6 bí mật xấu xí hé lộ từ loạt email bị rò rỉ của Facebook

6 bí mật xấu xí hé lộ từ loạt email bị rò rỉ của Facebook

Kìm hãm đối thủ, nhân nhượng đối tác, coi thường lợi ích người dùng, lấy dữ liệu không xin phép là những việc Facebook âm thầm làm nhiều năm qua.

Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Anh đã quyết định công bố các dữ liệu nội bộ bị rò rỉ từ Facebook ngày 5/12. Chúng được thu thập bởi Six4Three, một nhà phát triển từng bị Facebook chặn vì làm ứng dụng ảnh bikini.

Theo Business Insider, số dữ liệu này gồm hàng trăm trang tài liệu và email từ năm 2012 đến 2015, mô tả chi tiết cách Facebook cho phép các ứng dụng của bên thứ ba truy cập dữ liệu bạn bè của người dùng thông qua nền tảng mạng xã hội.

Ngoài ra, chúng cũng hé lộ các thông tin về cách các lãnh đạo cấp cao của Facebook thảo luận chiến lược kinh doanh hay biện pháp đối phó với đối thủ cạnh tranh.

Lập danh sách 'đối thủ chiến lược' để hạn chế truy cập dữ liệu

Một bản ghi nhớ không ghi ngày đã đề cập tới danh sách về các đối thủ "chiến lược" được giám sát bởi chính Mark Zuckerberg.

CEO Facebook hoặc một nhân sự cao cấp sẽ xem xét, quyết định và đích thân ký để cấp quyền hay giới hạn đối thủ trong việc truy cập vào dữ liệu người dùng.

Phản hồi về tài liệu của Six4Three, Facebook nói quyết định trên được đưa ra từ cách đây nhiều năm khi công ty đang xây dựng nền tảng. Lúc đó, các lãnh đạo cho rằng nên hạn chế các ứng dụng khác phát triển trên nền tảng của mình, để nhân rộng chức năng cốt lõi của hệ thống.

Zuckerberg duyệt quyết định ngắt dữ liệu kết nối Facebook của Vine

Vine là mạng xã hội chia sẻ video với thời lượng 6 giây của Twitter từ năm 2012 (sau đó bị khai tử năm 2017). 

Trong một email ngày 24/1/2013, đúng ngày Vine ra mắt trên iOS, Phó chủ tịch Justin Osofsky của Facebook đã đề xuất tắt quyền truy cập dữ liệu của ứng dụng mới: "Twitter giới thiệu Vine hôm nay, cho phép người dùng quay nhiều video ngắn để tạo một video 6 giây. Người sử dụng Vine có thể tìm bạn bè thông qua Facebook.

Trừ khi có ai phản đối, chúng tôi sẽ ngừng truy cập địa chỉ API bạn bè của họ hôm nay".

Mark Zuckerberg trả lời: "Được, cứ thực hiện đi".

Facebook cố lấy dữ liệu cuộc gọi của người dùng mà không xin phép

Khao khát thu thập dữ liệu, vào tháng 2/2015, nhóm phát triển của công ty muốn phát hành bản cập nhật cho ứng dụng trên Android.

Nó khai thác nhật ký cuộc gọi và SMS trên thiết bị của người dùng nhằm phục vụ tính năng "Những người bạn có thể biết" (People You May Know). 

Dữ liệu sau đó được tải lên máy chủ, giúp Facebook đưa ra gợi ý tốt hơn, chẳng hạn đề xuất kết bạn mới cho người dùng Android dựa trên những người mà họ vừa gọi hoặc nhắn tin.

Tuy nhiên, chính sách bảo mật của Android yêu cầu người dùng phải cấp quyền mới có thể thu thập dữ liệu này. Một số giám đốc của Facebook cũng lo ngại người dùng sẽ phản ứng dữ dội. 

Sau đó, Yul Kwon, người đứng đầu chương trình bảo mật của Facebook, chia sẻ trong email rằng họ đã tìm ra cách qua mặt Google và người dùng.

Nhóm phát triển nhận thấy nếu bản cập nhật ứng dụng chỉ đọc nhật ký cuộc gọi mà không lấy các loại dữ liệu khác của người dùng Android, thì cửa sổ yêu cầu cấp phép sẽ không hiển thị.

"Dựa trên thử nghiệm ban đầu, có vẻ điều này sẽ cho phép chúng tôi nâng cấp quyền của người dùng mà không cần chờ họ nhấp vào hộp thoại cấp quyền trên Android", ông Kwon viết.

Một số ứng dụng được ưu tiên truy cập nhiều dữ liệu người dùng hơn

Cũng trong năm 2015, Facebook thực hiện những thay đổi lớn cho nền tảng nhà phát triển ứng dụng của mình.

Một số đối tác được chọn để xếp vào "danh sách trắng", tức cho phép họ có nhiều quyền truy cập vào dữ liệu hơn so với các nhà phát triển thông thường đang sử dụng nền tảng của Facebook. Danh sách này có thể kể đến Airbnb, Netflix và Lyft.

'Điều tốt cho thế giới không nhất thiết là điều tốt cho Facebook'

Trong một email, Zuckerberg thẳng thắn nói rằng lợi ích của Facebook không phải lúc nào cũng phù hợp với những người dùng của nó, cũng như với thế giới.

Bối cảnh của email là cuộc thảo luận về việc truy cập của các ứng dụng của bên thứ ba vào nền tảng Facebook, làm sao đảm bảo người dùng chia sẻ nội dung trên Facebook chứ không phải trên nền tảng bên ngoài, dù việc đó có thể không mang lại các lợi ích cao nhất cho người dùng.

"Điều đó có thể tốt cho thế giới nhưng không tốt cho chúng ta, trừ khi mọi người vẫn chia sẻ lại với Facebook và nội dung đó làm tăng giá trị của mạng xã hội này", Zuckerberg viết.

Zuckerberg đánh giá dữ liệu người dùng trị giá 0,1 USD một năm

Facebook từng nhiều lần lên tiếng rằng họ chưa bao giờ bán dữ liệu người dùng.

Nhưng trong một email gửi tháng 10/2012, Zuckerberg đã thảo luận về mô hình kiếm tiền, cho phép nhà phát triển sử dụng công cụ đăng nhập của Facebook hoặc xuất bản nội dung lên Facebook miễn phí, nhưng sẽ tính phí cho việc "đọc" dữ liệu.

"Một mô hình cơ bản có thể là: Đăng nhập bằng Facebook luôn miễn phí. Đưa nội dung lên Facebook cũng luôn miễn phí. Đọc bất cứ điều gì, kể cả từ bạn bè, sẽ tốn tiền. Có thể đề xuất mức 0,1 USD trên một người dùng mỗi năm", CEO Facebook gợi ý.

Tin bài liên quan