AEC và chiến lược “ghi dấu ấn tại chỗ” của bán lẻ Việt

AEC và chiến lược “ghi dấu ấn tại chỗ” của bán lẻ Việt

Trong bức tranh 50 năm của ASEAN, Việt Nam đang nổi lên là một ngôi sao sáng, với nhiều dư địa màu mỡ để các tên tuổi bán lẻ trong khối nhắm tới. Các nhà bán lẻ nội địa cũng không muốn chậm chân.

Trật tự bị phá vỡ

Trước năm 2015, thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam khá yên ắng với những đợt sóng ngầm. Người chơi chủ yếu đến từ châu Âu với những tên tuổi như Big C (Groupe Casino – Pháp), Metro Cash & Carry (Đức) và châu Á như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc).

Cục diện thay đổi khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm 2015, với quy mô thị trường hơn 600 triệu dân, hàng rào thuế quan gần như được san phẳng.

Việt Nam trở thành mục tiêu đầu tiên để các doanh nghiệp thuộc nhóm nước top trên trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore tràn vào. Trong đó, nổi lên là Thái Lan.

Chỉ trong vòng một năm, 3 thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ đã được các tỷ phú Thái Lan chốt hạ. Đó là Central Group chi hơn 100 triệu USD thâu tóm nhà bán lẻ số một trên thị trường điện máy là Nguyễn Kim trong năm 2015 và chi 1,05 tỷ USD để thâu tóm toàn bộ 33 siêu thị, trung tâm thương mại của chuỗi Big C Việt Nam trong năm 2016. Gần đây nhất, Tập đoàn đã chi thêm 10 triệu USD mua lại mảng kinh doanh tại Thái Lan và Việt Nam của Zalora (thuộc Global Fashion Group của Tập đoàn Rocket Internet).

Các hoạt động kinh doanh bán lẻ của Central Group tại Việt Nam trải rộng tại 100 cửa hàng với các mô hình khác nhau, gồm 4 trung tâm thương mại Robins, 27 cửa hàng thể thao SuperSports, 30 cửa hàng thời trang Crocs và New Balance, 1 khách sạn; 21 trung tâm bán lẻ điện máy Nguyễn Kim, 1 kênh thương mại điện tử, 13 siêu thị Lan Chi.

ASEAN đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua. 

Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,36 tỷ USD năm 2016. 

ASEAN là thị trường lớn thứ ba và cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam.

(Nguồn: Bộ Công thương)

Trong khi đó, thương vụ M&A lớn thứ hai diễn ra vào tháng 1/2016, Tập đoàn TCC thuộc sở hữu của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan là ông Charoen Sirivadhanabhakdi cũng đã chốt thương vụ mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro Cash & Carry tại Việt Nam, gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu euro (848 triệu USD). Ước tính, Metro Cash & Carry chiếm khoảng 22% thị phần bán lẻ của Việt Nam.

Trước khi mua lại Metro Cash & Carry, từ giữa năm 2013, BJC - một công ty con của TCC - đã bước chân vào  địa hạt bán lẻ Việt Nam bằng việc đầu tư vào hệ thống Family Mart sau khi đối tác Nhật Bản rút khỏi liên doanh với Tập đoàn Phú Thái. Family Mart đã được đổi tên thành B's Mart và có khoảng 95 cửa hàng trên toàn quốc. BJC đang có kế hoạch chi thêm 1 tỷ baht (31,2 triệu USD) mở thêm 205 cửa hàng B's Mart vào năm 2018.

Không khó lý giải việc các tỷ phú Thái Lan quyết liệt tham gia “đấu trường” bán lẻ Việt Nam. Giới chuyên môn phân tích, ngành bán lẻ nội địa Thái Lan đã trưởng thành, có lợi thế hơn các nhà bán lẻ trong khu vực. Tuy nhiên, dư địa thị trường trong nước đã tới hạn, thúc đẩy nhu cầu hướng ra thị trường nước ngoài của các nhà bán lẻ Thái Lan.

