80% tự tin lợi nhuận năm nay sẽ tăng hơn năm ngoái
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, đa số các doanh được khảo sát tỏ ra lạc quan với kết quả hoạt động trong năm nay.
Cụ thể, 90% doanh nghiệp được hỏi nhận định, doanh thu sẽ tăng lên so với năm ngoái, 80% phản hồi lợi nhuận tăng lên và 8,6% cho biết lợi nhuận ổn định, không thay đổi.
Các doanh nghiệp hiện nay đang đẩy mạnh đầu tư, đặt trọng tâm chiến lược vào xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thời đại.
Theo đó, “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” nằm trong Top 3 chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp nhằm tăng trưởng lợi nhuận trong 12 tháng tới. Trong đó, mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp là tăng năng suất lao động của nhân viên, gián tiếp tăng doanh thu của doanh nghiệp.
Cụ thể, gần 65% doanh nghiệp cho biết, đã phân bổ nguồn lực cho nhân sự và đây cũng là kênh đem lại hiệu quả cao trong thời gian qua.
Bên cạnh những thuận lợi và xu hướng phát triển tốt trong 3 quý đầu năm 2018, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức tiềm ẩn.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (2 thị trường lớn, chi phối giá cả của nhiều nguyên nhiên liệu, sản phẩm trong nước) leo thang, cùng việc thuế nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu của Việt Nam vào Mỹ tăng cao, đang làm dấy lên những lo ngại của doanh nghiệp trước sức ép cạnh tranh.
Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp ái ngại nhất là biến động tỷ giá và gánh nặng về thuế.
Theo đó, 51,4% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, biến động tỷ giá hối đoái là khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay, kế đến là thuế với 42,9% lựa chọn của doanh nghiệp.
Trước những biến động của nền kinh tế, điểm đáng ghi nhận phần lớn các doanh nghiệp đánh giá hết sức tích cực hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, điều chỉnh tỷ giá và tiếp cận thông tin, văn bản luật pháp.
Theo đó, có 97,1% doanh nghiệp được hỏi nhận định từ tốt đến rất tốt về việc duy trì ổn định kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam 9 tháng vừa qua. Ba vấn đề chưa nhận được sự hài lòng của nhiều doanh nghiệp là hiệu quả của dịch vụ hành chính, cơ sở hạ tầng và tiếp cận đất đai.
Công nghệ vẫn là ngành tiếp tục thu hút đầu tưĐánh giá về những ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp được khảo sát cho biết, công nghệ vẫn là ngành top đầu trong kỳ vọng của các doanh nghiệp (51,4% phản hồi), kế đến là ngành xây dựng, bất động sản (40%) và bán lẻ (34,3%).
Trong bảng xếp hạng Profit500, đứng đầu Top 10 ngành có lợi nhuận trước thuế bình quân lớn nhất là ngành viễn thông, tin học, công nghệ. Với số lượng doanh nghiệp chỉ chiếm 3,6%, đây vẫn luôn là ngành tiềm năng khi các chỉ số lợi nhuận tăng trưởng ổn định.
Theo Vietnam Report, hiện nay, trong khi thế giới đang tiến đến kỷ nguyên công nghiệp 4.0, thì trình độ áp dụng công nghệ trong doanh nghiệp Việt nói riêng và trong nhiều ngành của Việt Nam nói chung mới đang ở giai đoạn đầu do thiếu hụt nguồn vốn, thông tin, kỹ năng, cơ sở hạ tầng, nhân lực…
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu lớn, nhưng chưa có đủ tiềm lực và định hướng chiến lược trong quá trình đầu tư này.
Trong giai đoạn 2018-2019, khoảng 57% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, đang đẩy mạnh quá trình đầu tư cho công nghệ, 37,1% doanh nghiệp hiện đang đầu tư từ từ, thay đổi từng bước và 8,6% vẫn trong quá trình chuẩn bị.
Mục tiêu lớn nhất doanh nghiệp mong đợi khi đưa cách mạng công nghiệp 4.0 vào quy trình sản xuất kinh doanh là để tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa hiệu suất làm việc (chiếm 80%) và tăng cường thị phần (77,1%).