Bán lẻ dược phẩm: Tiềm năng, nhưng không dễ sớm “hái quả”

Bán lẻ dược phẩm: Tiềm năng, nhưng không dễ sớm “hái quả”

(ĐTCK) Công ty Nghiên cứu thị trường IMS Health dự báo, tiêu thụ thuốc tại Việt Nam sẽ tăng lên 10 tỷ USD vào năm 2020. Trong khi hiện tại, quy mô thị trường dược phẩm ước đạt khoảng 5,3 tỷ USD và mới có 1,6 tỷ USD dành cho các nhà bán lẻ. Tiềm năng là vậy, nhưng doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm chưa thể sớm có lãi từ lĩnh vực này.

FRT: Chuỗi nhà thuốc Long Châu dự kiến có lãi từ 2021

Gia nhập thị trường bán lẻ dược phẩm vào đầu năm 2018, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail - FRT) đã mở được 50 nhà thuốc Long Châu tính đến hết quý III/2019.

Chuỗi nhà thuốc này hiện có mặt tại 10 tỉnh, thành phố phía Nam và phục vụ khoảng 25.000 lượt khách mỗi ngày, doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 đạt 496 tỷ đồng, tăng 90,4% so với cùng kỳ 2018. FRT hiện đã hoàn tất việc ký thêm hợp đồng nhà với 20 địa điểm để hiện thực hóa kế hoạch mở 70 nhà thuốc Long Châu trong năm nay.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FRT cho biết: “Trong quá trình hoạt động, FRT sẽ tiếp tục thăm dò thị trường để nắm bắt thói quen của người tiêu dùng, học hỏi mô hình, cách thức hoạt động của các chuỗi nhà thuốc thành công trên thế giới, đồng thời tận dụng kinh nghiệm từ việc xây dựng và quản lý chuỗi FPT Shop, cũng như ứng dụng công nghệ vào việc phát triển chuỗi nhà thuốc Long Châu… để đưa ra chiến lược dài hạn phù hợp cho chuỗi nhà thuốc này”.

Theo đại diện FRT, năm 2020, Công ty đặt tham vọng sẽ mở được 270 nhà thuốc và đạt doanh thu khoảng 1.900 tỷ đồng. Tuy vậy, FRT cũng dự kiến đến năm 2021 mới có lãi từ mảng kinh doanh dược phẩm và chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 5 năm tới.

MWG đang gánh lỗ từ chuỗi nhà thuốc An Khang

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cho biết, đến thời điểm hiện tại, chuỗi nhà thuốc An Khang tại TP.HCM đã đạt con số 20 và phục vụ 4.000 khách hàng mỗi ngày.

MWG mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc Khang (sau này đổi tên thành An Khang) vào đầu năm 2018 với 7 nhà thuốc ban đầu. Như vậy, sau gần 2 năm, MWG mới mở thêm 13 nhà thuốc, rất khiêm tốn so với tốc độ mở mới của 2 mảng chính yếu là chuỗi Thế giới di động và Bách hóa xanh.

Trước đó, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hồ Viết Đông, Giám đốc phụ trách chuỗi nhà thuốc An Khang thông tin, Công ty chưa nóng vội trong việc đầu tư mạnh cho mảng bán lẻ dược phẩm, nhưng đây sẽ là mảng hoạt động tăng trưởng trong dài hạn.

Hiện tại, MWG đang ghi nhận lỗ đối với chuỗi nhà thuốc An Khang. Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét quý III/2019 của MWG cho thấy chuỗi nhà thuốc này tiếp tục lỗ 1,56 tỷ đồng, sau khi đã lỗ 2,1 tỷ đồng trong năm 2018, nâng lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm lên 3,66 tỷ đồng.

MWG đã đầu tư hơn 62 tỷ đồng vào An Khang và tính đến 30/9/2019, giá trị đầu tư còn lại là 58,3 tỷ đồng do lỗ lũy kế cấn trừ.

Cạnh tranh ngày một lớn

Trên thị trường bán lẻ dược phẩm hiện nay, Pharmacity đang có số lượng nhà thuốc nhiều nhất với hơn 200 nhà thuốc, tiếp đến là Gurdian với hơn 90 nhà thuốc, Medicare 84 nhà thuốc, Phano 59 nhà thuốc…

Gần đây, Tập đoàn Matsumoto Kiyoshi Holding (Nhật Bản) đã ký kết với Lotus Food Group lập công ty liên doanh phát triển và điều hành chuỗi cửa hàng dược, mỹ phẩm mang thương hiệu Matsumoto Kiyoshi tại Việt Nam.

Thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam được đánh giá nhiều tiềm năng nhờ có cơ cấu dân số trẻ, đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao, người dân quan tâm nhiều hơn đến chăm sóc sức khỏe.

Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường IMS Health, tiêu thụ thuốc tại Việt Nam sẽ tăng lên 10 tỷ USD vào năm 2020. Trong khi hiện tại, quy mô thị trường dược phẩm ước đạt khoảng 5,3 tỷ USD và mới có 1,6 tỷ USD dành cho các nhà bán lẻ.

Tiềm năng lớn cũng thường đi kèm với cạnh tranh cao. Thống kê cũng cho thấy, thị trường bán lẻ thuốc Việt Nam hiện có trên 57.000 cửa hàng thuốc lớn nhỏ và con số này vẫn không ngừng gia tăng. 

Tin bài liên quan