc Btalk tuyên chiến với Viber nặng tính quảng cáo cho sản phẩm hơn.

Tin bài liên quan