6 nhóm kiến nghị để doanh nghiệp tư nhân lớn lên

6 nhóm kiến nghị để doanh nghiệp tư nhân lớn lên

Tại VBF giữa kỳ 2015, hai tiếng nói từ khu vực doanh nghiệp trong nước là ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội đã đề nghị Chính phủ có chương trình hành động tổng thể thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Các đề nghị này có thể tóm tắt gồm 6 mục.

Một là, xây dựng và thực hiện “Chương trình quốc gia khởi nghiệp” để định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Chương trình này sẽ trợ giúp thành lập các doanh nghiệp mới sáng tạo và doanh nghiệp hỗ trợ hoạt động trong các ngành và lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.

Hai là, tiếp tục đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành doanh nghiệp.

Cần có những chương trình cho vay vốn hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng cường phương thức thuê mua tài chính.

Ba là, tăng cường hệ thống thông tin về công nghệ và thị trường, kết nối hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và hiệp hội doanh nghiệp. 400 hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động trong phạm vi cả nước với mạng lưới hội viên rộng khắp, nếu được hỗ trợ nâng cao năng lực, sẽ là một trợ thủ đắc lực cho Chính phủ trong việc triển khai các hoạt động trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu quả.

Bốn là, nhà nước không chỉ cần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn phải bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp. Sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm đang phát đi một tín hiệu về yêu cầu tăng cường cải cách tư pháp song hành với nỗ lực cải cách hành chính để nâng cao năng lực của các cơ quan xét xử và đảm bảo thi hành án, nâng cao niềm tin và sự dấn thân của doanh nghiệp vào sự nghiệp kinh doanh trong thời gian tới. Điều này rất cần khi yêu cầu khởi nghiệp, sáng tạo, chấp nhận mạo hiểm… đang là một xu hướng chủ đạo để tạo nên sức bật mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Năm là, Chính phủ đang đàm phán cấp tập nhiều FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới đặc biệt quan trọng như TPP, EVFTA nhưng đến nay, không nhiều doanh nghiệp biết về các FTA này, càng ít hơn nữa những doanh nghiệp có sự chuẩn bị cho các FTA. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét thiết lập một cơ chế để cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các đầu mối của cộng đồng doanh nghiệp.

Sáu là, đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm ban hành các: Luật cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Luật Hỗ trợ DNNVV,  Nghị định về Công nghiệp Hỗ trợ, Nghị định về Hiệp hội doanh nghiệp… để tăng cường cơ sở pháp lý, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

Đặc biệt, ông Lộc có đề nghị riêng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về việc hợp tác với các cơ quan Chính phủ Việt Nam, với VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. "Trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam  có thể trở thành đối tác, nhà cung cấp tham gia vào chuỗi giá trị của các bạn nếu được hỗ trợ tích cực", ông Lộc gửi lời tới các đồng nghiệp từ nước ngoài tham gia VBF giữa kỳ 2015.

Ông Trần Anh Vương thì nhấn mạnh vào khoảng thời gian không nhiều trước thời điểm các cam kết hội nhập có hiệu lực. "Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn hầu như chưa được chuẩn bị hành trang cho cuộc hội nhập này, họ vẫn thụ động điều chỉnh mình nhiều hơn là chủ động hội nhập, lo lắng cho những công cụ bảo vệ thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu", ông Vương nói và mong muốn Chính phủ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.

"Hãy tạo những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nhóm này phát triển và trở thành điểm tựa bền vững cho phát triển kinh tế của đất nước", ông Vương gửi tới VBF giữa kỳ các ý kiến từ các hội viên là các doanh nhân trẻ.

Tin bài liên quan