6 tháng, 200 doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đến tìm hiểu Bình Dương

6 tháng, 200 doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đến tìm hiểu Bình Dương

(ĐTCK) Thời gian gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc liên tiếp có những dự án mới trong lĩnh vực dệt may tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Cùng với đó, nhiều dự án đang hoạt động cũng tăng vốn, mở rộng sản xuất.

Đây là những động thái đón đầu Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhiều khả năng sẽ được ký vào cuối năm nay.

Thông tin từ Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều dự án trong lĩnh vực dệt may của các nhà đầu tư Trung Quốc được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới. Chẳng hạn, Công ty TNHH Worldon Việt Nam (thuộc Tập đoàn Shen Zhou) đã đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp, với mức vốn đăng ký lên đến140 triệu USD tại KCN Đông Nam; hoặc một dự án khác, có mức đầu tư “khiêm tốn” hơn, chỉ với 50 triệu USD của Công ty TNHH Sheico Việt Nam. Dự án này cũng được đặt tại KCN Đông Nam và cũng có mục tiêu sản xuất dệt vải cao cấp.

Với quy mô nhỏ hơn là dự án của Công ty TNHH Minglu Việt Nam (KCN Nam Tân Uyên), có số vốn đăng ký là 6 triệu USD. Dự án này thuê nhà xưởng có diện tích hơn 4.000 m2, mục tiêu hoạt động là sản xuất và gia công vải không dệt công suất 3.000 tấn/năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 200 nhà đầu tư Trung Quốc trong lĩnh vực dệt may đến tìm hiểu môi trường đầu tư ở địa phương này. Trong khi đó, chỉ tính riêng trong buổi trao Giấy chứng nhận đầu tư đợt 2, được tổ chức tháng 6/2014, đã có 11 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc được tỉnh Bình Dương cấp phép đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 44 triệu USD… Trong số này có nhiều dự án trong lĩnh vực dệt may.

Mới nhất là cuối tháng 6 vừa qua, gần 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, dệt sợi của tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Bình Dương. Sau khi tìm hiểu môi trường đầu tư và chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư, những vấn đề liên quan về thuế, lao động, đất đai của tỉnh Bình Dương, ông ZhanYuan, Chủ tịch Công ty Dệt may Hoằng Âu – Tuyền Châu, đại diện cho các doanh nghiệp tỉnh Phúc Kiến cho rằng, Bình Dương có các khu công nghiệp tốt, cơ sở hạ tầng thuận lợi. Đó sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp của Phúc Kiến đưa ra kế hoạch đầu tư cụ thể tại Bình Dương.

“Các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều khi mà TPP được ký kết, nên việc họ dồn dập đến tìm hiểu môi trường đầu tư, triển khai các dự án là điều dễ hiểu”, bà Trang nói và cho rằng, điều đáng quan tâm là, họ sẽ sử dụng công nghệ thế nào, sản phẩm là gì và có ảnh hưởng tới môi trường như thế nào.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư của Hepza cho biết, khi được cấp phép, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ phải cam kết sẽ sử dụng các máy móc, thiết bị mới và làm ra các sản phẩm cao cấp cho các thương hiệu uy tín, như Nike, Adidas, Puma, Uniqlo... 

Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Đồng Nai cũng cho biết thêm, hiện đang có nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dệt may đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại địa phương. Tuy nhiên, bà Thu cũng cho biết thêm về chính sách thu hút đầu tư của địa phương này là, ngoài các điều kiện nghiêm ngặt về tiêu chuẩn về môi trường, thì với các dự án dệt may không sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại sẽ được giới thiệu đầu tư về các khu vực còn nhiều lao động, điều kiện kinh tế còn khó khăn, xa trung tâm…               

Tin bài liên quan