AEC hình thành, các thị trường mới nổi như Việt Nam trở thành tâm điểm để các ông chủ Thái Lan thỏa mãn khao khát vươn ra nước ngoài bù đắp thiếu hụt từ thị trường nội địa.

Việc họ chọn cách thức thâm nhập thị trưởng Việt Nam thông qua M&A hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam cũng chứng tỏ các bước đi đã được tính toán kỹ càng, thận trọng, hạn chế tối đa bất lợi do khác biệt về văn hóa kinh doanh, hiểu biết thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

Riêng trong ngành bán lẻ, với việc mua lại thành công thương hiệu bán lẻ thứ hai và thứ ba tại Việt Nam, là Big C và Metro, thì hiện người Thái đã đặt chân ở tất cả mô hình bán lẻ đang có tại Việt Nam, từ cash and carry, hypermarket, supermarket, minimart, convenience store (cửa hàng tiện lợi) tới bán lẻ truyền thống…

Đặt niềm tin vào Việt Nam

Trong 3 năm gần đây, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cùng cộng sự đã đi đến một số nước ASEAN để kêu gọi đầu tư vào Việt Nam.

Theo ông Hải, 5 năm tới, xu hướng doanh nghiệp ASEAN đầu tư vào Việt Nam sẽ diễn ra rất mạnh.

“Thị trường Việt Nam có lợi thế lớn về ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, chi phí nhân công thấp so với nhiều nước, cơ chế ưu đãi của Chính phủ trong thu hút đầu tư…”, ông Hải chia sẻ cách nhìn của giới đầu tư ASEAN với thị trường Việt Nam.

Đương nhiên, đây cũng chính là lợi thế “không thể bỏ lỡ” mà các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nhìn thấy khi phân tích cơ hội từ AEC.

Gần 2 năm trước, Hệ thống siêu thị Pico hé lộ kế hoạch khai thác địa hạt bán lẻ khu vực Đông Dương (Lào, Campuchia và Myanmar). Pico ưu tiên tìm hiểu Myanmar, vì cho đây là thị trường tiềm năng, cơ hội phát triển tốt. Họ đã lập đoàn khảo sát thị trường, môi trường đầu tư tại Myanmar. Tuy nhiên, một số rào cản như môi trường chính trị, chính sách mở cửa chưa rõ ràng khiến kế hoạch này đến giờ vẫn chưa triển khai thêm. Pico vẫn tiếp tục kế hoạch này với một đối tác, nhưng sẽ không vội vàng.

“Thị trường trong nước vẫn là địa bàn chiến lược của Pico. Trong kế hoạch phát triển, chúng tôi ưu tiên đẩy mạnh và mở rộng thị trường trong nước trước, tạo đà cho việc phát triển bền vững tại các thị trường khác nếu có”, ông Trịnh Đức Tuấn, Phó tổng giám đốc Hệ thống siêu thị Pico khẳng định.

Giống Pico, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cũng lên kế hoạch vươn ra thị trường ASEAN và chọn khu vực Đông Dương để khởi động. Thế nhưng, MWG cũng chỉ mới mở được 1 cửa hàng bán điện thoại ở Campuchia. Trong năm nay, MWG định mở thêm vài shop, nhưng vẫn là thử nghiệm.

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG cho biết: “Chúng tôi nhắm đến khu vực Đông Dương vì có đất để diễn, chứ không đến thị trường đã phát triển mạnh hơn Việt Nam, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore.

Thị trường Lào, Myanmar vẫn chưa thực sự mở cửa, nên Campuchia đang là bước đi đầu tiên. Nhưng, môi trường kinh doanh ở Campuachia chưa thực sự minh bạch, thuận lợi nên các kế hoạch  kinh doanh vẫn  là thử nghiệm cho tới khi môi trường kinh doanh tốt hơn”.

Pico và MWG là 2 nhà bán lẻ điện tử - điện máy của Việt Nam sớm có kế hoạch vươn ra địa hạt bán lẻ Đông Dương, nhưng chưa bước qua giai đoạn thử nghiệm, nghiên cứu. Giờ đây, 2 tên tuổi này lại tập trung vào thị trường trong nước và đều đang có những kế hoạch riêng của mình. Ý thức củng cố vị thế trước các đối thủ mạnh đến từ ASEAN thể hiện rất rõ.

Theo ông Trịnh Đức Tuấn, các đối tác trong lĩnh vực điện máy nước ngoài đang rất quan tâm tới Việt Nam. Thị trường điện máy ở một số nước phát triển đã bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa, trong khi thị trường Việt Nam đang vào giai đoạn phát triển tốt và dự kiến sẽ duy trì trong một thời gian nữa. Đặc biệt, tỷ lệ kiểm soát và thị phần của các chuỗi bán lẻ đang ngày càng lấn lướt các cửa hàng điện máy truyền thống.

Từ năm 2016, thương hiệu này mới bắt đầu kế hoạch phát triển mở rộng ra các tỉnh thành phía Bắc sau nhiều năm trụ ở Hà Nội. Đến nay, đã có 20 siêu thị Pico đang hoạt động, trong đó 9 siêu thị tại Hà Nội và 11 siêu thị tại các tỉnh, thành phố khác. Pico tiếp tục đeo đuổi kế hoạch phủ sóng tại khu vực miền Bắc, đồng thời chuẩn bị bước đà cho việc thâm nhập khu vực thị trường miền Trung, miền Nam.

Còn với Thế Giới Di Động, sự xuất hiện rầm rộ của các tên tuổi bán lẻ đình đám ASEAN không khiến nhà bán lẻ này ngán ngại. Ông Doanh tính toán, trong các nhóm sản phẩm phân phối, bán lẻ thì bán lẻ điện tử đang là chỗ của doanh nghiệp Việt. Ngay cả khi Nguyễn Kim có Central Group (Thái Lan), nhưng cũng không thực sự tác động nhiều đến thị phần của doanh nghiệp khác.

Trong nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhân tố nước ngoài khá mạnh, song các đối trọng “nội địa” rất lớn đã nổi lên như Co.opmart, Vingroup.

Tính đến cuối tháng 6/2017, MWG đã có 1.527 siêu thị. Trong đó, chuỗi Thegioididong.com có 1.013 siêu thị, chuỗi Điện Máy Xanh có 404 siêu thị và 110 siêu thị Bách Hoá Xanh. Có vị thế hoành tráng, nhưng MWG vẫn đeo đuổi chiến lược M&A, tìm kiếm doanh nghiệp bán lẻ điện máy ngoài Bắc để nắm chắc thị phần nơi đây.

Vào thời điểm này, chuỗi bán lẻ Trần Anh đang được cho là đích ngắm để mua 100% của MWG. Ông Doanh không phủ nhận về kế hoạch này và tiết lộ, thương vụ M&A này gần như đã xong, chỉ còn một vài điều khoản cuối cùng cần thông qua. Trần Anh đang có 39 siêu thị, trong đó Hà Nội có 9 siêu thị. 

“Chúng tôi không ngán cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Chúng tôi muốn giữ vững thị trường, vị thế của mình và cách tốt nhất vẫn là tập trung phục vụ hơn 93 triệu dân Việt Nam”, ông Doanh khẳng định.

Việc xác định chỗ đứng của các doanh nghiệp Việt ngay tại địa hạt bán lẻ Việt Nam là vô cùng cần thiết vào lúc này. Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện tại không chỉ là sân nhà của các doanh nghiệp nội địa, nên nếu không có chiến lược chiếm lĩnh thị trường một cách bài bản, quyết liệt, doanh nghiệp Việt có thể sẽ.... cô đơn chính giữa người tiêu dùng Việt, ngay tại nhà mình…

Tin bài liên quan